HLV Guillaume Greachen ít khi nhận xét về học trò trước giới truyền thông, thậm chí ra sức bảo vệ cho sai lầm của họ. Nhưng sau trận thua U21 Sydney chiều 23/10, ông phải thốt lên về học trò cưng Công Phượng: “Cậu ấy chơi quá cá nhân, làm mất bóng và chậm nhịp độ tấn công. Công Phượng đã được truyền thông tâng bốc thái quá để rồi đánh mất đi cái đầu lạnh cần thiết”.
Thầy Giôm nhắc về thời điểm tiền đạo này ghi bàn thắng vào lưới U19 Australia trên sân Mỹ Đình. Tên tuổi của Công Phượng được biết đến nhiều hơn, được các fan vây xung quanh nhiều hơn cũng từ bàn thắng mà không ít người tung hô là siêu phẩm, so sánh với Messi hay Maradona.
Từ khoảng khắc xuất thần ấy, CP10 trở thành cái tên hot và là tâm điểm ở mỗi nơi anh có mặt cùng các đồng đội. Các fan, nhất là nữ, tạo thành “vòng vây” xung quanh cậu bé chăn trâu, cắt cỏ ngày nào ở vùng quê nghèo Đô Lương, Nghệ An. Hàng loạt tấm hình chụp với các hot girl được chính họ đưa lên mạng như một “chiến tích”.
Trong vòng vây giữa hàng trăm người hâm mộ, các bạn đồng môn ở trường đại học sư phạm TDTT TP HCM, khi được hỏi anh có thấy áp lực không trước các thông tin, bài viết hướng về mình quá nhiều so với các đồng đội khác, Phượng cười và nói ngắn gọn: “Không, tôi không bị áp lực gì. Tôi và các đồng đội chỉ lo tập, ít khi lên mạng nên không ảnh hưởng lắm”. Ai yêu mến cầu thủ này cũng như U19 Việt Nam đều mong muốn Phượng nói được, làm được. Chí ít, người hâm mộ mong anh không đánh mất mình để tiếp tục phát triển tài năng.
Nhưng sau khoảnh khắc trong trận thắng U19 Australia 1-0 tại Mỹ Đình, Phượng dần rất khó khăn để tìm lại chính mình trên sân và kết quả bị chính thầy Giôm phản ứng như hôm qua, 23/10. Bị đối phương nhận diện, thi đấu mật độ dày dẫn đến vấn đề thể lực… lý giải sự đi xuống đó. Nhưng với thầy Giôm, người gắn bó với anh khi anh còn là cậu bé gầy gò, ốm yếu, ông nhìn thấy nguyên nhân tận sâu bên trong. Ông lo ngại áp lực và những tác động bên ngoài đang tiến vào học trò mình khiến anh này "nghĩ khác".
Đây là lý do ông thầy người Pháp "chỉnh" Công Phượng ngay trước mặt giới truyền thông sau trận thua U21 Sydney. “Suốt thời gian qua, truyền thông đưa cậu ấy lên tầm cao dù thực tế anh ta chỉ là cầu thủ trẻ chưa thành danh. Mọi việc đến với cậu ta qua nhanh. Điều này khiến Phượng khó giữ được cái đầu lạnh trên đôi vai của mình. Chắc chắn Công Phượng sẽ phải điều chỉnh lại tất cả để tìm lại sự cân bằng”.
Thầy Giôm nói thẳng Công Phượng chơi bóng quá cá nhân. Thực ra, lối chơi này chính là một “đặc điểm” lâu nay của anh. Cũng chính vì lối chơi quá cá nhân mà ông quyết định để anh mang tấm băng đội trưởng từ Xuân Trường để anh có trách nhiệm hơn mỗi khi thi đấu. Từng có lúc, thầy Giôm tỏ ra hài lòng về sự tiến bộ trong cách chơi của CP10. Nhưng sau chuỗi trận không thể hiện được mình, kèm theo là sự quan tâm quá mức của dư luận, giới truyền thông khiến ông phải đưa ra lời cảnh báo cho cậu học trò: “Nếu còn cá nhân, Phượng có thể ngồi ngoài”.
Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Công Phượng, lần nào nhắc đến người con trai nổi tiếng của mình cũng đều nhắc đến Phượng như một đứa con ngoan, hiếu thảo, sống tình cảm. Bà tâm sự, lần nào Phượng gọi điện về cũng hỏi thăm gia đình, hàng xóm và nói rằng “con vẫn là Phượng của ngày nào chứ không có thay đổi gì hết”. Bà cũng nói thêm rằng dù cuộc sống của Phượng có thay đổi, nhưng “nó hay nói là không thích được báo chí tung hô, so sánh với người này, người kia và nó chỉ muốn là chính mình”.
Chỉ hơn một năm kể từ ngày “xuống núi”, quá nhiều thay đổi đột ngột và lớn lao đến với Công Phượng và các đồng đội ở học viện HAGL. Người hâm mộ hy vọng CP10 sớm vượt qua và tìm lại chính mình - một người khá ít nói, sống tình cảm và là tài năng bóng đá.
Ngọc Hà