Ngày 24/9, ông Ngô Duy Tân - Giám đốc Công ty Thái Bình Dương - cho biết, con hổ cắn chết nhân viên chăm sóc Lương Văn Hải (40 tuổi) được nuôi từ năm 2002, là một trong những con già nhất trong đàn. Do bị bệnh, bỏ ăn nhiều ngày, hổ chỉ nặng 120 kg. Vật nuôi này được anh Hải trực tiếp chăm sóc, thuần dưỡng 14 năm nay.
"Cả hai rất thân thiết. Nó rất hiền, còn cho anh Hải cưỡi lên lưng. Có thể nó đã đùa giỡn quá mức, ngoạm vào vùng cổ anh ấy như cách nó vẫn làm với các con khác trong chuồng", ông Tân nhận định.
Theo ông Tân, 16h hôm trước, anh Hải như thường lệ mang thức ăn đến các chuồng để cho 16 con hổ ăn. Khu nuôi rộng khoảng một hecta, được bao bọc bằng bức tường cao hơn 6 m, trên có rào kẽm gai. Nơi nhốt hổ nằm trong nhiều lớp hàng rào, bên trong có các chuồng nhỏ riêng biệt.
Khi anh Hải cho hổ cái bị bệnh ăn, những con khác cũng ở gần đó. Lúc sau, không thấy nam nhân viên này về phòng để chuẩn bị đồ đi dự tiệc tối, những người bạn làm chung đã gọi điện nhưng không thấy anh này trả lời. Đi tìm, họ hốt hoảng khi phát hiện anh Hải nằm bất động trong chuồng.
"Con hổ cái vẫn ngồi cạnh anh ấy, nhiều lúc dùng chân lay vào người. Những con khác muốn tiến đến gần nhưng bị nó gầm gừ xua đuổi", ông Tân nhớ lại.
Các nhân viên dùng kim loại đập vào nhau để tạo ra tiếng động cho 15 con hổ chạy về chuồng nhỏ nhốt lại. Riêng hổ tấn công vẫn đứng cạnh anh Hải, phải mất khá lâu mới bỏ vào chuồng nhỏ. "Mọi người chạy đến định đưa Hải đi cấp cứu, nhưng anh ấy đã tử vong", ông Tân cho biết.
Theo ông chủ Công ty Thái Bình Dương, sau sự cố hổ ở khu du lịch Đại Nam cắn chết nhân viên năm 2009, ông và Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên kiểm tra, các điều kiện nuôi nhốt đều bảo đảm. Để tránh ảnh hưởng người xung quanh, công ty cũng đã dừng nuôi ở dãy chuồng cạnh nhà dân.
"Đây là vụ tai nạn đáng tiếc lần đầu xảy ra ở trại. Anh Hải nhiều năm gắn bó với công việc tại đây, chúng tôi xem anh ấy như người thân thương trong nhà. Công ty sẽ làm tròn trách nhiệm đối với sự mất mát của anh và gia đình", ông Tân chia sẻ.
Ông Trần Văn Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, vụ việc xảy ra bên trong chuồng hổ chứ không phải bên ngoài. Qua kiểm tra, các điều kiện nuôi nhốt hổ ở Công ty Thái Bình Dương - Pacific vẫn đảm bảo theo yêu cầu theo quy định cơ quan chức năng cấp phép.
"Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý cơ sở nuôi hổ hoặc các loài thú dữ cần thực hiện những biện pháp đảm bảo an toàn cho người chăm sóc thú; không được chủ quan nhằm đề phòng tai nạn tương tự xảy ra", người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm Bình Dương nói.
Một số chuyên gia cho rằng, dù được nuôi từ bé, bản năng hoang dã vẫn tiềm ẩn, khi gặp điều kiện hổ sẵn sàng tấn công kể cả đó là người chăm sóc hàng ngày. "Người chăm sóc đã quá chủ quan khi vào gần hổ, loài rất hung dữ để cho ăn. Việc này làm trái quy trình nuôi động vật hoang dã", tiến sĩ Vũ Ngọc Thành, từng làm việc tại Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói.
Theo quy trình, người nuôi không được vào chuồng cho động vật hoang dã ăn trực tiếp. Thông thường các chuồng nuôi thú lớn được ngăn làm hai, một bên để thức ăn và một bên loài vật ở.
Tiến sĩ Thành cho biết, khi sức khỏe không tốt, điều kiện môi trường tác động, hoặc người chăm sóc dù thân quen nhưng có hành vi khác thường, hoặc mùi gì đó khác lạ... hổ có thể bị kích động và tấn công người bất cứ lúc nào. "Ngay cả trong rạp xiếc, hổ được huấn luyện kỹ nhưng vẫn tấn công chủ do tác động bên ngoài", ông Thành dẫn chứng.
Hiện tỉnh Bình Dương có 3 cơ sở được cấp phép nuôi hổ là Công ty Thái Bình Dương, khu du lịch Thanh Cảnh và khu du lịch Đại Nam. 7 năm trước, một con hổ ở khu du lịch Đại Nam đã nhảy qua vách ngăn cao 3 m được lắp xung điện, tấn công ba nhân viên vườn thú đang trồng cây xanh, khiến một người tử vong.
VnExpress