Chương trình Sau ánh hào quang với chủ đề Hỏa vũ giữa không trung đã giúp khán giả hiểu hơn về cuộc đời của nữ danh ca Họa Mi. Khi đang là nghệ sĩ hàng top của Sài Gòn, chị rũ bỏ ánh đèn sân khấu để nên duyên cùng nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc trong cảnh nghèo khó vào năm 1976. Vì nghèo túng, Tấn Quốc - Họa Mi tự đãi tiệc cưới tại nhà và chiêu đãi bạn bè bằng...cơm dĩa tại nhà NSND Kim Cương. Nhà chồng cũng phải bán bớt bàn tủ để mua nhẫn và hoa tai cho nàng dâu trẻ.
“Không thể chăm sóc mẹ ruột, tôi trả hiếu cho mẹ anh Quốc”, Họa Mi tâm tình. Thiếu tình thương gia đình từ bé, nữ ca sĩ đã dồn hết chữ hiếu để phụ trợ cho 18 nhân khẩu nhà chồng. Một năm sau, họ chào đón thiên thần nhỏ đầu tiên trong cảnh bần hàn. Nữ danh ca nói, “Nhiều lúc tôi chỉ có thể pha cháo loãng cho con uống”. Nhưng cứ thế, Họa Mi cùng chồng tiếp tục đón dạ con thứ hai, thứ ba khi chị mới 29 tuổi.
Hạnh phúc chưa bao lâu, chứng “thoái hóa võng mạc” khiến mắt ngày càng hẹp như mắt ngựa, cướp đi ánh sáng của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc. Từ đó, Họa Mi vừa là mẹ vừa là cha của bầy con, là đôi chân đưa chồng đi muôn nẻo trên hành trình trị bệnh. Bên cạnh giọng hát, cái tên Họa Mi bỗng chốc trở thành một “biểu tượng” với cảnh “vợ nhỏ chở chồng to”. Không dứt bệnh, nghệ sĩ Tấn Quốc phải sang tận Liên Xô thử phương pháp chữa trị mới, chích thẳng thuốc vào đáy mắt đau đớn như hành hình. Thế nhưng, mọi phương pháp từ đông sang tây đều phải chào thua căn bệnh lạ này.
Năm 1988, Họa Mi được mời sang Pháp trình diễn. Đứng giữa kinh đô ánh sáng, niềm tin về việc chữa đôi mắt cho chồng lại cháy bỏng trong lòng chị. Từ chuyến lưu diễn ngắn ngày, chị chấp nhận sống tha hương suốt gần hai năm để nuôi thân và chờ giấy bảo lãnh chồng sang Pháp chữa trị. Thật may mắn, phu nhân của Tổng thống Pháp thời bấy giờ đã chấp nhận hỗ trợ cho vợ chồng Họa Mi. Ước vọng cháy mãnh liệt thì vết bỏng để lại càng lớn. Các bác sĩ trời tây thông báo, chồng chị không thể chữa trị và có khả năng để lại di chứng cho các con.
Nghệ sĩ Tấn Quốc mang ơn vợ cũ suốt cuộc đời
Sống trong bốn bức tường trên xứ người là một cực hình đối với Lê Tấn Quốc khi thấy vợ phải thay mình làm mọi điều. Từ đây, nam nghệ sĩ trở về quê nhà và chấp nhận chia tay Họa Mi trong êm ấm. Một năm sau, Lê Tấn Quốc thông báo mình đã tìm được một nửa mới trong đời với sự chúc phúc của chính Họa Mi. Với những thăng trầm đó, nhạc sĩ Lam Phương đã viết nên ca khúc Em đi rồi để riêng Họa Mi giãi bày cùng số phận mình.
Công việc ca hát bị ngắt quãng, Họa Mi mưu sinh bằng công việc bán cà rem, bánh mì. Nhờ vậy, chị quen và nên duyên cùng ông xã hiện tại của mình. Từng lỡ một lần đò nên ông hiểu rõ những truân chuyên mà Họa Mi đang gánh gồng. Với tình yêu và tình thương, ông chấp nhận thay cha ruột nuôi ba con riêng của chị như máu mủ của mình. Ngày tái hôn của Họa Mi tại Việt Nam, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã có mặt như lời tạ tình dành cho người thương cũ.
Khi xuất hiện trong chương trình Sau ánh hào quang, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã giải tỏa những điều tiếng mà Họa Mi phải chịu đựng trong thời điểm cả hai chia tay. Khi được Trấn Thành hỏi có oán trách Họa Mi không, nghệ sĩ Tấn Quốc bày tỏ: “Họa Mi là ơn lớn của tôi”. Chồng cũ của nữ danh ca cũng bày tỏ lòng cảm kích đến người đàn ông thứ hai của vợ vì đã thay mình chăm lo cho các con. Nghệ sĩ Tấn Quốc chia sẻ: “Thấy vợ mới chở vợ cũ của tui đi mua bánh trái mà cả xóm đứng ngó”. Giờ đây họ là tri kỷ, “không còn ở nhưng luôn biết ơn”.