Cấm nhảy vẫn cứ nhảy, nhưng không |
Trung bình một ngày, một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200-300 khách đến bơi, trong khi số lượng đó ở TP HCM cao hơn gấp nhiều lần. Chất lượng nước và dịch vụ y tế tại các bể bơi luôn là những vấn đề mà người đi bơi quan tâm. Về việc thực hiện các quy định tại bể bơi, mỗi người quản lý nói một kiểu.
Ông Vương Duy Bình, Giám đốc Trung tâm thể thao Bách Khoa quả quyết: "Với đội ngũ nhân viên giám sát chặt chẽ, chúng tôi đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả được những người có bệnh đi bơi tại đây".
Ngược lại, anh Hoàng Trường Giang, quản lý bể bơi Phòng không Không quân thì không chắc chắn lắm về điều này: "Nếu người bơi cố ý trốn tránh thì cũng chịu, bởi có những bệnh mắt thường không dễ nhận biết".
Theo ghi nhận của PV Lao Động, ngay cả những bể bơi lâu nay vẫn được đánh giá thuộc hạng VIP như Bốn Mùa, Sao Mai, thì việc kiểm tra bệnh của khách trước khi xuống bơi cũng chỉ được thực hiện bằng cách quan sát và ít khi áp dụng biện pháp kiên quyết để ngăn cản người mắc bệnh xuống bể.
Tại bể bơi Tăng Bạt Hổ, tìm mãi cũng chẳng thấy nhân viên y tế ở đâu. Hỏi ông Chu Quốc Cường, cán bộ quản lý, thì được biết: "Anh phụ trách y tế đi nghỉ mát, nên công việc y tế sẽ được các nhân viên cứu hộ kiêm nhiệm luôn". Ông cũng cho biết, phòng y tế của bể thực ra chỉ là... một cái bàn nhỏ được kê tại một góc sân. Tại bể bơi Thanh Niên, phòng y tế được đặt ngay ở cửa ra vào. Ở đó, người ta kết hợp luôn việc bán vé và trông xe đạp.
Phần lớn các bể bơi ở Hà Nội hiện đều sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn. Tuy vậy, lẻ tẻ vẫn còn có bể tiến hành việc thay nước. Chẳng hạn như tại bể bơi Thanh Niên, bác Nguyễn Tuấn, người phụ trách vệ sinh cho biết, cứ 4 ngày bể mới thay nước một lần. Theo giáo sư Nguyễn Tất Hài (Viện Vệ sinh môi trường), vệ sinh như thế là không đảm bảo.
Với câu hỏi bể bơi sử dụng hoá chất gì, nồng độ bao nhiêu thì tại mỗi bể bơi, các phóng viên lại nhận được những câu trả lời khác nhau. Ông Đỗ Uy, người thực hiện việc pha chế nước tại bể Tăng Bạt Hổ cho biết: "Ở đây có 4 loại thường xuyên được sử dụng là axit clohidric (HCl), Clo bột, nước giaven và cloruamin". Còn bể Thanh Niên dùng cloruamin và đồng sunphát.
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Đức, phụ trách bể bơi Kim Liên, khẳng định: "Dùng đồng sunphát là sai, bể của tôi luôn dùng axít khô, chất làm sạch nước Dj4.1 và viên clo". Về nồng độ cloruamin có trong nước, bác Tuấn (bể Thanh Niên) cho biết cứ mỗi lần thay nước là cho 12kg cloruamin. Nếu như thế, với dung lượng 1.800.000 lít của bể này thì nồng độ cloruamin là trên 1 mlg/lít. Theo biên bản kiểm tra y tế tại bể Bách khoa năm 2004 thì chỉ số này là 0,4mlg/lít; còn ở bể Kim Liên, chỉ số này là 0,5mlg/lít.
Trước tình trạng mỗi bể một phách "pha chế" nước, bác sĩ Minh Thái (Trung tâm Y tế dự phòng) cho biết: "Để bảo đảm tiêu chuẩn, các bể chỉ được sử dụng chất clo và các dẫn xuất của nó. Nồng độ cloruamin lý tưởng phải nằm trong khoảng 0,6-0,8mlg/lít". Như vậy, có thể thấy chỉ số về nồng độ cloruamin tại các bể bơi nói trên đều không khớp với con số mà bác sĩ Thái đưa ra.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP HCM hiện có trên 50 bể bơi, chưa tính đến số bể do các khách sạn quản lý. Hiện nay theo phân cấp, hồ bơi thuộc quận huyện nào, thì do quận huyện đó quản lý và điều hành. Các bể bơi khác, do ngành thể thao quản lý như Kỳ Đồng (quận 3), Lý Thường Kiệt (Tân Bình), Phú Thọ (quận 11) hay Lam Sơn (quận 5), Yết Kiêu (quận 1) và Cung Lao động (quận 1)... là những bể bơi có chất lượng cao, hoạt động có tính chuyên nghiệp và đặc biệt là hệ thống xử lý nước tuần hoàn.
Trên nguyên tắc các bể bơi đều do Liên đoàn Thể thao dưới nước kiểm soát, nhưng thực tế chỉ khi nào xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng mới xuất hiện, còn lại đều phó mặc cho cơ quan chủ quản điều hành. Tuy nhiên, một quan chức của liên đoàn này cho biết, hàng quý vẫn phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật, đội ngũ phục vụ tại các bể bơi và nếu đơn vị nào không đáp ứng được những điều kiện tối thiểu, sẽ bị ngưng hoạt động ngay.
Bể bơi Cung văn hóa Lao Động còn được đánh giá là một địa điểm có hệ thống kỹ thuật tốt nhất, có đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp và nguồn nước sử dụng luôn đảm bảo vệ sinh. Cứ mỗi sáng, sau khi đã cọ rửa và bơm hóa chất vào máy lọc, một lượng nước không nhỏ ở đáy được thoát ra khỏi bể để tuần hoàn nước, nên nước ở đây luôn đảm bảo vệ sinh. Và cứ 1 quý, bể Cung Lao Động lại cho thay toàn bộ nước một lần. Bên cạnh đó, đội ngũ 6 người cứu hộ/ca túc trực thường xuyên đã hạn chế những tai nạn đáng tiếc như đã từng xuất hiện cách đây 10 năm.
Tuy nhiên không phải bể bơi nào cũng làm được như Cung Lao Động. Hiện có không ít bể do chạy theo doanh thu, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và chưa dám đầu tư nên nguồn nước tại các bể bơi này thường không đảm bảo vệ sinh cần thiết. Không có hệ thống xử lý nước tốt, máy tuần hoàn nước hoạt động không thường xuyên và sử dụng hóa chất tẩy không theo quy định, nên thường làm cho người đến bơi mắc các bệnh thông thường về mắt, các bệnh ngoài da. Nhiều bể không kiểm soát tốt nên đã có tình trạng các em nhỏ thay vì bơi ở bể nhỏ lại sang tung tẩy ở bể lớn mà người cứu hộ không hề nhắc nhở.
Nên chăng các cơ quan chủ quản hồ bơi, các đơn vị chức năng như Liên đoàn Thể thao dưới nước, vệ sinh dịch tễ cần tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa và có những biện pháp cương quyết khi xử lý các bể bơi vi phạm theo quy định chung, chứ không nên thả nổi trách nhiệm này cho các địa phương.
Các dấu hiệu nhận biết bằng thị giác về một bể bơi không đạt tiêu chuẩn
Dễ nhận biết nhất vẫn là chất lượng nước trong bể bơi. Nếu nước có mùi, đục lờ đờ, không nhìn rõ đáy bể, có nhiều cặn bẩn, có rêu bám xanh đen, mùi clo quá nồng hoặc không có mùi clo thì đó là những yếu tố khẳng định nước trong bể bơi không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có nguy cơ nhiễm bệnh cho người bơi. Ngoài ra, nên chú ý nếu sau khi bơi, mắt bị đỏ là do nước có nhiều clo, da bị nhăn và môi thâm là do nước nhiều axit, hoặc các trường hợp da bị khô và răng bị xít sau khi bơi, cũng cho thấy nước trong bể là không đạt tiêu chuẩn. Những dấu hiệu chứng tỏ người bơi đã mắc bệnh sau khi bơi Sau khi bơi, người bơi có thể bị mắc các bệnh ngoài da (lây nhiễm từ những người cùng bơi khác), các bệnh về hô hấp (sổ mũi, hắt hơi, viêm tai) và đường ruột (do uống phải nhiều nước trong bể). Cũng có thể, hội chứng nhiễm bệnh sau khi bơi là do người đi bơi đã nhiễm bệnh từ trước và đã bị tác động thêm, khi vào môi trường nước ở bể bơi. Những việc nên và không nên làm trước và sau khi bơi Trước khi bơi nên khởi động và tắm tráng. Nhiều người cho rằng tắm tráng chỉ đơn giản là nhúng nước vào người trước khi xuống bể nhưng họ không hề biết rằng chính động tác này giúp họ và các nhân viên cứu hộ nhận biết được mức độ thích nghi của bạn đối với môi trường nước và kịp thời giúp đỡ bạn tránh khỏi những nguy hiểm. Người đi bơi không nên uống nhiều rượu, bia hoặc vừa tập quá căng thẳng đã vội xuống bể, rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ. |