Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết 7,2 tỷ đồng tiền được bồi thường dù chưa phải là con số mong muốn nhưng ông tạm vừa lòng. "Tôi chấp nhận mức bồi thường này và hy vọng sớm nhận được số tiền trên để gia đình trang trải khó khăn đang chồng chất hiện nay, nhất là chữa bệnh cho cả hai vợ chồng", ông nói.
Từ ngày được giải oan, sức khỏe ông sa sút, hiện chỉ còn hơn 50 kg. Cánh tay trái bị gẫy khi ở trong tù luôn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Ông không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà giúp vợ chăm con gà, con lợn.
Ông Thân Văn Hoạt, đại diện gia đình và cũng là người đồng hành với vợ chồng ông Chấn suốt một thập kỷ từ khi kêu oan cho biết, trải qua 3 lần gặp mặt và thương lượng, gia đình mới đạt được thoả thuận bồi thường với TAND Tối cao số tiền trên.
"Gia đình không gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là phải xoay xở hơn 100 loại giấy tờ có liên quan và đòi số tiền phù hợp với từng khoản yêu cầu được bồi thường", ông Hoạt cho biết.
Lần gặp đầu tiên giữa gia đình ông Chấn và TAND Tối cao diễn ra vào sáng 15/8/2014, kéo dài khoảng 2 tiếng, chủ yếu bàn về các thủ tục, chưa xét đến nội dung cụ thể yêu cầu đòi bồi thường oan sai. Cuộc gặp lần thứ hai vào ngày 17/3/2015, gia đình ông Chấn được yêu cầu nộp hơn 100 loại giấy tờ như chứng từ thuê xe, hóa đơn chuyển phát nhanh… Trong gần một năm từ khi bắt đầu đòi bồi thường, gia đình ông đã 4 lần nộp bổ sung tài liệu để hoàn tất hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường.
Tháng 5 vừa qua, trong cuộc gặp mặt lần thứ ba, gia đình đạt được thỏa thuận với TAND Tối cao số tiền bồi thường 7,2 tỷ đồng. "Chúng tôi ngỡ ngàng vì điều này", ông Hoạt nói và cho rằng đó là con số mà gia đình ông Chấn xứng đáng được nhận dù chưa thỏa đáng với mất mát mà họ phải chịu đựng trong 10 năm.
Theo ông Hoạt, trong tổng số tiền được bồi thường, có những khoản phải bàn đi bàn lại. Chẳng hạn, gia đình yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho ông Chấn 2 tỷ đồng nhưng tòa không đồng ý. Qua những lần thương lượng, số tiền trên được gia đình ông Chấn rút xuống còn 1,5 tỷ đồng. Con số cuối cùng được toà chốt lại là gần 600 triệu đồng.
Tiền bồi thường mất thu nhập thực tế trong 10 năm của ông Chấn được tòa bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng. Căn cứ xác minh thực tế, số tiền này được tính bằng 3.699 ngày (10 năm) x 410.000 đồng cho ngày thu nhập.
Tiền bồi thường thăm nuôi 10 năm trong trại giam, gia đình ông Chấn yêu cầu bồi thường hơn 500 triệu đồng. Nhưng trại giam Vĩnh Quang cung cấp tổng số tiền thăm nuôi trong 10 năm là 13 triệu đồng. Đối chiếu với con số do trại giam cung cấp, tòa bồi thường thêm 30 triệu chi phí đi thăm nuôi cho gia đình ông Chấn.
"Số tiền trên không hề thỏa đáng. Gia đình rất muốn lên tận trại giam yêu cầu được xem chứng từ, sổ sách ghi chép trong suốt 10 năm đi thăm nuôi. Chắc chắn là hồ sơ của trại vẫn còn giữ. Nhưng mệt mỏi quá rồi, gia đình chấp nhận", ông Hoạt nói.
Theo ông Hoạt, gia đình ông Chấn mừng vì "yêu cầu của gia đình đã được ghi nhận", nhưng giá như cơ quan chức năng "đi trước một bước" chủ động bồi thường thì gia đình sẽ thấy được sự quan tâm đúng lúc. "Như thế tình người trong vụ án oan sai này sẽ đẹp đẽ hơn, chứ không phải kéo dài khiến các bên đều mệt mỏi và khó xử", ông nói.
Nhớ lại 10 năm cay đắng đã trải qua, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, buồn bã bảo số tiền chi phí để đi tìm sự thật, minh oan cho chồng được bà chắt chiu từ tiền bán gạch xây nhà, tiền cầm cố 3 sổ đỏ của ông Hoạt, tiền các con đi làm thuê gửi về, tiền đi vay họ hàng. Bà bảo sẽ không bao giờ quên được ánh mắt rẻ rúng, coi thường của người đời với mình suốt 10 năm đó.
Để chứng minh ông Chấn vô tội, bà đi hết từ Bắc Giang lên Lạng Sơn rồi lại về Vĩnh Phúc, vào tận Đăk Lăk đi tìm hung thủ. “Có lúc chỉ dám ăn bánh mì, uống nước lọc, thèm bát phở nhưng nghĩ đến chồng đang ở trong trại giam lại không dám nữa”, bà kể.
Trong 10 năm đó, đã có lúc bà Chiến cạn kiệt hy vọng minh oan cho chồng, khi bao nhiêu tai vạ ập đến. Cháu trai bị tai biến phải chữa mấy tháng trời, mẹ chồng bị ngã gãy tay, các con phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền minh oan cho bố, bản thân bà cũng bị tai biến nằm một chỗ vào năm 2012. Nhưng khi sức khỏe ổn định trở lại, bà tiếp tục đi tìm chứng cứ chứng minh ông Chấn vô tội.
Bà Chiến bảo khi nào nhận được tiền thì mới có thể tin đó là sự thật. Khi nhiều người đến chia vui, nói đùa rằng "đi tù 10 năm nhận được số tiền bồi thường thật lớn", bà thấy buồn da diết.
"Có ai dám để cho chồng đi tù oan 10 năm để nhận lấy chục tỷ đồng hay không? Tôi nghĩ rằng đến một ngày họ cũng không dám. Tôi càng không dám. Tiền nhiều cũng đâu bù đắp được với nỗi oan khuất, tủi nhục suốt 10 năm của gia đình 4 thế hệ chúng tôi", bà nói.
Ông Chấn vướng lao lý từ tháng 8/2003 khi Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang cho rằng ông là thủ phạm giết cô hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án xác định ông phạm tội giết người, tuyên án tù chung thân. Suốt quá trình bị bắt, xét xử và khi bị kết án, ông liên tục kêu oan. Vợ ông cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền kêu oan cho chồng. Tháng 7/2013, trong đơn gửi VKSND Tối cao, bà cho hay đã tự xác minh được thủ phạm của vụ án là Lý Nguyễn Chung. Xem xét đơn, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt. Hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người. Vụ án được điều tra lại. Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng. Liên quan trách nhiệm trong vụ án oan này, VKSND Tối cao đã khởi tố, tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi), cựu thẩm phán Toà phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn, cũng bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. |
VnExpress