Thứ năm, 4/6/2015, 14:53 (GMT+7)

Hành trình mua thận của bệnh nhân Iran

Thông qua mẩu quảng cáo ngắn gọn trên tường bệnh viện, người bán và mua thận ở Iran liên lạc với nhau để trao đổi riêng, trước khi ca phẫu thuật diễn ra.

Phóng viên ảnh Francesco Alesi theo chân Ghaffar Naghdi, 24 tuổi, khi anh chuẩn bị làm phẫu thuật ghép thận. Bộ ảnh của Francesco đăng trên Guardian.
Ảnh chụp Ghaffar và gia đình gặp Narin, người đồng ý bán thận cho anh.

Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép mua bán thận. Chính phủ Iran hỗ trợ người hiến thận khoản tiền mặt hơn 460 USD và một năm bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hầu hết việc "hiến tặng" này được giao dịch riêng.

Dòng chữ viết trên bức tường bên ngoài bệnh viện, nơi diễn ra phẫu thuật ghép thận, có nội dung bán thận. "Tôi 25 tuổi, nhóm máu A+. "Tôi muốn bán thận" hoặc "nhóm máu B, 33 tuổi, bán thận", nằm trong số những nội dung quảng cáo. Nhóm máu, số điện thoại và tuổi được xem là thông tin quan trọng. Ở Iran, độ tuổi tối đa có thể hiến thận là 35. Càng gần với độ tuổi này, giá mua thận càng thấp.

Cơ thể Ghaffar đầy sẹo sau 6 năm chạy thận. Hiện mỗi tuần, người đàn ông này chạy thận ba lần.

"Tôi thấy mẩu quảng cáo của Narin và gọi cho cô ấy. Narin muốn giá cao nhưng tôi không đủ. Cuối cùng, chúng tôi đồng ý giá 5.524 USD", Ghaffar cho biết.

Vườn rau nhỏ là tất cả những gì còn lại của gia đình Ghaffar sau khi người thân quyết định bán đất đai để mua thận cho anh. Mức giá mà Narin đưa ra tương đương với hai năm lương của một công chức nhà nước ở Iran.

Ghaffar rời nhà tới bệnh viện để thực hiện ca ghép thận.

"Tôi muốn trở thành giáo viên nhưng buộc phải ngừng việc học vì bệnh tật. Trong suốt nhiều năm, tôi chỉ có một mục đích, đó là tìm người hiến thận", Ghaffar chia sẻ.

Ghaffar kể anh đã gọi hàng trăm số điện thoại và tìm thấy 72 người có cùng nhóm máu với mình. Tuy nhiên, các bác sĩ từ chối tất cả những người này do họ không đủ yêu cầu về sức khỏe.

Ghaffar và Narin sau ca phẫu thuật. Ghaffar vẫn cần phải được theo dõi trong ba tuần, còn Narin sẽ trở về nhà sau ba ngày.

Narin bước đi trong hành lang bệnh viện, nơi hai ngày trước cô hiến thận cho Ghaffar. Ngoài Narin và chồng, không ai trong gia đình biết cô bán thận. Vợ chồng Narin đều thất nghiệp và sống cùng cha mẹ. Narin từ chối nói lý do cô bán thận. "Đó là một hành động nhân đạo" là tất cả những gì Narin tiết lộ.

Vài ngày sau ca ghép thận, mọi thứ diễn ra suôn sẻ với Ghaffar. Như dự tính, Ghaffar cảm thấy khỏe hơn và có thể đi lại, dù vẫn còn đau.

Bình Minh (Ảnh: Francesco Alesi/Parallelozero)

Đánh giá phiên bản mới