Sinh ngày 30/5/1993, Chhun Bunthorn là con gần út trong một gia đình có 5 anh chị em ở tình Prey Veng, Campuchia. Không ai trong gia đình theo nghiệp thể thao và anh cũng không theo con đường này sớm. Nhưng Bunthorn nhớ rằng mình là cậu bé lanh lợi và rất thích chạy.
"Tôi còn nhớ vẫn luôn chạy nhảy. Tôi chạy khi chơi diều, khi đua với bạn bè, với con chó của tôi và thậm chí với cả xe đạp. Tôi không bao giờ mệt mỏi bởi chạy mang tới cho tôi niềm vui", VĐV Campuchia nhớ lại trong cuộc phỏng vấn ở quê nhà hôm 22/5.
Dù lớn lên trong nghèo khó, Bunthorn vẫn luôn thích các hoạt động thể chất. Nhưng hạnh phúc của cậu bé vụt tắt năm lớp 7 khi mẹ bị phát hiện mắc ung thư vòm họng. Lúc đó, đầu gối của Bunthorn cũng bị thương nặng trong một trận bóng đá. "Nhà tôi kiệt quệ tài chính vì chấn thương của tôi và căn bệnh của mẹ. Hai mẹ con chúng tôi phải nằm viện và gia đình đối mặt những hóa đơn viện phí", anh nói.
Bunthorn cuối cùng cũng bình phục nhưng mẹ anh thì không. Bà qua đời năm 2010 vì ung thư. Lúc đó, cả gia đình anh chỉ còn 3.700 riels (chưa được một USD) cùng khoản nợ lớn. Nhà vô địch SEA Games 32 nhớ lại: "Tôi đã khóc rất nhiều vì thương xót mẹ. Chúng tôi thậm chí không thể tổ chức một tang lễ tử tế cho mẹ. May thay, mọi người trong cộng đồng chúng tôi quyên góp tiền, vì thế mẹ cũng có đám tang tươm tất".
Vì khó khăn tài chính, bố và hai chị gái Bunthorn phải tới thành phố Poipet làm việc, để ba anh em Bunthorn ở lại quê nhà. Năm 2011, Bunthorn là người duy nhất ở lại Prey Veng, trong khi hai anh em còn lại tới thủ đô Phnom Penh sống.
"Tôi sống một mình rất khổ sở. Tôi thường bỏ bữa bởi không có thức ăn, thỉnh thoảng còn không có tiền mua nước uống. Nhưng tôi học chăm chỉ bởi muốn được vào đại học ở Phnom Penh", Bunthorn thổ lộ.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 2012, Bunthorn nhận học bổng tại Viện công nghệ và kỹ thuật xây dựng Campuchia ở Phnom Penh. Tại thủ đô, vừa đi học Bunthorn vừa làm tình nguyện cho PES - tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trẻ em thiếu may mắn. Đổi lại, Bunthorn được chu cấp nơi ăn ở. Anh từng nghĩ cuộc sống của mình sẽ dễ thở hơn khi nhận được bằng cấp nhưng bất hạnh lần nữa giáng xuống khi bố anh cũng qua đời vì ung thư.
"Sau khi mẹ mất, bố tôi tan nát cõi lòng, cộng thói quen hút thuốc và sự thất vọng vì không thể nuôi các con, ông đã gục ngã", chân chạy Campuchia nói.
Nỗi đau buồn cùng những khó khăn tài chính không ngừng khiến Bunthorn phải bỏ học. Trong khi chưa biết tương lai thế nào, anh tìm đến thể thao như cách thoát khỏi trầm cảm và nghèo khó. Anh cho hay: "Tôi đề nghị tham gia tất cả chương trình thể thao ở PES nhưng mọi người chú ý tới khả năng với môn điền kinh của tôi. Sau đó, một VĐV ở PES khuyên tôi theo điền kinh và nói tôi có thể kiếm tiền từ thi đấu thể thao".
Sau hai tuần tập luyện, Bunthorn thi đấu lần đầu tại một giải bán marathon quốc tế ở tỉnh Preah Sihanouk và về thứ 50. Nhìn người về đầu giành Cup và được thưởng tiền, anh càng thôi thúc bản thân theo nghiệp thể thao. Bunthorn sau đó đăng ký vào Học viện Giáo dục và thể thao và bắt đầu chạy các cự ly dài để kiếm tiền. Sau thời gian tập luyện nỗ lực, anh cũng giành một số giải thưởng.
"Thành công đầu tiên của tôi là về thứ ba tại một giải hai môn phối hợp đầu năm 2013. Phần thưởng là 20 USD. Tôi đã rất hạnh phúc bởi đó là số tiền nhiều nhất tôi từng có. Nó đủ dùng cho tôi một tháng", Bunthorn nhớ lại.
Chạy trở thành ưu tiên hàng đầu của VĐV Campuchia và cuối cùng anh cũng giành HC vàng ở một số sự kiện. Tuy nhiên, cuộc sống của Bunthorn chưa cải thiện nhiều. Giày chạy đã cũ mà anh không đủ tiền mua đôi mới, dù vẫn tiếp tục chạy và giành huy chương. Bên cạnh kiếm tiền từ chạy, Bunthorn cũng làm nhiều nghề khác như bảo vệ, phục vụ bàn... Thời điểm này, đam mê chạy của Bunthorn vẫn tiếp tục và anh khao khát mang vinh quang về cho tổ quốc.
"Khi lần đầu tranh tài tại một cuộc thi quốc tế, tôi cảm thấy thua thiệt vì bắt đầu chạy rất muộn, trong khi các đối thủ hầu hết bắt đầu tập từ tiểu học, thậm chí từ mầm non. Nhưng chạy đã giúp tôi sống sót, giúp tôi thoát khỏi những nỗi đau thật sự. Thêm vào đó, tôi cũng khỏe mạnh nhờ chạy bởi thực sự sợ hãi khi thấy bố mẹ mình qua đời khi còn khá trẻ", anh nói.
Cùng lúc tốt nghiệp trường thể thao nơi anh phá kỷ lục 800 m và 1.500 m, Bunthorn tìm được công việc toàn thời gian ở một trung tâm thể hình. Anh ngừng các hoạt động liên quan tới điền kinh nhưng sau đó trở lại vì tình yêu với chạy. Bunthorn được lên tuyển sau khi giành HC vàng giải vô địch quốc gia 2016 và 2018. Anh từng dự SEA Games 29 và 31 nhưng không giành được huy chương.
Năm ngoái, khi Campuchia chuẩn bị cho kỳ SEA Games đầu tiên trên sân nhà, Bunthorn cùng vài VĐV được gửi sang Trung Quốc tập huấn 8 tháng. Anh trải qua những bài tập khó khăn nhất trong cuộc đời. "HLV bắt chúng tôi chạy 600 m rồi chạy nhẹ nhàng rồi lại chạy, rồi nước rút, ngày nào cũng như ngày nào lặp lại như thế. Mỗi ngày, tôi đều chạy bộ và chạy nước rút", Bunthorn nhớ lại.
Anh từng muốn bỏ cuộc vì những vấn đề sức khỏe như Covid-19 cộng thời tiết mùa đông khắc nghiệt của Trung Quốc. Nhưng mang trên vai hy vọng của cả quốc gia lần đầu làm chủ nhà SEA Games khiến Bunthorn không buông xuôi. "Tôi đã khóc và cắn môi mình, thỉnh thoảng nói với HLV rằng muốn bỏ cuộc nhưng tôi đã không làm thế. Lúc đó, tôi không chạy cho bản thân mình mà cho cả đất nước", anh nói.
Nỗ lực không ngừng của Bunthorn được đền đáp với tấm HC vàng SEA Games ngay trước các CĐV nhà. "Tôi muốn nói với bố mẹ rằng mình đã không làm họ thất vọng khi sinh ra tôi. Họ không phải lo lắng cho tôi nữa. Giờ tôi có thể tự lo cho mình", nhà vô địch 800 m bật khóc.
Giành HC vàng SEA Games là thành công lớn nhưng cũng là áp lực với Bunthorn. Anh đang tập luyện chăm chỉ cho các sự kiện lớn hơn như Asian Games hay xa hơn là Olympic. "Tôi sẽ tiếp tục tập luyện chăm chỉ và giành chiến thắng để gia đình, quốc gia thêm tự hào. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng không bao giờ đầu hàng", Bunthorn cho biết.
Chân chạy Campuchia nói sự nghiệp điền kinh của mình có thể kéo dài khoảng 10 năm nữa. Sau khi giải nghệ, anh dự định làm HV để giúp quê nhà sản sinh ra những thế hệ VĐV mới.
Anh chia sẻ: "Chúng ta đang sống trong hòa bình và thể thao phát triển trong bình yên. Chúng ta có tất cả mọi thứ trừ nguồn lực con người có hạn. Tôi muốn trở thành một phần trong công cuộc giúp những người trẻ nhận ra tài năng của họ và mang nhiều huy chương về cho đất nước. Nhưng bây giờ, tôi sẽ tiếp tục chạy và sẽ không dừng lại đến khi chân không thể nhấc lên nổi".
Sáng 11/5, trên đường chạy 800 m tại SVĐ quốc gia Morodok Techo, Chhun Bunthorn gây chú ý khi về nhất vòng loại nhưng không ai nghĩ anh có khả năng tranh chấp huy chương. Đến buổi chiều thi chung kết, chân chạy Campuchia tranh tài cùng 8 đối thủ, trong đó có Lương Đức Phước và Giang Văn Dũng của Việt Nam được đánh giá cao.
Sau 30 giây đầu tiên, Bunthorn không có mặt trong top 3 người dẫn đầu nhưng điền kinh không chỉ có tốc độ mà cả chiến thuật. VĐV sắp đón sinh nhật 30 tuổi cố tình chạy chậm lại một chút, khiến các đối thủ cũng bị phân tâm và giảm tốc. Thừa cơ, Bunthorn tìm thấy khoảng không để vượt lên bứt tốc và về nhất với thành tích 1 phút 52 giây 910. Đây không phải là thành tích cá nhân tốt nhất của anh nhưng cũng đủ để Bunthorn mang về tấm HC vàng lịch sử của điền kinh Campuchia tại SEA Games.
Sau khi về nhất, chân chạy chủ nhà bật khóc nức nở vì vui mừng và vì nhớ bố mẹ đã qua đời. "Khi vượt qua vạch đích, tôi nhìn lên trời vài giây, hy vọng có thể nhìn thấy bố mẹ trên cao nhưng tôi không thể thấy họ. Tôi biết đó là điều không thể nhưng tôi nguyện làm tất cả những gì có thể để đưa họ trở lại, để bố mẹ tôi có thể thấy niềm tự hào mà con trai họ đã mang về cho đất mẹ", Bunthorn chia sẻ.
"Quả thật, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng sẽ hãnh diện với thành công như vậy của con mình. Bunthorn chỉ mất gần hai phút lập kỳ tích nhưng hành trình dẫn tới khoảnh khắc ấy đánh đổi bằng những năm tháng nỗ lực, kiên trì và những nỗi đau tột cùng", tờ Khmer Times bình luận.
Hoàng Trang (Theo Khmer Times)