Nhìn cô gái với nụ cười tươi rói, chẳng ai có thể nghĩ rằng cô từng phải sống hơn 3.000 ngày như địa ngục nơi đất khách. Từ một nữ sinh nhẹ dạ bị lừa bán sang Trung Quốc, giờ đây Trần Thị Bình trở lại Việt Nam để làm các thủ tục kết hôn với người chồng mà cô được gả bán cách đây cả chục năm trời.
Bình kể về chuyến trở lại nhà chồng ở Trung Quốc vừa qua. Trong những câu chuyện Bình kể, không câu chuyện nào thiếu hình ảnh của 2 đứa con thơ. Bình bảo: "Sau 2 năm ở Việt Nam, khi em về lại nhà, 2 con em mừng lắm. Đứa nhỏ giờ cũng đã 6 tuổi cứ ôm chặt lấy mẹ vì sợ mẹ lại bỏ về nhà ông ngoại lần nữa. Trước những câu hỏi ngây thơ của 2 đứa con về quê ngoại ở Việt Nam, em lại trào nước mắt khi nghĩ đến bố mẹ già ở quê nhà. Các cụ mong lắm một ngày được gặp 2 đứa cháu ngoại và được xưng hô 2 tiếng ông, bà".
Bình cười nhẹ nhõm, nói về ngôi nhà "địa ngục trần gian" trước đây: "Giờ mọi chuyện khác xưa rồi. Sau lần em trốn về Việt Nam ở lại 2 năm và đưa những kẻ bán em ra pháp luật, khi trở lại, nhà chồng em bất ngờ đối xử với em khác hẳn. Em vẫn đi làm ngày 3 ca ở công ty may, vẫn dậy sớm ra ruộng hái rau để bán, thế nhưng em được cầm đồng tiền do sức lao động của mình làm ra.
Mẹ chồng em dù vẫn chẳng thể hiện chút tình cảm nào nhưng đã không còn chửi bới, đánh đập em dã man như trước nữa. Em được đi lại thoải mái và được tự do trở về Việt Nam thăm gia đình. Điều làm em mừng nhất là đã thuyết phục được chồng em làm giấy đăng ký kết hôn. Thế là hơn 10 năm chung sống, giờ em mới có cơ hội được trở thành một người vợ được pháp luật công nhận. Lần này trở về Việt Nam, ngoài việc thăm bố mẹ, em cũng phải lo hoàn tất giấy tờ đăng ký".
![]() |
Sau 10 năm sống trong "địa ngục" nơi đất khách, Bình đã trở về để khiến những kẻ hại mình phải cúi đầu nhận tội. |
Bình là cô gái có số phận bất hạnh từ thơ ấu. Chưa ra đời, Trần Thị Bình đã sớm bị mẹ đẻ rao bán cho vợ chồng ông Trần Huy Phủ ở xóm Thâm, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Vì đã có liên tiếp 4 người con chết yểu nên vợ chồng ông Phủ rất yêu thương Bình và coi cô như con đẻ trong nhà. Cuối năm 2000, Bình quen và nảy sinh tình cảm với Phạm Văn Cường (trú tại xóm Dọc Hèo, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) là cán bộ kiểm lâm của hạt Võ Nhai, phụ trách xã Liên Minh.
"Giữa năm 2001, em quen một người đàn bà tên Hoa qua Cường giới thiệu. Gặp gỡ được 1 - 2 ngày thì Cường và Hoa rủ em đi Hải Phòng chơi. Trên đường đi, Cường kể chuyện có chị gái lấy chồng và đang buôn bán bên Trung Quốc nên muốn tạo điều kiện cho em sang bên đó làm ăn. Thế nhưng, em chưa nhận lời vì còn phải về hỏi ý kiến bố nuôi.
Chạy xe về đến Hải Phòng thì trời đã tối nên cả 3 phải ngủ lại nhà một đôi vợ chồng có tên là Tuyên - Phương tại huyện Thủy Nguyên. Sáng hôm sau, Cường bảo em ở lại gia đình đó chờ anh ta đi thăm người thân ở Hải Phòng rồi sẽ quay lại đón. Thế nhưng đến chiều tối vẫn không thấy Cường quay lại. Tối hôm đó, Hoa đã đe dọa, lột hết tiền của em rồi đưa em đi Móng Cái để vượt biên theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc", Bình nhớ lại.
Sang đến nhà mình ở xã Quý Âu, huyện Sảo Châu, tỉnh Quảng Đông, Hoa đã bắt Bình phải viết giấy cam đoan là tự nguyện đi sang đây chứ không phải bị bắt ép. Bị Hoa dọa rạch mặt và tạt axt, Bình phải cắn răng viết giấy và theo Hoa đi tìm chồng. Gia đình đầu tiên Hoa đưa Bình đến là một người đàn ông hơn 30 tuổi, vợ đã chết, có 2 con nhưng không thỏa thuận được giá cả.
Khoảng một tuần sau, khi đưa Bình đến gia đình của một người đàn ông bị khuyết tật trên khuôn mặt ở huyện Sơn Đầu, tỉnh Quảng Đông, Hoa đã đồng ý bán Bình với giá 6.000 tệ (khoảng 10 triệu tiền Việt Nam thời điểm đó). Từ đó, Bình trở thành cái "máy đẻ" và osin cho gia đình người chồng không hôn thú Trần Đức Thành.
Sau 4 tháng bị giam lỏng, tháng 8/2001, nhờ một số phụ nữ Việt Nam tốt bụng giúp đỡ, Bình đã gửi được một lá thư về Việt Nam cho bố nuôi kể rõ sự tình. Thế nhưng đợi chờ mãi không thấy hồi âm, Bình đành cam chịu và dấn thân vào một cuộc sống mới. Bình được gia đình nhà chồng xin vào làm việc tại một công ty may bóng da.
Hằng ngày, Bình phải làm 3 ca kéo dài từ 7h30 đến 23h. Tiền lương hàng tháng, chồng Bình ra lĩnh trực tiếp tại công ty hoặc Bình lĩnh về và đưa lại cho chồng. Dù vất vả như vậy nhưng vào mùa thu hoạch nông sản, Bình vẫn phải dậy từ 1 đến 2h sáng để giúp chồng cắt đỗ.
Thiếu ngủ trầm trọng, Bình thường xuyên bị kim máy khâu xuyên qua ngón tay mỗi khi cô ngủ gật hay quá mệt mỏi. Chính cô cũng không hiểu nổi, sức mạnh nào đã giúp cô không gục ngã suốt 8 năm trời để có một ngày được trở về Việt Nam đưa kẻ hãm hại mình ra trước vành móng ngựa.
![]() |
Vợ chồng ông Trần Huy Phủ và những lá thư hiếm hoi con gái gửi về. |
Năm 2002, Bình sinh cho người chồng Trung Quốc đứa con gái đầu lòng đặt tên là Trần Mùi Phương. 3 năm sau, Bình tiếp tục sinh thêm một con gái đặt tên là Trần Mùi Thế. Những ngày mang thai và sinh nở là những ngày "địa ngục" nhất đối với Bình. Cường độ công việc vẫn không thuyên giảm, những lúc thai nghén mệt mỏi không làm được việc nhà, Bình luôn bị mẹ chồng chửi mắng. Thậm chí có lần bất chấp cô đang bụng mang dạ chửa, bà mẹ chồng cũng vác ghế phang vào đầu con dâu và đuổi cô ra ngoài đường.
Sau khi sinh 2 đứa con gái và bị ép buộc triệt sản, Bình được đi lại tự do hơn. Bằng một số mối quan hệ với người Việt tại địa phương, Bình đã bán một số đồ dùng cá nhân và vay mượn tiền của nhiều người để trốn về Việt Nam.
Sau 8 năm xa xứ, đặt chân lên những hòn đá gộc quen thuộc nơi con dốc dẫn vào nhà, Bình muốn khuỵu chân xuống vì xúc động. Nhìn người cha nuôi tóc bạc trắng, 2 mắt đã mù lòa vì khóc thương con suốt nhiều năm ròng, Bình càng căm phẫn những kẻ đã đẩy cô vào kiếp sống đọa đày.
Ngày 12/11/2008, Trần Thị Bình đã làm đơn tố giác Phạm Văn Cường, Vũ Thị Hoa với cơ quan công an về hành vi lừa bán người sang Trung Quốc. Trước lời khai của Bình và lời thú nhận của Hoa, ngày 30/12/2009, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt Vũ Thị Hoa 6 năm tù, tổng hình phạt là 11 năm tù.
Trước tòa, Cường đã phủ nhận hoàn toàn việc đưa Bình và Hoa xuống Hải Phòng chơi ngày 8/4/2001. Để có được thêm chứng cứ cho việc Cường là đồng phạm với Hoa, ngay sau phiên tòa 2 ngày, Bình đã một mình đi xe khách về Hải Phòng, cố gắng lục lại ký ức, đến tất cả những địa điểm nghi vấn để tìm gia đình Phương - Tuyên. Sau nhiều ngày lang thang nơi đất cảng, cuối cùng Bình cũng đã gặp được bà Phương và lấy lời xác nhận của người phụ nữ này.
Suốt một năm sau đó, 2 bố con Bình triền miên ôm đơn đi khiếu nại khắp các cấp có thẩm quyền để đòi công lý. Tuy nhiên, ngày 9/8/2010, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên kết luận vẫn không đủ căn cứ để xử lý Phạm Văn Cường theo quy định của pháp luật.
Tuyệt vọng, Bình chia tay bố mẹ trở lại Trung Quốc thăm các con. Sự thay đổi của những người thân trong gia đình bên đó đã khiến Bình bình tâm suy nghĩ lại. Biết có cố gắng theo đuổi cũng chẳng đi đến đâu vì quá ít chứng cứ, Bình quyết định gạt khỏi cuộc sống của mình những hận thù.
Nở một nụ cười thanh thản, cô gái 28 tuổi tâm sự: "Bên này, em còn bố đẻ đã gần 80 tuổi lại mù lòa 2 mắt, mẹ đẻ em cũng đã già yếu, cậu em trai duy nhất thì ốm đau, bệnh tật. Bên kia em có chồng và 2 đứa con thơ. Em nghĩ nên dành thời gian, sức lực để chăm sóc những người thân yêu của mình thì cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều thay vì tiếp tục đeo đẳng hận thù và đi kiện. Cuộc đời em chưa một lần được hạnh phúc nhưng giờ em thấy hạnh phúc đã rất gần như ở trong tầm tay".
Theo Nông Thôn Ngày Nay