Bhagirathi Bhatta, 17 tuổi, mất tích hôm 4/2 khi đang từ trường về nhà. Thi thể cô được tìm thấy một ngày sau đó trong một hẻm núi gần làng mình ở huyện Baitadi, phía tây Nepal. Điều tra ban đầu của cảnh sát cho thấy Bhatta bị cưỡng hiếp rồi siết cổ tới chết.
Cái chết của Bhatta làm dấy lên làn sóng tức giận đối với những vụ tấn công tình dục. Hôm 12/2, hàng trăm người đã tổ chức một đám tang giả ở thủ đô Kathmandu, trong đó họ mặc quần áo trắng, khiêng một cô gái trẻ nằm trên cáng tre - tượng trưng cho những nạn nhân mất mạng trong các vụ án bạo lực tương tự. Một số người khác đi theo sau, kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và đòi công lý cho các nạn nhân. Vài người quấn mảnh vải màu đen quanh mắt như để phản đối việc chính phủ làm ngơ trước hàng loạt vụ việc.
"Chúng tôi ở đây để thách thức và gây áp lực đối với chính quyền. Kẻ giết người phải bị đưa ra diễu phố và trừng trị", Rekha Thapa, một trong số những người biểu tình, nói.
"Nếu ngày mai có điều gì đó xảy ra với tôi hoặc người nào đó mà tôi yêu quý, quan tâm, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai sẽ mang lại công lý cho chúng tôi? Vì muốn có câu trả lời cho những điều đó nên tôi mới ở đây", người biểu tình khác tên Anoushka Pandey nói.
Năm 2018, hàng nghìn người cũng đổ xuống đường phản đối sau vụ cưỡng hiếp, giết hại tàn bạo nữ sinh 13 tuổi Nirmala Pant. Một người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ biểu tình này.
Nhà nước bị cáo buộc không có hành động nào hợp lý trong những vụ việc cưỡng hiếp như vậy, và một video được chia sẻ cho thấy cảnh sát đã tiêu hủy các bằng chứng.
Theo cảnh sát, trong năm 2020 có khoảng 2.100 vụ cưỡng hiếp được báo cáo ở Nepal, trong khi năm 2015 là 1.000 vụ.
Các nhà hoạt động nhận định, số vụ việc tăng cao cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ bị bạo hành. Tuy nhiên, họ cho biết còn nhiều vụ tấn công chưa được trình báo ở quốc gia được cho là gia trưởng này.
Hướng Dương (Theo SCMP)