Trong bài diễn văn đọc tại Nhà Trắng tối 9/9 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden công bố quy định mới của liên bang, yêu cầu khoảng 100 triệu người, chiếm hơn 2/3 lực lượng lao động ở Mỹ, phải chấp hành tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc. Theo quy định mới này, các công ty có hơn 100 nhân viên phải yêu cầu nhân viên tiêm vaccine hoặc xét nghiệm Covid-19 một lần/tuần. Doanh nghiệp nào không tuân thủ quy định có thể bị phạt đến 14.000 USD.
Sau đó, United Airlines ra thông báo nhân viên nào từ chối tiêm vaccine vì lí do tôn giáo sẽ bị cho nghỉ việc không lương vô thời hạn.
"Với sự tập trung vào vấn đề an toàn và sự gia tăng mạnh mẽ của các ca nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19, tất cả nhân viên từ chối tiêm vaccine vì lý do tôn giáo sẽ được nghỉ phép cá nhân tạm thời không lương từ ngày 2/10. Với số liệu thống kê về tác động của Covid-19 một cách nghiêm trọng, chúng tôi không còn có thể cho phép những người chưa tiêm chủng quay lại nơi làm việc cho đến khi hiểu rõ hơn về cách an toàn để họ có thể tương tác với khách hàng và đồng nghiệp đã tiêm phòng", thông báo của United Airlines nêu.

Hãng hàng không United Airline cho nhân viên từ chối tiêm vaccine Covid-19 vì lý do tôn giáo nghỉ việc không lương vô thời hạn. Ảnh: United
Người phát ngôn của United, Leslie Scott, cho biết những nhân viên có lý do y tế không thể tiêm phòng sẽ được nghỉ có lương.
United có 67.000 nhân viên tại Mỹ. Hầu như tất cả các nhân viên không thuộc quản lý đều được đại diện bởi một công đoàn. Các công đoàn lớn tại United đã không phản đối tuyên bố ban đầu của hãng hàng không về chính sách vaccine mới này.
Nhân viên United nghỉ không lương cũng không nhận được các quyền lợi khác, chẳng hạn như bảo hiểm y tế, mặc dù họ có thể duy trì bảo hiểm bằng cách tự trả toàn bộ phí. Họ vẫn có thể duy trì thâm niên của mình với công ty trong thời gian nghỉ không lương. Và thâm niên là một yếu tố chính quyết định điều kiện làm việc, lương thưởng và số giờ làm việc của nhân viên trong ngành hàng không.
Trước đó Delta Airlines cho biết sẽ thu 200 USD mỗi tháng với những nhân viên không chịu tiêm vaccine Covid-19 để trang trải phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Không chỉ các hãng hàng không, loạt hãng công nghệ cũng áp dụng chính sách tiêm vaccine với nhân viên công ty. Tập đoàn Microsoft đã yêu cầu chứng nhận tiêm vaccine với tất cả các nhân viên và nhà cung cấp đến làm việc tại các trụ sở của Microsoft ở Mỹ, nhưng cũng có quy định dành riêng cho các nhân viên không thể tiêm vì lý do y tế hoặc tôn giáo. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon cũng khuyến khích nhân viên tiêm vaccine, nếu ai chưa tiêm thì không thể làm việc tại kho hàng công ty.
Sơn Nam (Theo CNN, Reuters)