![]() |
Tuyển thủ rowing Nguyễn Phương Đông. Ảnh: ĐH. |
Việc hai VĐV Toàn và Đông bỏ tuyển thực sự gây sốc với các thành viên đội tuyển rowing Việt Nam. Cả hai đều thuộc diện đầu tư đặc biệt cho chiến dịch vòng loại Olympic. Riêng VĐV Đông ngày 15/4 tới đây, còn được đầu tư miễn phí theo diện Olympic trẻ. Từ trước tới nay, lối sống sinh hoạt và tác phong tập luyện, thi đấu của cả hai cũng rất tốt, không một ai từng vi phạm nội quy, dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, điều không ngờ đã xảy ra, càng không ngờ với các thành viên độ tuyển rowing khi hai VĐV có cách trốn rất táo bạo. Theo một thành viên đoàn kể lại, trong suốt quá trình tập huấn, cả hai VĐV đều không có biểu hiện gì.
Thậm chí trong đợt tập huấn 6 tuần tại Australia lần này, hai VĐV được tham dự hai giải và đều có thành tích rất cao. Đến trước một ngày về nước, toàn đội về thành phố nghỉ ngơi, chờ hôm sau ra sân bay về nước. Tối hôm đó, Toàn lấy lý do sang phòng các VĐV nữ chơi, chân đi dép lê, mặc quần đùi nên không ai có thể nghĩ Toàn lại bỏ trốn với bộ dạng ấy. Trong khi đó, Đông cẩn thận cầm theo điện thoại để dễ bề liên lạc với người ngoài. Cả hai đều không mang theo hộ chiếu vì HLV trưởng giữ từ đầu đến cuối. Nhưng điều đó đâu còn quan trọng bởi cả hai cùng xác định sẽ sống không giấy trong thời gian tới tại Australia.
Ngay sau khi về nước, ban huấn luyện đội tuyển rowing đã có báo cáo với bộ môn, lãnh đạo Tổng cục TDTT về vụ việc. Ngay lập tức phía bộ môn đã cử người đến nhà hai VĐV trên để xác minh sự việc, đồng thời tìm hiểu thông tin nhằm liên lạc với hai VĐV Đông và Toàn. Khi tìm hiểu, được biết VĐV Đông có chị còn VĐV Toàn có chú và cô đang sinh sống tại Australia. Phía hai gia đình Đông và Toàn cũng không gây khó khăn khi cung cấp số điện thoại những người quen bên Australia và hứa "sẽ bảo ban cháu" khi gặp.
Đây chỉ là cách nói khéo của gia đình hai VĐV này bởi ai cũng biết, chính họ cũng ủng hộ cho kế hoạch bỏ trốn của con mình. Biết là không thể làm công tác tư tưởng với hai gia đình ở nhà, phía Việt Nam nhờ chuyên gia Zoedonne tìm đến người nhà người thân của hai VĐV ở Australia để gặp và vận động hai VĐV trẻ trở về. Một mặt khác, phía bộ môn cũng đã có báo cáo, gửi vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Đại sứ quán...
Theo ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng bộ môn đua thuyền Tổng cục TDTT, cả hai vẫn chưa bị liệt vào dạng ở lại nước ngoài bất hợp pháp vì visa của họ có thời hạn đến ngày 4/5. Tuy nhiên với việc trốn tuyển, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của đội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, sẽ chắc chắn bị gạch tên khỏi đội.
Sau vụ việc mới nhất ở môn đua thuyền, rất nhiều các bộ môn đang có VĐV tập huấn nước ngoài đều thừa nhận, họ bó tay khi các VĐV của mình chuẩn bị sẵn các kế hoạch bỏ trốn. Các HLV chủ yếu chỉ biết giữ hộ chiếu và nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng cũng chẳng tác dụng bởi khi đã xác định bỏ, hộ chiếu các VĐV cũng chẳng cần. Trường hợp của Đông và Toàn còn cao tay hơn khi sẵn sàng “bỏ của chạy người”, ra đi chỉ với chiếc quần đùi và dép lê.
Nguyên nhân thì đa số đều tương tự nhau, đều là lợi ích kinh tế mà quên đi tất cả. Cả hai gia đình Đông và Toàn đều ở những vùng quê lam lũ, theo thể thao chỉ để bớt đi miệng ăn. Chính vì thế, khi có điều kiện làm kinh tế, các VĐV chắc chắn sẽ có sự so sánh và họ chấp nhận vứt đi tất cả chỉ mong muốn có cuộc sống sung sướng hơn.
Mai Hương