Chị Nguyên trải qua hai lần sinh mổ tại một bệnh viện của Lào. Hai lần vượt cạn để lại cho chị những ấn tượng đặc biệt về bệnh viện ở "xứ sở triệu voi". Có hai con nhưng vợ chồng chị Nguyên tự thu xếp công việc để chăm các bé mà không cần tới người giúp việc. Cuối tuần, anh chị lại cùng các con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
"Chúng tôi tiết kiệm tiền thuê giúp việc để dành đi chơi. Hơn nữa, chồng giúp tôi nhiều lắm vì có đỡ đần mới hiểu nỗi khổ của vợ để chia sẻ. Có khi anh ấy làm là chính. Gia đình vẫn muốn có thêm một bé nữa nhưng lo không đủ tiền trả học phí cho con", chị Nguyên cho hay.
Hiện tại, con trai Kevin 17 tháng của chị vẫn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ và chị Nguyên có ý định cho bé bú đến ít nhất 2-3 tuổi. Trong khi đó, con gái lớn Katty có thể nói được ba thứ tiếng: Giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn với mẹ, dùng tiếng Việt với bố, còn nói tiếng Lào với hàng xóm.
Lấy chồng người bản địa rồi ở lại Lào làm việc đã 6 năm, chị Nguyên chia sẻ kinh nghiệm để các sản phụ có cái nhìn chính xác cũng như cân nhắc về nơi sinh nở. Sinh lần đầu năm 2011, do chưa có kinh nghiệm, chị Nguyên "đòi" bác sĩ mổ bắt con khi mới quá ngày dự sinh vài hôm. Với chiều cao 145 cm, chị được xếp vào dạng có nguy cơ nên bác sĩ đồng ý cho mổ, dù sản phụ chưa có dấu hiệu sinh. Bác sĩ cho viên thuốc co bóp tử cung và khoảng hai tiếng sau, chị Nguyên được lên bàn mổ.
"Hồi đó không có cắt dây rốn chậm, cũng không có da tiếp da, bé Katty được đưa về cạnh mẹ sau khoảng một tiếng cách ly. Không một loại sữa bột nào được phép trong bệnh viện vì tất cả các bác sĩ đều có kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ. Họ liên tục động viên mẹ cho con bú", chị Nguyên kể.
Ngay khi con được về với mẹ, chị Nguyên cho bé bú những giọt sữa non đầu tiên. Con bú mút khỏe khiến chị cảm thấy rất vui.
Rút kinh nghiệm lần đầu, lần thứ hai mang thai bé Kevin, chị vào các hội sữa mẹ để tìm hiểu và biết đến quy trình cắt dây rốn chậm cũng như da tiếp da (skin-to-skin). Tuy nhiên, chị không rõ bệnh viện ở Lào có áp dụng các quy trình đó không. Lần đi siêu âm ở tuần 37 tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em, chị Nguyên thấy poster cái ôm đầu tiên, nuôi con sữa mẹ, da tiếp da và cắt dây rốn chậm được dán đầy khu vực sinh, cũng như nơi khám thai.
"Bác sĩ cho biết bệnh viện làm quy trình này đã hơn một năm qua và thường áp dụng cho sinh thường, còn da tiếp da trong phòng mổ cho mẹ mổ lấy thai thì không chắc. Vì muốn skin-to-skin ngay trong phòng mổ nên tôi đã sang bệnh viện ở Thái", chị Nguyên nói.
Ở tuần thai 38, chị quyết định sang thành phố Udon Thani, Thái Lan, cách Vientiane khoảng 60 km, để tìm hiểu với mong muốn bệnh viện quốc tế chắc sẽ cập nhật hơn. Trọn gói 30 triệu đồng, sản phụ có thể được áp dụng cắt dây rốn chậm nhưng không thể da tiếp da ngay trong phòng mổ. Cuối cùng, chị chán chường ra về khi thấy bác sĩ ở đó không quan tâm đến nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa bột ngoài việc sản phụ đóng đủ tiền dịch vụ.
Không lâu sau chuyến sang Thái Lan, chị Nguyên bị co bóp tử cung và xuất hiện máu báo. Vợ chồng chị cuống cuồng chuẩn bị đồ rồi kéo nhau vào Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em. Ê kíp mổ cho chị hôm đó có bác sĩ quen với vợ chồng chị hồi học ở Việt Nam. Bác sĩ cho hay, con có thể không được đặt lên ngực mẹ ngay trong phòng mổ vì thời tiết hôm đó lạnh. Sau khi khâu xong và ra phòng hồi sức, chị Nguyên được da tiếp da với con.
"Mặc dù không được skin-to-skin ngay trong phòng mổ nhưng như thế cũng đủ khiến tôi hài lòng lắm rồi. Hai mẹ con tiếp da ở phòng hồi sức khoảng mấy tiếng là về phòng. Phòng đặc biệt khoảng 35 m2 có giá 650.000 đồng/đêm gồm hai phòng nhỏ thông nhau, hai phòng vệ sinh", chị Nguyên cho biết.
Bạn bè người thân đến thăm được tiếp đón ở một phòng, còn mẹ và em bé nằm phòng bên để đỡ ồn ào. Bác sĩ thăm khám mỗi ngày một lần, còn y tá đến thay băng và vệ sinh hàng ngày. Họ khuyến khích sản phụ cho con bú bằng sữa mẹ. Y tá, bác sĩ nhẹ nhàng, niềm nở và sẵn sàng trả lời chu đáo những thắc mắc của sản phụ. Ngày thứ ba sau sinh, chị Nguyên được tắm với miếng băng dán chống nước, còn em bé được bác sĩ khám và vệ sinh đều đặn. Theo chị Nguyên, sản phụ ở Lào tắm ít nhất mỗi ngày 2-3 lần và không có quan niệm kiêng tắm giặt.
"Chi phí mổ đẻ hết 6 triệu đồng nhưng tôi mất hơn chút vì còn biếu bác sĩ và trả tiền phòng đôi 650.000 đồng/đêm. Ngoài tiền thuốc và tiền phòng, tôi không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Sau bốn ngày, ba đêm, tôi về nhà trong tâm trạng phơi phới và hạnh phúc", chị Nguyên tâm sự.