![]() |
Anh Đợt với bàn tay thiếu hai ngón. |
Chiếc xe bỗng dưng xịt lốp ngay sân vận động TP Lạng Sơn gần phường Vĩnh Trại. Chưa quen lắm với hình ảnh một người thợ sửa xe cần mẫn với nhiều hình xăm trổ trên người, tôi dợm dắt xe đi khỏi bóng mát nơi có quán sửa xe kiêm bán nước mía mà chủ nhân của nó đang gãi sồn sột lên đầu con đại bàng xăm ở bụng.
Anh công an giao thông mẫn cán tên Long gạt mồ hôi trán chỉ tay vào quán: “Chú vào đi, nó làm tốt lắm!”.
Ngón nghề khá thành thạo, hai bàn tay thoăn thoắt, trong lúc chờ nhựa dán khô còn quay mấy cốc nước mía cho lũ trẻ đi học về, trông chẳng có vẻ gì hợp với bề ngoài vằn vện, duy chỉ bàn tay trái cụt mất hai ngón là phù hợp với những hình xăm trên người.
Thấy ông chủ vui chuyện, tôi hóng hớt: “Tay bác “chiến” nhau ở đâu mà bị cụt thế?”. “Tự chặt”. “Băm rau lợn hay chặt cây?”. “Chặt để cai”.
Người chủ quán sửa xe ấy tên là Đợi, cái tên nghe có vẻ chơ lơ nhưng gắn với biệt danh Đợt “Cụt” thì cũng có vần có vẻ (sau này các cán bộ văn hóa phường Vĩnh Trại cho biết tên anh là Hoàng Xuân Đợi). Cuộc chiến với ma túy làm “rụng” hai ngón tay của Đợi cũng chính là câu chuyện dài về cuộc vật lộn với ma túy của nhiều thanh niên xứ Lạng…
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cửa khẩu Tân Thanh là cửa ngõ chính để đón luồng gió kinh tế từ phương Bắc. Thanh niên kiếm tiền dễ như chơi, có sức khỏe thì chạy xe ôm chở vải lậu, áp tải hàng hoa quả, kém hơn tí nữa thì ngày đạp ba bốn con xe đạp Tàu từ cửa khẩu về thị xã, còn kém hơn nữa thì làm tập tiền ra chợ đổi cho người từ Trung Quốc về hay sang bên ấy…
Cơ man là tiền! Kinh tế giàu xổi nhưng văn hóa thì không theo kịp. Cả thị xã lúc ấy không có nổi một rạp chiếu phim, một khu vui chơi giải trí… Thanh niên có tiền cũng chẳng biết làm gì. Đấy cũng là lúc ma túy tràn về… Ra đường, gặp 10 thanh niên thì có tới 8 anh nghiện. Các gia đình cuống cuồng cho con cái đi “lánh nạn” như tránh bệnh dịch hạch. Vĩnh Trại ốp sát ngay chợ Kỳ Lừa, nơi mảnh đất màu mỡ “ra đường là có tiền”. Vì thế, thống kê từ năm 1996 đến 2000 số con nghiện tại đây luôn trên 200. Trong đó có Đợi.
Bắt đầu từ năm 1998, Luật Hình sự sửa đổi, cầm trong mình 100g heroin là xử bắn như chơi, thuốc cũng bắt đầu đắt lên. Trước đây, ngày chở ba “cuốc” vải từ Tân Thanh về được 200.000 đồng là tha hồ “phê”, nhưng nay bằng ấy tiền thì không bõ “tráng phổi”. Cửa khẩu Tân Thanh cũng bắt đầu được quản lý nghiêm ngặt. Thế là chuyển sang chích bằng thuốc thẳng vào máu cho rẻ.
Nhưng loại hình mới chưa quen, chưa được “đúc rút kinh nghiệm” nên thi nhau lăn ra chết vì sốc thuốc. Chích nhầm vào động mạch (máu rút ra trong xi lanh có màu đỏ tươi): chết! Để quá: chết! Pha với tân dược có tên “Phen” và “Xen” không đúng liều lượng: chết! Làm “mà” (mạch máu đã mở sẵn không cần lấy ven mỗi lần chơi mà chỉ cần đâm thẳng vào đấy) ở bẹn không giữ vệ sinh bị nhiễm trùng: cũng chết!
Các con nghiện kinh hoàng thật sự nhưng không kịp. Heroin đã ăn vào máu, vào xương, vào não, vào tư duy, vào ý chí, số con nghiện chỉ giảm đi khi bị bắt hoặc chết vì sốc thuốc. Những nhà giàu thì có nhiều phương án cứu con cái họ. Nhưng những gia đình xe ôm như Đợi thì đành cam chịu chờ ngày về “suối vàng” hoặc “bóc lịch” sau song sắt.
Cuối năm 1999, vợ bế con bỏ đi, Đợi gom hết tài sản trong nhà bán được 300.000 đồng, mua hết thuốc, lưng dắt con dao băm rau lợn gọi mấy ông bạn nghiện vào động Tam Thanh. Cả bọn vật vờ dưới tượng nàng Tô Thị đã gãy vát ngang người vì mìn phá đá. Ngón út với móng tay dài điệu nghệ chia thuốc làm bốn gói gọn gàng vào xi lanh kê sẵn lên hòn đá. Khi xi lanh vừa rút ra khỏi “mà” ở bẹn, con dao băm lợn cũng băm xuống nhằm ngón tay út…
Đợi tâm sự: “Tôi nói không ai tin ông ạ, không đau tí nào, lúc xoắn giật sợi gân mạnh quá tôi chỉ thấy không nhắc được cánh tay trái thôi. Đang phê thuốc mà, ma túy nó kinh thật, lúc phê lên, tình cha huyết mẹ mất đi mình cũng chẳng thấy xót xa gì! Thế mới hiểu mấy thằng bình thường lành như đất, lúc phê lên cầm búa đập đầu người ta cướp xe máy!”.
Mấy ông bạn nghiện của Đợi hoảng hồn ga rô ngón tay lại rồi dắt nhau về, ngay ngày hôm sau một người trong nhóm ấy cũng đi chặt một ngón tay để thề đoạn tuyệt với ma túy. Rồi như thành phong trào, thanh niên Vĩnh Trại thi nhau chặt ngón tay tự cai nghiện.
Nhưng chẳng được lâu, sau đận ấy một tháng, trong trận rượu đón ông bạn mới ở tù ra, ngón tay còn chưa lành của Đợi lại cầm vào xi lanh, một ngón tay cụt lại trở thành “vô nghĩa” trước gói bột trắng nhỏ xíu. Sau một năm đi trại cải tạo trở về, một lần “chơi” quá liều thuốc “đểu” của Tàu, loại thuốc rẻ tiền dân nghiện vẫn phải chơi kèm để tăng độ phê, người Đợi phù thũng, ngón chân ngón tay long hết móng, rỉ nước vàng. Nước vàng rỉ ra cả tai, mũi, hôi thối kinh người.
Bị “thuốc phá” coi như cầm chắc cái chết, chết vì độc dược và cũng chết vì sự ghê tởm của người đời, không ai chăm sóc. Vợ Đợi thương chồng lại bế con về, lau rửa, chăm chồng. Ngày lành bệnh, Đợi cố ra chạy vài cuốc xe ôm mua con gà luộc sẵn đặt lên bàn thờ rồi lẳng lặng ra sau nhà. Lúc trở lại, vợ cuống cuồng tìm bông băng… Đợi đặt ngón tay áp út trước đây đã từng đeo nhẫn cưới lên bàn thắp hương…
Công việc hiện tại cũng đã tạm ổn, trông hàng sửa xe, nước mía, chạy xe ôm. Giơ bàn tay thiếu ngón lên, Đợi bảo: “Trước đây thì cũng đến hàng trăm thằng cùng lứa với tớ chặt tay cai nghiện nhưng nay chẳng còn mấy thằng, chết với đi tù gần hết. Ma túy một khi đã giây vào thì chặt chân tay cũng chẳng có ý nghĩa gì. May mắn lắm thoát được nó thì cũng ám ảnh cả đời như tớ”.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)