Hồ Tịnh Thủy
Rồi vì một lý do nào đó, có thể phượng được thay thành cây khác, hoặc phượng "bệnh", phượng già mà không thể khai hoa cho hè, tạo ra những khoảng zic zắc lúc đỏ, lúc xanh. Ví như đường Đặng Thái Thân, Nguyễn Chí Diễu hay Phượng Bay - Đoàn Thị Điểm... Trước phượng nở nhiều lắm, nay lác đác, thưa thớt hẳn.
Nhớ ngày bé, mỗi khi có dịp được bố mẹ chở ngang qua các con đường vòng quanh Thành Nội vào những ngày hè, tôi mê mải ngắm các nhành phượng cháy đỏ phía trên đầu mà quên luôn rằng cái cổ đã mỏi nhừ. Thấy yêu mùa hè ghê gớm bởi trong kí ức non nớt của tuổi thơ, mùa hè là mùa được nghỉ học, mùa cùng chúng bạn chơi đánh đố hay đi bẻ phượng... Nay, lạc vào Đoàn Thị Điểm, cổ vẫn mỏi nhưng không phải vì mải ngắm phượng mà là xem xem phượng đã nở nhiều hay chưa, phượng nở ở góc nào.
Hè về là lúc hoa phượng nở đỏ một góc trời. Ảnh: Xuân Chính. |
Đã nhiều năm nay, khi hạ về mà thấy phượng vẫn in ít, tôi tự an ủi mình chắc ngày xưa bé, mắt cũng bé, vì thế mà hoa phượng dẫu ít vẫn khỏa lấp thành một mảng trời trong tôi. Giờ mắt có lớn hơn tí xíu, người cũng cao hơn, thấy phượng ít hơn là lẽ đương nhiên. Nhưng rồi, cái điểm tựa ấy không thể vịn vào nữa khi chiều nào đó xa lắc đi ngang đường cũ mà chẳng còn phượng đâu. Thấy tâm hồn chới với và lạc lõng đến lạ. Đâu rồi phượng vỹ? Đâu rồi những mùa hè của tuổi thơ?
Cũng rất lâu rồi, bỏ lại thời học sinh cùng chiếc áo trắng tinh khôi, bước vào những ngày sinh viên chộn rộn, rồi ra trường, rồi chuẩn bị đi làm... nên không mấy khi có dịp ngồi thẩn thơ và vui hè cùng phượng nữa. Thời gian và cuộc sống cứ quay vòng, những dự đinh, những lo toan... có đôi khi bám riết luôn cả những ngày hè. Trong những ngày ấy, có lúc tận hưởng chút mùi vị và hương thơm của phượng hè mỗi khi có dịp ngang qua cầu Tràng Tiền thơ mộng. Ở góc chân cầu giao với đoạn đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vẫn nghiễm nhiên tồn tại một nàng phượng kiêu sa mà không kém phần thanh thoát. Cầu Tràng Tiền thì ngắn mà vòng bánh xe máy thì nhanh. Tôi cố hết sức cho xe chạy thật chậm sát mép cầu để kịp ngắm, kịp ngửi, kịp ăn chút đậm đà từ cái góc trời rực đỏ ấy. Tuy nhanh thôi nhưng thấy thơm tho và ngọt lịm trong lòng.
Và cái nóng như thiêu đốt của hạ cũng bị tan chảy chỉ bởi một thoáng sắc hoa. Chợt lâng lên cảm giác mến yêu và gắn bó với Huế thật nhiều. Vì dẫu Huế đang dần đổi mới, dẫu chun chút hay nhiêu nhiều đi nữa thì góc trời ấy vẫn vẹn nguyên hình ảnh một nàng Huế tinh khôi, trong trắng. Trong trái tim tôi, chỉ khi đến một ngày đậm chất hạ nào khác, sắc đỏ không còn trọn vẹn mà loang lổ những mảng xanh của lá vàng, của cành khô hoặc bị thay vào đó là một sắc màu khác thì khi ấy nàng phượng, nàng Huế đã qua rồi cái tuổi thanh xuân.
Cách đây chừng khoảng 5, 6 năm gì đấy, con đường nhà tôi ở thay màu. Hai hàng điệp vàng (mà người dân chúng tôi thường gọi là hoa phượng vàng) được trồng xen kẽ dọc hai bên đường, lá mọc xanh um. Nhìn khoảng sân trước nhà vẫn còn trống, mẹ tôi xin đâu đó một cây nữa về trồng nhưng không phải điệp vàng mà là phượng đỏ. Cả nhà tôi, đặc biệt là mẹ lúc nào cũng chăm bẵm nó thật kỹ, trông cho mau lớn để nhờ bóng râm, để xin chút hương sắc thắm. Có lẽ nhờ thế mà phượng chóng lớn.
Hai năm trước, vào những ngày đầu hạ, chồi non từ phượng vỹ mọc xanh mơn mởn, lấm tấm có vài hạt nụ đương đơm. Tôi háo hức lắm, trưa nắng nào cũng ra trước sân ngắm nghía chờ phượng ra hoa, chờ sắc đỏ đậu trên mái nhà. Sự chờ đợi ấy nhiều khi rất dài, đến nỗi quên bẵng đi. Để rồi một trưa nắng hanh hao, bỗng thoảng hương thơm rất gần, và sắc đỏ đã nở bung trên nền trời xanh thẳm. Hóa ra, phượng đã nở trước sân.
Hoa phượng đỏ cũng gắn với tuổi học trò hồn nhiên trong trắng. Ảnh: Xuân Chính. |
Những nhúm hoa phượng đầu tiên mỏng mảnh, dịu dàng, mềm mại mà cháy mãnh liệt. Nắng càng lớn thì trông phượng càng tươi hơn. Tựa như những cây xương rồng trên sa mạc, giữa bão cát triền miên vẫn vương mình ra đón nắng, tươi rói, rạng ngời. Ngày qua ngày, hạ tiếp nối hạ, nay phượng đã phủ lấp cả một khoảng sân. Đôi lúc không ngờ rằng lại gần phượng đến thế, tưởng chừng chỉ một cái nhón tay thôi là đã chạm vào được những cánh hoa xinh xinh rồi. Mới năm nào thân phượng còn bé tí, lá thưa thớt buồn và lú nhú những mầm non nay lớn lên và đẹp đến lạ. Những chùm hoa chi chít đã bung búp trên cành, đổ mình ra trong nắng, đỏ rực, đung đưa... Hạ chảy tràn khắp muôn nẻo và tâm hồn tôi, rạo rực, nhức nhối nhưng lại làm tan chảy cái gay gắt của mùa hè đi mất. Vậy là từ nay, chẳng phải kiếm tìm đâu xa, thèm thuồng đâu xa những miếng hè vương vãi khắp thành phố nữa.
Dạo này thời tiết Huế hơi khó chịu, đỏng đảnh chẳng khác nào một nàng tiểu thư đài cát. Đang hè, cái nắng vẫn hầm hập giữa ban trưa như thế bổng chốc mây đen kéo về khoác lên bầu trời vốn trong trẻo một màu ảm đạm. Gió từ đâu cũng thi nhau kéo tới, ùn ụt, thổi đám lá khô, lá vàng bay tứ tung cả đoạn đường dài. Rồi mưa bắt đầu rơi, mỗi lúc một nặng hạt hơn. Phượng buồn bã tiễn đưa những cánh hoa đang rực sắc xuân về với cát bụi. Những nụ hoa đương xanh chưa kịp chớm nở cũng bị cơn gió ép rụng xuống sân, lạnh lẽo, cô đơn...
Một chốc sau, cơn mưa vội vã đi như lúc vội vã đến. Mây cũng chán nản rời tay nhau ra, mỗi mảnh về mỗi phương, nhỏ xíu, xa xôi. Chỉ còn mấy hạt mưa bé tí tắc chậm chạp đậu trên cành. Lũ trẻ con trong xóm chỉ chực có thế, chúng ùa ra khoảng sân trước nhà tôi, tranh nhau lượm cánh hoa, lượm những "quả nụ" xanh mởn, căng phồng, he hé khoe chút nhụy từ bên trong.
Chúng nghịch ngợm thật hồn nhiên. Hỏi một thằng nhỏ người trăng trắng, beo béo, tron tròn: "Em nhặt thứ này làm gì?" - Nó vui vẻ trả lời kèm theo mội nụ cười ra vẻ đắc ý lắm: "Để làm cá phượng, bươm bướm phượng... rồi đấu với tụi này nè...". À, ra thế, với trẻ con, cái gì nhỏ nhỏ, xinh xinh cũng dễ dàng biến thành trò chơi. Mê mải, tần ngần, chút ấu thơ chạy về trong tôi réo rắt, sinh động.
Nhớ hồi cấp 1, tôi cũng từng đi nhặt phượng ở khoảng đất sau lưng trường cùng đám bạn khi tiếng trống tan học vang lên. Ngày ấy, bé nhỏ, vô tư, háo hức. Nhặt hoa phượng không phải làm cá phượng, bươm bướm phượng... mà đơn giản thích được trở thành nhân vật trong hình ảnh lãng mạn của một bài hát rất thích mà không nhớ tên: "Mùa hè hoa phượng rơi rơi, có cô bé nhỏ, chạy chơi dưới sân. Nhặt từng cánh phượng nhỏ xinh, ép vào trang vở làm con bươm bướm...". Chợt thấy thèm thèm, nhớ nhớ.
Giá như nhà không có ai, hàng xóm không có ai, đường phố không có ai để chạy ào ra sân phen phen, hất hất đám cánh hoa nhàu nhĩ chồng lên nhau mà tìm "quả nụ" xanh um úp ấy, để được sống lại chút ngày tháng của ấu thơ, để được hít hà hít hợt cái mùi vị ngai ngái, thơm thơm, xưa xưa. Và để chắt lọc chút thời gian cho ngưng đọng lại trên kẽ lá trong khoảng trời hối hả này. Nhưng... phượng thì vẫn phượng đấy, còn tuổi thơ vẫn mãi sẽ nằm lại với tuổi thơ. Dẫu sao, trong tâm hồn đã vừa kịp xem lại đoạn kí ức cũ kỹ rồi. Ngọt ngào, mát lạnh, sảng khoái lắm.
Gió lại đung đưa, những chùm phượng thi nhau rũ rượi vài hạt mưa còn ẩn náu sau cánh hoa như mấy cô gái rũ mái tóc dài sau khi tắm giữa trưa hè nắng thơm tho. Thoảng đâu đây một câu hỏi trong tiềm thức: Sao đất Cố Đô không trồng phượng vĩ thay xà cừ ven các con đường mà lại là điệp vàng nhiều đến thế? Vì phượng vỹ là "bản quyền" của thành phố Hải Phòng hay vì Huế dịu dàng, nữ tính hợp với sắc vàng mềm mại, sắc tím bí ẩn hơn là sắc đỏ kiêu sa?
Chẳng phải hình ảnh màu phượng rực rỡ dưới chân cầu Tràng Tiền từng rất gắn bó với Huế trong tiếng hát, lời thơ? Liệu có một ngày nào, đường phượng bay, đường Lê Duẩn, đường 23 tháng 8, đường Lê Lợi và những con đường khác không còn đong đưa sắc phượng khi hạ về? Nếu quả thật có ngày ấy thì thiệt thòi cho học sinh Huế biết dường nào và cuộc sống của tôi cũng bị tước đoạt mất cả một mùa thơ. Hy vọng là không thế. Tôi sẽ bảo vệ cây phượng vĩ trước sân để níu kéo hạ bên mình. Sau này, nhỡ có đi đâu xa cũng mong rằng ở nơi ấy cũng có vài nàng phượng ra hoa. Để làm gì? Để tôi biết mùa hè đến, mùa hè đi, để thấy mình trẻ lại trong những tháng ngày đi học, để sống lại những ngày hè của quê hương và hơn nữa là bởi tôi si lắm cái loài hoa có hương sắc của sự sống này.
Ôi! Loài hoa học trò.
Vài nét về blogger:
Tên: Hồ Tịnh Thủy, sinh viên năm cuối trường ĐHKT Huế. Mình là một hỗn hợp được pha trộn từ sự mạnh mẽ và yếu đuối, rất muốn nhận được sự chia sẻ đồng cảm của những người con xứ Huế, những người con xa Huế và tất cả ai những ai yêu Huế.
Bài đã đăng: Cảm ơn cuộc sống, Cha và con gái, Tôi có 'người thầy trong mơ', Mưa và em.