Thành Trần
Nó ngửa mặt lên trời hít một hơi thật dài, dài chừng hai cái chớp mắt để cảm cho được cái bình yên thơm thơm mùi Hà Nội.
Ảnh: photosroad. |
Nghi ngút khói nhang quyện đặc mùi trầm, hòa tan trong hương hoa đại phản phất đâu đó nơi góc chùa Quán Sứ những ngày cuối năm, làm cay cay sống mũi, làm nhẹ bước chân chư khách thập phương đang lạc vào cõi huyền không hư ảo.
Phố phường đông đúc người người tất tả đi sắm Tết để lại cái mùi ngai ngái đặc trưng mà chỉ phố phường Hà Nội mới có.
Hà Nội ngập tràn hương hoa. Nhắc tới Hà Nội những ngày năm cùng tháng tận, không thể không nhắc đến mùi của những gánh hòa hoa. Đa phần người Hà Nội ai cũng có cái thú chơi hoa trong những ngày Tết. Mùi thơm thanh khiết của những khóm thủy tiên quanh quẩn đâu đây. Con đường từ Hàng Lược chạy dài đến tận chợ hoa Quảng Bá, đâu đâu cũng ngập tràn màu và mùi của hoa.
Những cành bích đào còn e ấp, những cành đào phai khẳng khưu như vừa được ai đó hái từ một bức tranh thủy mặc nào đó. Quất nhuốm vàng một góc trời Hà Nội. Hồng, lan, thược dược, violet, lay ơn .. đủ màu tranh nhau khoe sắc.
Tết năm nào cũng vậy, nó chở về cho nhà một xe hoa đủ loại, như dù có, dù không cũng phải "tậu cho được" một cây đào và một cây quất. Bà bảo đào là tượng trưng cho chữ "Phúc". Nó ẩn chứa sự may mắn, no ấm, đoàn tụ và sum họp. Để chọn một cây đào được thôi cũng không phải là dễ đâu nhé! Nào là xem thế, xem hoa, xem nụ, xem cành, xem lộc.
Quất thì tượng trưng cho chữ "Lộc", hàm ý phát tài phát lộc. Chọn quất cũng có đủ năm tiêu chí như chọn đào. Thế cây, lộc, quả xanh, quả chín, hoa. Chọn sao cho đủ, cho khéo để được cái "Phúc Lộc mãn đường".
Bàn thờ hay các cụ gọi là gường thờ thì ngoài mâm ngũ quả, nhất nhất phải có hải đường, cúc vạn thọ và một cành đào (hay ít đào răm). Bí quyết để cho hải đường nở hoa và lâu tàn là bọc lá bạc hà vào chỗ gốc cành. Bí quyết để giữ cúc vạn thọ không gì bằng chẻ gốc cành hoa làm bốn (khoảng 3cm). Cuối cùng là bí quyết cho đào lâu tàn là để cái gốc cành hoa "ngửi mùi khói lửa".
Bản Conerto mang tên bánh chưng. Nhắc tới Hà Nội mà không nhắc tới đồ ăn coi như mất đi hai phần ba dư vị ngày Tết.
Chập khoảng hăm nhăm tháng chạp là mẹ lại tranh thủ sớm chạy ra chợ chọn cho được mấy mớ lá dong thật mỡ, thật đẹp và lấy thịt đã đặt trước về nhà để chuẩn bị gói bánh. Trước khi về kiểu gì mẹ cũng lại "làm vài sọt dưa lê" với bà hàng thịt.
"Gớm. Bố con nhà này sành ăn lắm chị ạ. Mua bánh chưng ở ngoài là bố con nó để thiu để thối ra. Có ăn đâu. Thế là phải gói." Bản trường ca muôn thuở này được mẹ nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu năm trong nụ cười tràn đầy hạnh phúc (nên giờ không nghe lại thấy thiêu thiếu).
"Ừ thì cũng tại mẹ mày gói bánh ngon", bố lại cười.
Ảnh: KTNT. |
Lá dong mua về phải rửa thật sạch, nếu không sạch thì bánh chưng khó để được lâu. Lá rửa xong để vào một cái mâm cho ráo nước. Xong màn rửa lá đến màn đãi đỗ xanh. Đỗ được ngâm từ hôm trước, cho vào rá xát nhẹ để lớp vỏ bong ra, rồi sau đó nhẹ nhàng lùa cho đán vỏ trôi đi khỏi rá.
Nói chung, nó thấy màn đãi đỗ này rất tỉ mỉ, mất công nhất trong công đoạn chuẩn bị. Hết đãi đỗ đến vo gạo. Gạo nếp ngâm từ hôm trước mang ra vo thật sạch. "Nhớ là lấy nước đầu để ngâm măng khô nhé con", mẹ nhắc. Đỗ sau khi đãi để ráo nước rồi trộn ít muối, cho vào chõ đồ chín. Tiếp theo là bỏ ra cho vào cối giã nhuyễn rồi nắm thành từng nắm bằng bàn tay. Gạo vo xong để ráo nước. Tuy nhiên màn nó ghét nhất vẫn là màn giã là giềng.
Là giềng rửa sạch, xé nhỏ cho ít muối rồi đem giã nhỏ, sau đó chắt lấy nước để nhuộm gạo. Tóm lại, năm nào cũng vậy, mỗi lần giã là giềng là y rằng đi đứt một cái áo do nước lá bắn vào, không sao gặt sạch được. Sau mấy màn lá, gạo, đỗ là đến màn thịt. Thịt phải chọn thịt lợn không quá nạc, không quá mỡ, vòng vèo vòng vèo thì có cả nạc cả mỡ. Thịt lợn thái ra thành từng miếng cỡ nửa bàn tay rồi ướp mắm muối tiêu, sau là đảo qua trên lửa cho thật ngấm.
Thế mới là xong được chương thứ nhất của bản concerto bánh chưng thôi nhé. Nếu chương một là những thanh âm rời rạc thì chương thứ hai là sự giao thoa của những hợp âm phức tạp và tỉ mỉ.
Lá dong chặt đầu chặt đuôi và được tước sống lá. Lá đặt làm hai lớp chổng lưng vào nhau, hai dọc hai ngang, sau đó đổ bát gạo thứ nhất vào giữa, kế đến là bẻ đôi nắm đỗ xanh cho lên gạo, rồi tiếp theo là thịt, sau rồi bỏ nốt nửa nắm đỗ còn lại lên, cuối cùng ụp thêm một bát gạo nữa.
Kéo léo gói lá lại, rồi quấn vài lần lạt. Nói chung, lạt trong lạt ngoài như khiểu quần trong quần ngoài. Cái khéo là phải gói sao cho cái bánh phải vừa chắc lại vừa vuông mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật gói bánh.
Bên cạnh cách gói đùm lá còn có cách gói khuôn, nghĩa là cắt lá sao cho khi đan vào nhau nó vuông hình sát cạnh. Mẹ vẫn bảo gói khuôn thì đẹp nhưng không chắc bánh. Rồi cứ thế gói cho bao giờ hết thịt, hết gạo, hết đậu, hết lá thì xong... chương hai của bản concerto.
Chương cuối là chương nhiều gan trường nhất. Chỉ những anh hùng... diệt muỗi mới có gan ngồi thâu đêm trông bánh. Mấy viên gạch được xếp theo thế kiềng ba chân để cái nồi to đùng đầy bánh đứng vững. Mẹ vẫn nhắc phải lót lá ở dưới đủ để không làm cháy bánh. "Mẹ mày nó thì đúng như thánh phán", bố lại cười tít mắt vác cái nồi to đùng chuẩn bị nổi lửa.
"Lửa nổi lên em", than hồng đang tí tách. Mùi khoai lang nướng thơm phưng phức làm đen cái miệng xinh xinh của cô em gái nhỏ... Sau khoảng 10 tiếng chiến đấu căng mắt để tiếp nước, đỏ má vì lửa nóng, chầy da do muỗi đốt, cuối cùng những chiếc bánh chưng vuông vắn lần lượt "ra lò".
Bản concerto ba chương thăng hoa trong hương thơm ngày Tết hòa với những tiếng cười giòn tan như pháo.
Và hơn thế nữa, đó là cả một bộ áo muôn màu truyền thống mang tên Hà Nội đang trào lên trong nó, một người con đang xa Hà Nội.
Rất xa. Bản notslagy Nỗi nhớ quê hương vang lên rời rạc rời rạc. Hình ảnh những con đường nhòe đi qua một tiếng thở dài.
Vài nét về blogger:
Tên tôi là Trần Thành, hiện học tập tại Mỹ. Tôi muốn gửi một bài blog chia sẻ nỗi nhớ Hà Nội cho những người bạn xa nhà như tôi trong dịp Tết.