Tặng em khi Hà Nội buồn
Tặng Hà Nội khi em buồn
Ngày,
khi ta rời bỏ nơi này
chẳng biết nắng có còn rục ngang xuống
phố.
...đọng vỡ vỉa hè chiều ran rát
Đứng im khói
vẩn một bàn tay.
(10/11/06_PMN)
Hà Nội này, tôi vẫn buồn; mà sao ngươi khác thế?
Traveller
Tôi nhắm hờ mắt đi trong cái bụi bặm ồn ào của Hà Nội. Cố mà nghe, cố mà quờ quạng, nhưng đụng mãi không thấy Hà Nội mềm mại, kiêu kỳ đâu.
Hà Nội của tôi giờ nham nhở khoác lên cái áo tơi đi mưa cứng quèo mốc thếch, cọ vào đâu là xước xót xa đến đấy.
Hà Nội của tôi giờ son phấn đậm đà chứ chẳng má hồng mắt liệng như xưa nữa.
Tôi
đứa con xa nhà
trôi xa xôi trong tĩnh
lặng nỗi nhớ.
Sương vẩn hồ Tây ơ hờ
gió rơi theo chiều thẳng đứng
nắng đậm màu bơ vơ...
Hà Nội trong tôi là tập hợp hoàn hảo của ba thứ: tàu điện buổi đêm, đường đê gần Tết và phố Lê Phụng Hiểu.
Tôi được đi tàu điện chỉ một lần, hoặc có thể tôi chỉ nhớ có lần đó. Là khi bố đưa tôi từ phố Hàng Than về đâu đó. Hà Nội buổi tối buồn lắm; ít đèn điện vàng vọt còn buồn hơn, mà lúc chợ tan thì còn buồn hơn nữa. Các cô các chị bán hàng mặc hai lớp áo bà ba, quần đen bạc phếch ngồi bên quang gánh đợi tàu tới, nói chuyện ồn ào cả một góc phố.
Ồn thì ồn thế mà có xua được cái nỗi buồn bay lẩn quất trong Hà Nội đi đâu. Lúc tàu đến, bố bế tôi chen lấn với những đòn gánh, sọt, mồ hôi và những bàn tay chai sạn để lên được tàu. Cái lúc Hà Nội dẹp tàu điện, cứ nhớ tiếc cái nét "đẹp" Hà Nội, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy cái đẹp ấy sao mà buồn mà khổ thế. Buồn tới mức cái con bé chưa đi học là tôi cũng thẫn thờ đứng trên tàu điện nép vào bố, nhìn các cô các chị mà ngẩn ngơ.
Tôi bé lắm, bé tới mức chưa hiểu là mình buồn. Cái cảm giác xót xa cô đọng ấy nó bám tôi đến tận bây giờ, cho đến lúc học được thế nào là xót thương, thế nào là cảm thông, thế nào là mơ ước, thế nào là buồn thì mới dám định nghĩa rằng hồi ấy mình buồn lắm. Buồn mà cũng chẳng rõ tại sao. Có lẽ chỉ đơn giản vì Hà Nội của tôi vẫn luôn buồn rầu.
Tôi nhớ lần đi tàu điện ấy có lẽ vì đó là lần duy nhất. Tôi là con bé sung sướng, đẻ ra đã được ngất ngưởng trên xe đạp bố mẹ chở đi tung tăng khắp nơi chứ chẳng phải chân đất chạy quanh bao giờ. Cái gì xảy ra một lần cũng nhớ, cái gì xảy ra nhiều lần cũng nhớ; mà chẳng cái nào vui, cái nào cũng cứ buồn hờ hững.
Xe của bố mẹ có lẽ là xe đạp Thống Nhất, mà hình như là màu xanh. Tôi bé tẹo ngồi với mãi cái chân cũng chẳng đến gióng xe. Thế là tôi phải ngồi sát vào bố mẹ, túm thật chặt, cái chân chỉ đủ qua được khung xe phía dưới yên. Nhà tôi ở khu bờ sông, nhà ông ngoại với nhà trẻ ở khu Tràng Tiền. Thế là con đường quen thuộc của tôi là đi dọc Trần Quang Khải. Tôi chẳng nhớ Trần Quang Khải hồi ấy có to như bây giờ không, nhưng chắc chắn là vắng hơn bây giờ nhiều lắm.
Đê sông Hồng cũng chẳng có kè đá gì cả, chỉ đơn giản là cỏ thôi. Gần Tết, những người chở hoa từ Nghi Tàm vào đi dọc đê, thế là cỏ cứ tự nhiên đầy hoa, đẹp vô cùng. Cả Hà Nội ngày ấy đều nghèo, nghèo nên sống chậm, sống chậm nên tự nhiên lại gần gũi thân thương. Bố mẹ đạp xe túc tắc, những chiếc xe đầy hoa và đào Tết cũng túc tắc qua lại, đi qua cứ í ới hỏi thăm nhau; mà có khi cũng đơn giản khen "hoa đẹp thế", cô bán hoa cười một cái, lại sáng bừng cả đường.
Đi gần hết đường Trần Quang Khải rẽ phải là phố Lê Phụng Hiểu. Nhà ông ngoại tôi ở đấy, nhà trẻ tôi ở đấy, cả tuổi thơ của tôi ở đấy. Phố có cây hoa gạo bên tay trái gần đồn hai chú công an, có ngõ rất to bên tay phải mà thỉnh thoảng lắm mới dám vào thám hiểm. Mùa hoa gạo, vỉa hè đỏ tía ướt thẫm màu hoa.
Tôi hay nhặt nhuỵ hoa đem về vì tin rằng cái nhuỵ lấp lánh đỏ cưng cứng ấy có cô tiên sống bên trong. Tôi thuộc đến từng ngõ ngách con phố ngắn ngủn đầy cây. Tôi thuộc đến từng viên gạch lát lỗi trên vỉa hè. Nhà dân ít, đại sứ quán nhiều, con phố hầu như cả năm yên bình và thảnh thơi. Mùa lũ về, phố trở nên nhộn nhịp; người dân ngoài đê chuyển vào dựng lều ăn ở giặt giũ nấu nướng dọc phố, trẻ con trần truồng đuổi nhau chí choé. Tôi hay đứng tần ngần nhìn những người sơ tán mong cho lũ chóng rút để người ta trả lại phố cho tôi.
Đứa trẻ tôi là đứa trẻ mơ màng và im lặng. Những mảnh ký ức và cảm xúc cứ chắp nhặt hết cả tuổi thơ, rồi khi lớn trái tim mới đủ trưởng thành để hiểu và ghi lại. Hà Nội của tôi luôn buồn, luôn chậm, và rất nhiều ánh sáng...
Hai tuần trở về, tôi mòn mỏi đi tìm cảm giác cũ. Những gì tôi tìm thấy chỉ là tiếng ồn và bụi bặm. Người ta quát, người ta hét vào mặt nhau. Tôi ngạc nhiên và nghẹn ngào. Hà Nội của tôi ở đây, tình yêu của tôi ở đây nhưng tôi không tìm thấy. Người tôi yêu ở cách tôi vạn dặm, nhớ đến mấy cũng chẳng đặt được ngón tay lên môi anh. Hai tình yêu của tôi giằng xé tan hoang cả đứa trẻ thơ ngây khờ khạo đi tìm nỗi nhớ.
Đâu đó ở những góc thật nhỏ, tôi bất chợt gặp lại yên bình hiếm hoi của ngày xưa. Khi chở em tôi đi trong làng nhỏ dưới Bưởi, bắt gặp các cụ già đội mũ bêrê ngồi uống nước trà quán nước ven đường, tôi mỉm cười. Ít lắm thôi, nhưng tìm chắc sẽ thấy. Khi nào tình yêu của tôi đến đây, tôi sẽ dắt anh đi tìm tình yêu cũ của tôi đang lang thang rất khẽ khàng đâu đó trong lòng Hà Nội.
(Ảnh: NguoiHaNoi, Dn.gov)
Vài nét về blogger:
"The true meaning of traveling is not a new destination but a new vision" - Traveller, dancing in the sea...