A Lăng Thớ (ở xã Cà Dăng, huyện Đông Giang) lắc đầu quầy quậy khi được đề nghị đưa phóng viên Tuổi Trẻ vào tận nơi những cánh rừng đầu nguồn đang bị “băm” nát từng ngày: “Đêm qua mưa to lắm, không vào cội được đâu”. Năn nỉ mãi, cuối cùng A Lăng Thớ đồng ý với điều kiện “vào xong ra ngay và phải trả 100.000 đồng tiền dẫn đường”.
Một cây gỗ chò dài hơn 30m bị đốn hạ nhưng chưa kịp “xẻ thịt” do bị động |
Con đường dẫn lên Mèn, vùng rừng giáp ranh giữa hai huyện Đại Lộc và Đông Giang, hiện rõ trước mặt, nhưng A Lăng Thớ lại không đồng ý đi theo tuyến mà chúng tôi đề xuất (với lý do “dễ lộ lại nguy hiểm”) mà xẻ thẳng núi xanh tiến tới. Leo dốc hết một buổi, khi hai đầu gối của chúng tôi tưởng chừng rệu rã thì những dấu vết đầu tiên của lâm tặc xuất hiện qua những phách gỗ dấu xẻ còn mới nằm rải rác dọc đường.
Bằng kinh nghiệm, Thớ biết chắc chắn quanh đây có bãi xẻ gỗ. Đúng là cách đó không xa, một trại xẻ gỗ lớn dựng cạnh hang đá với cơ man gỗ là gỗ. Nhưng quanh đó không một bóng người, cả thiết bị dùng cho việc đốn hạ, xẻ cây cũng không có. Sờ vào đống mùn cưa vàng ệch dưới đất, Thớ khẳng định loại gỗ được xẻ là chò và mới cưa cách đây một vài hôm.
Hơn 15m3 gỗ chò được xẻ đóng theo đơn đặt hàng của một "nậu" gỗ người Bình Định. (Ảnh chụp tại xưởng gỗ ông Khánh) |
Tiếp tục theo dấu của những chai lọ, túi nilông và bếp ăn, chúng tôi tiếp cận đến một điểm chặt hạ gỗ lớn cách đó không xa. Tại đây hàng chục gốc cây to vừa mới hạ xong còn đang ứa nhựa. Xung quanh im lặng rợn người. A Lăng Thớ ghé tai: “Mấy hôm nay trời “động” nên lâm tặc rút hết vào hang rồi”. Cả một mảng rừng Mèn đã bị lâm tặc “băm” nát, trống hoác, cạnh đó những thân cây bị cưa rời bắt đầu rũ lá. “Bây giờ muốn gặp lâm tặc thì phải đi thêm một ngày nữa. Ở trên đỉnh A Vương ấy lim nhiều vô kể”, A Lăng Thớ ngoắt tay bảo.
Nếu Mèn là điểm hạ, xẻ gỗ, thì tuyến đập đầu nguồn Nhà máy thủy điện An Điềm là nơi trung chuyển gỗ từ rừng xanh ra. Phía đầu nguồn con đập chỉ cách nhóm lâm tặc đang làm việc không quá 10 mét. Tại đây, một đám đông mười người đàn ông lực lưỡng đang hì hục trục vớt những phách gỗ mới xuôi dòng sông về đêm qua, cạnh đó nhóm chở thuê với khoảng 20 người đang chầu chực.
Cả một vùng đầu nguồn sông Vàng bỗng trở nên náo động khi sáu bè gỗ lớn đang chuẩn bị cập bến. Nhóm lâm tặc nhảy ào xuống nước tháo dây, quẳng phao lên bờ rồi lặn lội lên từng phách gỗ một. “Toàn chò xanh, phải hơn 4 mét khối”, A Lăng Thớ thì thào. Tất cả gỗ đều được cưa xẻ gọn gàng với những ký hiệu riêng biệt. Xong xuôi, cả bọn lập tức lôi những chiếc Minks giấu trong lùm cây ra, cột gỗ lên xe rồi nổ máy và bình thản chở gỗ xuống núi.
Tuấn, nhân viên thủy điện An Điềm, cho biết bình quân mỗi ngày có không dưới 80 người dân thuộc các xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Sơn (Đại Lộc) “xé rào” vượt qua khu bảo vệ nhà máy để vào rừng chở thuê cho các chủ gỗ. Mỗi chuyến đi an toàn, người chở thuê được trả 40.000 đồng. Bình quân mỗi người đi được 3 chuyến/ngày. Do thu nhập từ vận chuyển gỗ thuê khá cao nên dân các xã nói trên trở thành “tay chân” các chủ gỗ lớn ở Đại Lộc suốt từ nhiều năm nay...
Không riêng rừng An Điềm, Mèn bị băm nát, tàn phá mà các cánh rừng phía tây Quảng Nam như Khe Hoa, Đ7 cũng đang trong tình trạng tương tự, bởi đây là những vùng sinh trưởng khá lý tưởng của các loại gỗ quý như lim, kiền kiền, chò, sơn đào..., là đích ngắm lâu nay của lâm tặc. Ông Lê Ngọc Hồng, phụ trách trạm kiểm lâm An Điềm, cho biết: “Từ đầu năm đến nay đội liên ngành đã mở bốn đợt truy quét. Kết quả thu được 15 mét khối gỗ các loại, nhưng không bắt được một tên lâm tặc nào cả. Tôi cũng không hiểu nổi vì sao, cứ mỗi lần lên kế hoạch truy quét thì trong rừng sâu các chủ gỗ đã biết”.
Với cách thức vận chuyển này, mỗi ngày nhóm lâm tặc với trên 80 người có thể vận chuyển không dưới 15 mét khỗi gỗ ra khỏi bìa rừng bằng xe đạp. |
Câu trả lời của ông phụ trách trạm kiểm lâm An Điềm đã phần nào lý giải vì sao những cánh rừng đầu nguồn này bị tàn phá dữ dội suốt mấy năm qua mà không gì ngăn chặn được. “Ở đây còn đỡ chứ bên Đ7 mới kinh, mỗi đêm có đến hàng trăm con trâu sắp thành hàng dài chờ đến lượt kéo gỗ”. Ông Hồng “thật thà” kể chuyện rừng Đ7 mà đâu hề biết rằng rừng An Điềm, nơi trạm ông được phân công bảo vệ cũng đang bị đốn hạ từng giờ.
Theo số liệu mà trạm kiểm lâm An Điềm lưu giữ, năm 2003 trạm đã bắt và xử lý 72 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 134 mét khối gỗ các loại. Thế nhưng chỉ mới 10 tháng đầu năm 2004, con số này là 84 vụ với hơn 183 mét khối gỗ. Điều đáng nói là trong 84 vụ bắt được, lực lượng kiểm lâm chỉ xác định được ba vụ, số còn lại đều là gỗ vô chủ. Tất cả những vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện này chỉ là “phần nổi sơ sơ của tảng băng”. Trên thực tế lượng gỗ lậu được khai thác rồi chuyển về xuôi lên đến vài chục mét khối/ngày - theo lời người dân sống cạnh trạm kiểm lâm cho biết. Hầu hết chủ gỗ lớn tại đây đều là người ở huyện Đại Lộc và đây cũng chính là điểm phân phối gỗ lậu lớn nhất tỉnh Quảng Nam cho các đường dây “đánh” gỗ về xuôi.
Vùng giáp ranh giữa hai xã Đại Hiệp (Quảng Nam) và Hòa Khương (Đà Nẵng) được giới “nậu” gỗ chọn là điểm trung chuyển và xẻ gỗ lậu đánh từ Đại Lộc về. Vào ban ngày các xưởng gỗ này đóng cửa âm thầm hoạt động cưa xẻ hết công suất để đáp ứng đủ hàng cho thị trường vốn đang khan. Còn ban đêm từ 3 đến 5 giờ sáng, các xưởng gỗ lại mở cửa đón các “nậu” gỗ đánh hàng về...
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn Nhà máy thủy điện An Điềm, thế nhưng công văn của Chính phủ chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn. Hiện nay tình trạng khai thác rừng bừa bãi đã tái diễn trở lại khốc liệt hơn trước.
Trong vai những người mua gỗ, chúng tôi thâm nhập vào một xưởng gỗ thuộc loại máu mặt nhất khu vực, đây cũng là xưởng có uy tín với giới “nậu” gỗ Hà Nội và Bình Định: xưởng gỗ Tám Vỹ. Tại đây, hàng chục phách gỗ lớn cỡ 50 x 50cm còn tươi màu bùn đất vứt lăn lóc, tất cả không hề có dấu búa kiểm lâm. Ông Châu - người phụ trách xưởng gỗ - tiết lộ: “Toàn là chò Khe Hoa nên dân gỗ chuộng lắm”.
Cạnh đó những xưởng gỗ lớn như xưởng Tiến “mập”, ông Tám, ông Hoàng, ông Khánh, ông Dũng... đều “ăn nên làm ra” cũng nhờ đánh gỗ từ Đại Lộc về. Không những “bao” gỗ về Đà Nẵng, các xưởng gỗ này còn “bao” luôn cả đường đi Hà Nội, Bình Định với khối lượng lớn. Huy - một chủ gỗ người Hà Đông đang nghiệm thu gỗ tại xưởng Tám Vỹ - cho biết: “Tôi vào đây chỉ việc kiểm tra chất lượng gỗ. Khi nào gỗ ra đến Hà Đông thì mới giao tiền. Chuyến này tôi đánh 40 khối gỗ chò quy cách, nhưng hiện mới được 15 khối”. Tại xưởng ông Khánh, việc cưa xẻ hơn 20 mét khối gỗ xuất đi Bình Định cũng đã hoàn tất.
Vì sao cửa rừng đã đóng nhưng các xưởng gỗ tại đây vẫn đủ gỗ hoạt động suốt ngày đêm? Theo Tuổi Trẻ, 100% các xưởng gỗ nơi đây đều dùng một “bảo bối” để qua mặt các cơ quan chức năng. Chỉ cần bỏ tiền mua dăm bảy khối gỗ tịch thu của kiểm lâm đưa về, phần xác (gỗ) sẽ được “trưng bày” tại xưởng, còn phần hồn (giấy tờ) lại “di động” theo các vụ mua bán gỗ.
Đây chính là câu trả lời vì sao có những xưởng gỗ hoạt động cả năm nhưng vẫn cưa không hết vài ba mét khối gỗ hợp pháp?! Cứ thế, hàng chục, rồi hàng trăm khối gỗ lậu ở các cánh rừng ở Đại Lộc, Quảng Nam theo những con đường vừa bí mật vừa công khai tuồn về vùng giáp ranh Đà Nẵng rồi lên tàu xuôi ngược Bắc Nam, bất chấp sự có mặt dày đặc của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ canh giữ rừng.