Người tạo nên câu chuyện lạ này là chị Tr., ngụ tại xã D., một vùng ven TP Mỹ Tho thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang). Sau gần 4 năm chung sống với anh S. (hai vợ chồng tạm trú tại quận Gò Vấp - TP HCM), chị Tr. hạ sinh 1 đứa con trai bụ bẫm, đặt tên là A. Sau khi đứa trẻ thôi nôi, chị Tr. bảo với chồng rằng A. không phải là con chung của 2 người.
Chị Tr. yêu cầu anh S. đồng ý để chị làm thủ tục đề nghị tòa án công nhận là con riêng của mình. Anh S. chẳng những không đồng ý, mà bắt đứa trẻ đem nhờ cha mẹ vợ nuôi giúp và căn dặn không giao con cho chị Tr. khi chưa có sự đồng ý của anh.
Vốn là một gia đình nề nếp nên cha mẹ vợ sẵn sàng ủng hộ chàng rể, đồng thời lên án những việc làm kỳ quặc của con gái. Không chỉ có cha mẹ vợ, mà anh chị em vợ của S. cũng ủng hộ anh, cách ly hoàn toàn tình mẫu tử của chị Tr. Hàng tháng, anh S. gửi về cha mẹ vợ 5 triệu đồng làm chi phí nuôi dưỡng cháu A.
Viện lý do không được gần con, đầu năm 2005, chị Tr. làm đơn gởi TAND quận Gò Vấp, TP HCM xin ly hôn với anh S. Trong đơn, một lần nữa chị khẳng định A. không phải là con của anh S. và xin tòa công nhận là con riêng của chị. Yêu cầu này đã bị tòa án bác ngay từ đầu với lý do đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân không thể xem là con riêng của vợ hoặc chồng.
Theo sự chỉ dẫn của người khác, chị Tr. quay về quê tiến hành đăng ký khai sinh cho cháu A. tại UBND xã D. để làm bằng chứng trước tòa. Trong giấy khai sinh chị không khai tên cha của đứa trẻ và cho nó mang họ mình. Như vậy, đứa trẻ có tên đầy đủ là N.T.A.. Một lần nữa, cơ quan pháp luật không xem đây là bằng chứng cho việc xác nhận con riêng, vì tờ giấy khai sinh cũng không thể chứng minh đứa trẻ đó không phải là con chung của chị Tr. và anh S..
Cứ tưởng giải thích như vậy là ổn, nhưng TAND quận Gò Vấp lại gặp thêm rắc rối khi có kẻ thứ ba nộp đơn khẳng định đứa trẻ đó là con của mình. Người đàn ông này tên là N.V.H., có hộ khẩu thường trú tại TP Mỹ Tho, là người yêu cũ của Tr. hồi còn học phổ thông.
Về phần mình, chị Tr. cũng thừa nhận đó là con của anh H. Chị còn cho biết, trước đây H. đã cậy người đến nhà hỏi cưới chị làm vợ, nhưng bị cha mẹ chị từ chối.
Giữa lúc TAND quận Gò Vấp chưa biết phải xét xử ra sao thì cha mẹ chị Tr. bắt chị giam lỏng tại nhà và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.
Khoảng tháng 6, anh H. thuê một tốp vệ sĩ ở TP HCM về xã D. giải thoát chị Tr. ra khỏi nhà cha mẹ ruột. Cuộc giải thoát này cũng không suôn sẻ vì vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía gia đình chị Tr.. Sự việc này xôn xao dư luận ở huyện Châu Thành. Sau đó, hễ mỗi lần được tòa án mời bổ túc hồ sơ vụ án, anh H. thuê 2 - 3 vệ sĩ bảo vệ chị Tr. phòng ngừa cha mẹ bắt về quê giam lỏng tiếp, cũng như phòng việc bị anh S. bắt vợ về nhà chung sống với mình.
Để tránh phát sinh rắc rối, TAND quận Gò Vấp chỉ chấp nhận thụ lý một vụ án ly hôn thuần túy giữa chị Tr. và anh S.. Còn việc anh H. xin tham gia tố tụng với tư cách truy nhận con đã được tách ra một vụ án khác.
Cuối tháng 10 vừa qua, vụ án ly hôn của chị Tr. được đưa ra xét xử với nhiều tình tiết éo le. Trước tòa, anh S. vẫn giữ nguyên yêu cầu được làm cha đứa trẻ, dù biết rõ nó không phải là con của mình. Lý do anh đưa ra để chứng minh cháu A. không phải là con của mình là vì anh bị mắc bệnh vô sinh, đang tập trung điều trị nhưng chưa có kết quả. Việc anh quyết tâm tranh quyền làm cha của đứa trẻ vì nó do vợ mình sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, người ngoài không thể biết nó là con riêng của vợ. Việc này, tạo cho đứa trẻ một tâm lý ổn định bởi nó vững tin rằng anh là cha ruột của nó. Anh S. cũng sẵn sàng đón chị Tr. về chung sống trong mái nhà xưa như không có chuyện gì xảy ra, nếu chị đồng ý rút đơn ly hôn.
Tuy nhiên, chị Tr. không đồng ý với lý do anh S. thường xuyên bỏ chị ở nhà một mình. Chính sự cô đơn, trống vắng ấy đã đẩy chị quay về với mối tình cũ, dẫn đến chuyện vỡ lỡ như ngày hôm nay.
Cuối cùng, tòa buộc phải xử ly hôn, thuận cho chị Tr. được nuôi đứa trẻ và thừa nhận cháu A. là con của anh S.. Vì đây là đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của 2 người nên không thể công nhận là con riêng của chị Tr. Tòa còn buộc chị Tr. phải làm thủ tục ghi tên anh S. vào giấy khai sinh để xác nhận đó là cha của đứa trẻ.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị Tr. về nhà cha mẹ ruột để nhận cháu A. nuôi dưỡng, nhưng gia đình chị nhất quyết không giao đứa trẻ vì không muốn nó bị ép gọi anh H. là cha. Ngay cả cơ quan thi hành án huyện cũng chào thua, vì trong bản án không ghi buộc cha mẹ chị Tr. phải giao cháu A. cho chị.
Không còn cách nào khác, anh H. buộc phải bỏ một khoản tiền lớn để giám định gien, làm thủ tục khởi kiện anh S. ra tòa xung quanh việc tranh chấp quyền là cha cháu A. Chưa biết cơ quan pháp luật sẽ giải quyết vụ tranh chấp lộn tùng phèo này ra sao, nhưng quả đây là câu chuyện có một không hai.
(Theo Người Lao Động)