Theo điều tra nội bộ của Alibaba, Zhao đã sử dụng quyền lực của mình giúp một công ty livestreaming ký hợp đồng với Taobao Live. Zhao cũng thu xếp để bạn gái làm việc tại Taobao Live với mức lương hậu hĩnh. Ngoài ra, Zhao còn bị phát hiện nhận quà, tiền mặt từ nhiều doanh nghiệp bên ngoài.
Zhao Yang đảm nhận vị trí giám đốc của Taobao Live vào đầu năm 2018. Hai năm qua, Taobao Live đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu phát trực tiếp đạt 200 tỷ nhân dân tệ (28,3 tỷ USD) vào năm 2019, gấp đôi so với mức 100 tỷ nhân dân tệ (14,1 tỷ USD) năm 2018.

Hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc sa thải giám đốc Taobao Live do vi phạm chính sách công ty. Ảnh: Caixing.
Thông tin một lãnh đạo cao cấp của Alibaba bị sa thải do vi phạm quy định công ty gây xôn xao thương trường Trung Quốc bởi nền tảng thương mại lớn nhất quốc gia tỷ dân này đang ưu ái đầu tư mạnh vào mảng livestreaming thông qua Taobao Live.
Đây không phải lần đầu tiên các lãnh đạo cao cấp của Alibaba vi phạm quy định công ty. Hồi tháng 4, Chủ tịch Taobao Tưởng Phàm cũng bị giáng chức sau khi ông bị vợ tố ngoại tình với ngôi sao livestream Trương Đại Dịch trên mạng xã hội. Sự nghiệp của Tưởng Phàm lụi tàn khi bị loại khỏi danh sách thành viên hội đồng quản trị cao cấp của Alibaba, gồm 38 nhà lãnh đạo tài năng, tương lai sẽ kế nghiệp vị trí của nhà sáng lập Jack Ma.
Hành động của Alibaba với nhân tài như Tưởng Phàm hay Zhao Yang như một lời nhắc nhở cứng rắn dành cho thế hệ lãnh đạo kế thừa của hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Hiện các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba, Huawei, Lenovo và Vanke cố gắng xây dựng văn hóa, kỷ luật doanh nghiệp nghiêm túc và việc các lãnh đạo cao cấp vi phạm là điều khiến họ cần chỉnh đốn.
Sơn Nam (Theo Caixing)