Diệu Huyền
Ai trong chúng ta mà chẳng có giấc mơ. Giấc mơ của Mendeleev mang lại cho nhân loại bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Lincoln và Kennedy đã mơ thấy cái chết trước khi bị ám sát... Còn những giấc mơ của tôi, lại là những cơn ám ảnh, những hồi chuông cảnh tỉnh, là những bài toán mà nhiều khi lúc tôi tìm được đáp án thì mọi chuyện đã rồi.
Tôi là đứa trẻ sinh ra trước đám cưới. Nhiều tài liệu nói rằng những đứa trẻ như vậy thường rất thông minh vì tất cả những gì vẹn nguyên và tươi mới nhất đều dồn hết vào chúng. Thông minh? Chắc chắn là tôi không thông minh rồi. Tư duy số học của tôi từ bé đã rất kém, tôi học kém các môn tự nhiên, đến bây giờ những môn Toán, Kinh tế mà nhiều người cảm thấy "dễ như ăn cháo" vẫn còn làm tôi khổ sở. Gia đình tôi thì ngược lại, hầu hết đều học rất giỏi Toán, nhiều người thành đạt ở lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng.
Đặc biệt là ba tôi, vừa học Toán rất giỏi lại còn hát hay và vẽ đẹp. Ba vẽ tranh thờ cho nhiều người. Những bức vẽ Phật của ba thường mang vẻ đẹp riêng, rất linh diệu. Có lần ba nói: "Ba vẽ những bức này là để cầu Phật mang phước đức cho con, đứa con sinh ra đã gầy yếu, mang đủ loại bệnh tật". Có lẽ từ ba, trí tuệ, cảm xúc của tôi trở nên đặc biệt.
10 tuổi, tôi đã viết thơ, lớp sáu, lớp bảy, tôi đã có bài đăng trên nhiều báo. Những tờ Thiếu niên Tiền Phong, Mực tím, Thế giới quanh ta của ngày đó, tôi vẫn còn giữ đến bây giờ. Dấu mốc của cuộc đời xảy ra vào năm tôi học lớp tám. Chồng của dì hai không may bị chết đuối trong lúc vượt sông kéo điện về một xã miền núi. Cả gia đình đau buồn khôn xiết. Cảm giác lần đầu mất người thân không thể nào quên được. Lúc ấy, tôi đồng thời cũng bị một cơn bệnh nặng. Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày đưa tang dượng, ngoại vẫn nhờ một người chị bà con trông nom tôi. Tháng 11, bão vừa tan, không gian ảm đạm, lạnh lẽo vô bờ.
Vài tuần sau đám tang, ba vẽ một bức tranh Quan Âm để dì hai thờ trong nhà. Bức vẽ rất đẹp, dì vừa treo lên trên bàn thờ của dượng, ngay lập tức, một luồng hơi thở ấm áp như lan tỏa khắp căn nhà nhỏ, sự lạnh lẽo, cô tịch dường như biến mất, tất cả mọi người ở đó đều cảm nhận được. Từ đó, tôi đã biết tin Phật, kính dường Phật, bắt đầu đọc kinh kệ. Kinh Liên Hoa, kinh Vô Lượng, giờ tôi có thể đọc làu làu nhưng những bài giảng Mác Lê-nin thì không. Tôi bắt đầu cảm thấy những giấc mơ của tôi đã không còn là mơ nữa.
Một đêm, tôi nằm mơ, bỗng thấy Đức Quan Âm cùng với một vị Bồ Tát cưỡi trên một áng mây, Người ban cho tôi một cái lồng đèn Trung thu. Tiếp đó là cảnh người anh - con cô ruột của tôi, người anh gắn bó nhất, từng có thời gian sống chung nhà với tôi, lúc bấy giờ đã chuyển vào sống ở Sài Gòn được hai năm (còn tôi ở quê), anh cũng mua cho tôi một cái lồng đèn.
Hai anh em cầm lồng đèn, tung tăng khắp con ngõ có hoa giấy dẫn vào nhà tôi... Tỉnh dậy giữa đêm, tôi bật cười, giờ mới tháng ba, anh Dũng đã mua lồng đèn cho mình rồi sao? Sáng ra, tôi định bụng gọi hỏi thăm sức khỏe anh thế nào. Bất ngờ, anh gọi và nói anh đang trên xe về quê, anh có việc gấp, nhân tiện thăm cậu mợ và em luôn.
Một đêm khác, tôi lại mơ thấy một vụ tai nạn, có người chết trên con đường dẫn vào chợ (cái chợ duy nhất ở thị trấn của tôi). Tôi không nhìn thấy mặt mũi, cũng không thấy rõ lắm, chỉ có thể xác định được địa điểm như vậy. Sáng ra, tôi đi học, bỗng nhiên, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xống lưng. Đầu đường dẫn vào chợ, cờ tang đã cắm.
Khi tôi học lớp 10, một đêm mùa hè, tôi nằm mơ thấy trên con đường ruộng mấp mô của quê nội, bỗng nhiên có rất đông người. Tôi thấy bà nội dẫn tôi đi đâu đó. Bà bảo: "Con để xe đạp lại trên ruộng, đi bộ cho dễ". Bà đi trước, tôi đi sau, hai bên là lúa đã cao đến đầu gối. Mà lúa lại không xanh, lúa ngả màu úa vàng. Sáng hôm sau đó, tôi viết vào nhật ký, ghi lại rất đầy đủ, ngày tháng năm và chi tiết giấc mơ. Bẵng đi thời gian, tôi từng cho giấc mơ này không có ý nghĩa.
Một năm sau, ngày mồng 6 tháng 5 âm lịch, tôi được tin bà nội đã mất tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Sài Gòn, sau nhiều tháng nằm một chỗ bởi cơn tai biến. Đưa bà về đất rồi, một cảm giác gì đó làm tôi bứt rứt, tôi lục lại cuốn nhật ký cũ. Tôi giật mình, ngày tháng năm của giấc mơ trên cánh đồng đó là đúng một năm trước khi bà nội mất, chính xác một năm, không hơn không kém.
18 tuổi, tôi nộp đơn vào Đại học Ngân hàng theo lựa chọn của ba. Tốt nghiệp thủ khoa của trường phổ thông, thành viên đội tuyển Quốc gia môn tiếng Anh, chưa bao giờ mọi người nghĩ tôi có thể thi trượt.
Duy chỉ có tôi, không ngừng nghi hoặc. Tôi liên tục mơ thấy tôi đi trễ giờ. Tôi cặm cụi học trong nỗi hoài nghi, trong áp lực nặng nề của một học sinh tiêu biểu. Đến trước ngày tôi vào Quy Nhơn ứng thí, tôi đã mơ thấy mình ôm một chồng tập cùng các bạn, cho vào một cái thùng gỗ rất lớn. Mọi người ùa đến đòi lại tập, tất cả đều có, duy chỉ có cuốn tập của tôi đã biến mất. Năm đó, hai mươi điểm rưỡi, đại học Ngân hàng "lạnh lùng từ chối" tôi. Tôi đã thiếu nửa điểm.
Từ độ đó đến giờ, cứ mỗi khi tôi chán nản, ham chơi, chán học, tôi lại mơ thấy, nếu không là đi trễ giờ, cũng là mở đề bài mà làm không được, hoặc là ba, hoặc là mẹ, vẻ mặt rất buồn. Đêm qua, sau nhiều tháng, tôi mới lại mơ thấy ba mẹ. Trời mưa, dường như không có ánh sáng, ba đang sơn tường hay làm một việc gì đó. Còn mẹ đang dắt xe ra, hình như mẹ chuẩn bị chở tôi đi học hay đi đâu đó mà tôi hình dung được là hai người đang nói chuyện với nhau. Mẹ hình như đang lo lắng vì tôi bị bệnh gì đó. Đặc biệt, trong cơn mơ, mưa vẫn rơi lộp bộp mà chỉ có tôi mặc áo mưa, cả ba và mẹ, không ai mặc cả... Tỉnh dậy, 4 giờ sáng, tôi lập tức hiểu ra vấn đề...
Đêm qua, tôi đã buồn một người, quên cả ăn cơm. Những người yêu thương chúng ta, dòng máu chúng ta đang mang trong huyết quản, luôn luôn đi cùng chúng ta bằng những cách khác nhau. Thực tại, tương lai, nhân và quả, tất cả mọi thứ đều ở đó, có thể là trước mắt nhưng cũng có khi là đường chân trời. Giấc mơ chính là sứ giả mang đến những thông điệp đó. Tôi tin là như vậy.