Thứ bảy, 16/9/2023, 07:00 (GMT+7)

Gia đình gần 70 năm làm lồng đèn trung thu truyền thống

TP HCMCha truyền con nối, gia đình anh Nguyễn Trọng Thành gần 7 thập kỷ làm thủ công lồng đèn trung thu, phát huy sở trường làm sản phẩm kích thước lớn và vẽ tinh xảo.

Những ngày trung thu cận kề, căn nhà trong con hẻm chợ trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Phú xếp kín đèn lồng. Đèn làm xong treo trên trần nhà. Đèn mới uốn khung, căng giấy hoặc căng vải la liệt dưới đất, chờ bàn tay nghệ nhân chuốt màu để hoàn thiện.

Anh Nguyễn Trọng Thành (trái) cùng em trai, em dâu chia nhau người căng giấy và vẽ đèn, người chở hàng bỏ sỉ cho các đại lý. Hàng ngày, họ luôn tay từ 8h sáng đến cuối buổi chiều, mỗi hôm làm một loại đèn hoặc thực hiện một công đoạn.

Phụ cha mẹ làm đèn lồng từ lúc hơn 10 tuổi, anh Thành làm nghề đã thành thói quen thuần thục. Anh nhúng màu, đưa bút thoăn thoắt nhưng vẫn đảm bảo mỹ cảm, vừa làm vừa chuyện trò cũng không chệch tay.

Anh cho biết sản phẩm của gia đình đa dạng kích thước với chiều dài 16-150 cm. Loại nhỏ nhất giá 12-15.000 đồng. Loại kích thước lớn và đòi hỏi thiết kế công phu được bán trên dưới một triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng.

Với đèn nhỏ, nghệ nhân làm vài chục phút xong một chiếc, mỗi ngày có thể làm cả trăm chiếc. Nhưng với loại hàng đặt riêng có kích thước lớn và thiết kế tỉ mỉ, đôi khi họ mất cả ngày mới hoàn thiện một tác phẩm.

Trung thu mỗi năm, gia đình anh Thành bán hơn 20 loại đèn gồm đèn kéo quân, đèn rồng, đèn bướm... và nhiều nhất là đèn cá chép. Sở trường của họ là làm các loại đèn kích thước lớn.

Đèn chủ yếu làm bằng giấy bóng kính, đôi lúc dùng vải hoặc giấy nhám (giấy nến). Màu sắc chủ đạo là đỏ - tone màu đại diện cho ước mong tốt lành vào các dịp lễ Tết. Màu vàng cũng được sử dụng nhiều. Ngoài các kiểu đèn phổ thông được bán với giá bình dân, nghệ nhân sáng tạo nhiều hình thù để đổi mới mỗi mùa.

Nghệ nhân dùng các loại màu nước khác nhau để vẽ đèn, tùy thuộc vẽ trên chất liệu giấy bóng kính, giấy nhám hoặc vải.

Một khung đèn thỏ cao ngang người lớn, đặt đứng trước cửa nhà, chờ được căng giấy và vẽ. Gia đình anh Thành còn một xưởng khác với diện tích rộng hơn, dùng làm nơi cho một nhóm nhân công uốn sẵn khung đèn.

Theo lời gia chủ, hàng năm ăn Tết xong, họ rục rịch nhập tre và kẽm, chất kín xưởng. Từ cuối tháng 5 âm lịch đến sát trung thu, họ tập trung làm đèn. Các tháng còn lại trong năm, gia đình chuyển hướng buôn bán mặt hàng khác.

Đèn cá chép hóa rồng dài hơn 1,5 m, được phối màu và thực hiện tinh xảo, phần mắt gắn bằng đồ nhựa, giá tính bằng tiền triệu. Đây là thiết kế độc nhất tại cửa tiệm, được đặt làm riêng.

Đèn thỏ và bướm với chiều dài khoảng 80 cm có thể dùng để treo trang trí hoặc làm đồ chơi cho các em nhỏ xách ra phố. Thay vì thắp nến như thú vui nhiều thập niên trước, đèn lồng hiện giờ đa phần gắn đèn led nhỏ, vừa tránh gây cháy, vừa giữ món đồ chơi được lâu dài.

Một cặp lợn lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ được làm bằng vải, là tác phẩm được đặt riêng để trưng bày tại một triển lãm.

Loại đèn nhỏ nhất được buộc thành từng chùm và treo lên cao.

Anh Thành cho biết gia đình anh là dân Bắc 54 (người gốc Bắc di cư vào miền Nam giai đoạn 1954-1975). Từ quê nhà Nam Định vào Sài Gòn an cư và lập nghiệp, bố mẹ anh học nghề làm hoa và đèn lồng từ những người lớn tuổi địa phương, rồi phát triển thành nghề nuôi sống mấy thế hệ gia đình.

Khu anh sống ngày xưa được gọi là khu tiểu thủ công nghiệp với các nghề dệt, nhuộm, làm hoa... Riêng nghề làm lồng đèn có cả trăm hộ. Xưởng chuyên làm đèn cá, xưởng chuyên làm đèn thỏ, xưởng chuyên làm đèn hình tàu... Nét vẽ cũng mỗi nhà mỗi khác.

'Ngày xưa, nguyên xóm này cùng làm lồng đèn vui lắm. Khách đến mua cũng đông. Khung cảnh nhộn nhịp, màu sắc không khác gì phố cổ Hội An bây giờ. Nhà tôi khắp nơi là lồng đèn. Anh em tôi nằm ngủ giữa đống đèn, ngửa mặt lên trần nhà cũng thấy đèn', anh Thành hoài niệm.

Từ khoảng năm 2000, kinh tế thị trường lên ngôi, đồ chơi nhập khẩu tràn vào Việt Nam, đèn điện tử được ưa chuộng khiến nghề làm lồng đèn thủ công dần mai một.

Đến nay, xóm lồng đèn ở đoạn giáp ranh quận 11 - quận Tân Phú chỉ còn chưa tới 20 nhà giữ lửa nghề. Ngay cả gia đình anh Thành cũng từng ngừng hoạt động 10 năm. Sau này, các khách buôn quay lại đặt nhiều, họ mới trở về làm nghề nguyên bản.

Xưởng lồng đèn trung thu
 
 

Anh Nguyễn Trọng Thành tâm sự về nghề làm lồng đèn trung thu. Video: Phong Kiều

Phong Kiều
Ảnh: Maison de Bil

Đánh giá phiên bản mới