"Mẹ ơi, mù nghĩa là gì?" - Laurent 5 tuổi nhưng đã dần hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đó là một câu hỏi ngây thơ nhưng khiến cha mẹ của 4 đứa trẻ đau lòng.
Edith Lemay và Sebastien Pelletier, sống tại Canada, kết hôn được 12 năm và có 4 người con là Mia, 12 tuổi, Leo 9 tuổi, Colin 7 tuổi và Laurent 5 tuổi. Năm 2013, cặp vợ chồng đưa con gái đầu lòng Mia đi khám khi cô bé có biểu hiện nhìn không rõ. Bác sĩ chẩn đoán Mia mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, một tình trạng di truyền hiếm gặp, gây mất hoặc suy giảm thị lực theo thời gian. Năm 2019, thật không may, hai người con trai của họ là Colin và Laurent cũng mắc căn bệnh tương tự. Hiện không có cách chữa trị hoặc phương pháp điều trị hiệu quả nào để làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm võng mạc sắc tố. Bác sĩ không nói rõ thời điểm cụ thể nhưng dự đoán ba con của Lemay sẽ mù hoàn toàn toàn ở tuổi trung niên.

Edith Lemay với chồng Sebastian Pelletier và các con Mia, Leo, Colin, Laurent ở Ölüdeniz, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia gợi ý Lemay nên cho con quan sát và ghi nhớ để các bé có "ký ức hình ảnh" với tất cả mọi sự vật xung quanh khi đã mất thị lực hoàn toàn. Từ ý tưởng này, cô và chồng bắt đầu lên kế hoạch dành một năm đi du lịch vòng quanh thế giới với các con. Lemay cho biết cô không muốn các con nhớ tới hình ảnh một con voi trong sách mà sẽ đưa con đi xem voi thật và cố gắng lấp đầy ký ức của con bằng những hình ảnh đẹp đẽ. Lemay làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong khi Pelletier có cổ phần trong một công ty. Họ nhanh chóng tích lũy tiền tiết kiệm và bán toàn bộ cổ phần để thực hiện ước mơ "đưa con đi khắp thế gian".
Ban đầu, gia đình 6 người dự định khởi hành vào tháng 7/2020 với hành trình đến Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát và những hạn chế đi lại, đến tháng 3/2022 họ mới lên đường. Những đứa trẻ rất hào hứng với chuyến hành trình khám phá này, chúng dành hàng giờ để bàn về những điều muốn làm: Mia muốn cưỡi ngựa, trong khi Laurent đặt mục tiêu được uống nước trái cây trên lưng một con lạc đà.
Cả gia đình bắt đầu chuyến đi tới Namibia, Zambia, Tanzania, nơi họ được chiêm ngưỡng khu bảo tồn động vật hoang dã rộng lớn và được đến gần voi, ngựa vằn, hươu cao cổ. Sau đó, họ bay khinh khí cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngủ lều, cưỡi tuần lộc ở Mông Cổ và thăm những ngôi chùa Indonesia. "Chúng tôi lựa chọn những điểm đến có nhiều trải nghiệm, tập trung nhiều động, thực vật, có nền văn hóa đa dạng để các con nhìn thấy những thứ chúng chưa từng thấy tận mắt và có những trải nghiệm đáng kinh ngạc nhất", Lemay nói.

Mia, Leo và Colin chụp ảnh cùng người dân ở Namibia
Lemay và Pelletier hy vọng việc dành thời gian ở các quốc gia khác nhau và trải nghiệm các nền văn hóa sẽ cho bọn trẻ thấy chúng may mắn như thế nào, bất chấp những thách thức có thể xảy đến sau này khi thị lực của chúng kém đi. "Đi du lịch rất tuyệt vời nhưng sẽ có lúc bạn không thoải mái, mệt mỏi, thất vọng, sợ hãi và cảm thấy khó thích nghi. Đối diện được với những điều đó là bài học tôi muốn các con nhận được từ chuyến đi này", Pelletier nói.
Trong khi Mia đã biết về tình trạng của mình từ khi lên 7 tuổi, Colin và Laurent gần đây mới lờ mờ hiểu và thường đặt ra những câu hỏi khó khiến cha mẹ đau lòng: "Con có thể lái ô tô khi lớn lên không hả mẹ", "Tại sao mù không thể chữa được?"... Leo, đứa con duy nhất không mắc bệnh, cũng hiểu hoàn cảnh của các anh chị em. Chuyến đi giúp cả gia đình thêm gắn kết, đặc biệt là 4 đứa trẻ trở nên thương yêu, đoàn kết hơn. Lemay cho biết dù cuộc sống khó khăn đến đâu, cô muốn các con thấy mình đã may mắn như thế nào khi có nước sinh hoạt, có thức ăn và được đến trường. Cô cũng ngỡ ngàng trước khả năng thích nghi của bốn đứa trẻ khi chúng có thể ăn ngủ trên đường và yêu thích những món ăn địa phương.

Mia mặc quần áo dân tộc, cưỡi tuần lộc ở Mông Cổ.
Căn bệnh của các con vẫn luôn ám ảnh Lemay và Pelletier nhưng họ tập trung vào việc sống cho hiện tại và dồn sức lực cho những điều tích cực. Pelletier nhấn mạnh rằng với sự phát triển của y học, họ vẫn hy vọng Mia, Colin và Laurent có thể không bao giờ bị mù. Nhưng trước mắt, họ đang làm tất cả những gì tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai của các con.
Gia đình Lemay và Pelletier lưu lại chuyến hành trình thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram. Sau khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi, đã có rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán hoặc có người thân bị viêm võng mạc sắc tố liên lạc, gửi lời động viên, cảm ơn họ.
Một giáo viên dạy trẻ khiếm thị ở Quebec, Canada theo dõi và thường kể lại cho học sinh về chuyến hành trình của gia đình Lemay. "Hàng tuần, cô ấy mở trang Facebook và mô tả tất cả các bức ảnh hoặc đọc bất cứ thứ gì tôi viết. Và bằng cách nào đó, họ là một phần của chuyến đi với chúng tôi. Được chia sẻ điều này với những người khác là món quà tốt đẹp mà tôi rất biết ơn. Điều đó khiến tôi hạnh phúc", Lemay nói.
Thùy Linh (Theo CNN)