Anh Bàn Văn Thếp và chị Phàn Thị Thảy là người dân tộc Dao, cư trú tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Anh Thếp mồ côi cha từ khi mới 14 tuổi, sống với mẹ và em gái. Nhà vắng bóng người cha, anh bỏ dở việc học khi vừa hết lớp 7, trở thành lao động chính của gia đình. Cảnh nhà của chị Phàn Thi Thảy, vợ anh Thếp, cũng không khá hơn. Bố ruột chị, ông Phàn Văn Chài rưng rưng kể: "Trước kia, nhà tôi có tất cả 6 miệng ăn. Con Thảy và một đứa nữa lập gia đình rồi. Nhà chỉ có mấy sào ruộng bậc thang, bờ còn to hơn cả ruộng, thu hoạch chẳng được bao nhiêu nên đói ăn quanh năm. Nhà nghèo quá nên không đứa nào được học hành đến nơi đến chốn".
Khi hai người lập gia đình, anh Thếp 20 tuổi, chị Thảy mới 16 tuổi. Hai anh chị đã có một bé trai gần 4 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ sống cùng mẹ và em gái anh Thếp. Cả nhà chỉ trông chờ vào 3 sào đồi trồng ngô. Gia đình lại không có nghề phụ, túng thiếu triền miên. Anh Thếp thật thà kể: "Nhà tôi nghèo nên quanh năm ăn ngô, ăn cháo, ăn rau, chẳng mấy bữa cơm có miếng thịt".
Lần mang thai thứ hai này, anh kể rằng thỉnh thoảng chị Thảy có than mệt và cảm thấy nặng nề hơn trước nhưng vì nghèo nên không có điều kiện thăm khám thường xuyên. Trong suốt thai kỳ, chị Thảy đi siêu âm 2 lần, các bác sĩ đều cho biết thai ổn định và không phát hiện hai cháu bị dính liền.
Hơn một giờ sáng ngày 13/7, chị Thảy chuyển dạ, đau bụng dữ dội. Anh Thếp và mẹ vợ cuống quýt đưa chị vào Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên. Hành trang vào viện sinh nở của chị chỉ có cái phích nước và mấy bộ quần cũ. Bác sĩ Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên, người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ kể lại: "Sản phụ Thảy được đưa đến bệnh viện muộn trong tình trạng nguy hiểm. Tử cung đã mở 7 cm, âm đạo chảy nhiều nước, ối vỡ sớm và có dấu hiệu suy thai. Vì vậy, chúng tôi phải tiến hành mổ cấp cứu ngay lập tức".
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ Giang cùng các đồng nghiệp phát hiện hai bé có chung dây rốn và dính liền nhau từ ngực đến bụng. Dù hơi bất ngờ nhưng các bác sĩ vẫn bình tĩnh hoàn thành ca mổ. Đến gần 4h, hai bé trai Đương và Trung chào đời, nặng 4,9 kg. Do thể trạng còn yếu nên các bác sĩ đã đưa hai cháu vào lồng ấp. Sau gần một ngày, tình trạng của cặp song sinh tiến triển không tốt nên được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Thế nhưng bố mẹ hai cháu quá nghèo nên không khỏi "choáng váng" trước quyết định này.
Anh Thếp ngậm ngùi kể lại: "Khi bác sĩ gọi vào nhận con, tôi rất hồi hộp, nhìn thấy hai con nằm và dính liền vào nhau, tôi choáng và run. Chỉ đến khi bác sĩ nói, những trường hợp này ở Việt Nam gặp nhiều rồi, lúc đó tôi mới bớt lo sợ và lo toan vay mượn cho cháu".
Gia đình nội, ngoại của anh Thếp, chị Thảy chạy vạy được 5 triệu đồng. Số tiền ấy không thể đáp ứng đủ chi phí di chuyển, nhập viện, sinh hoạt khi trông nom hai bé ở Hà Nội. Cán bộ nhân viên bệnh viện nhanh chóng quyên góp được 29 triệu đồng, trong đó có 7,5 triệu đồng người dân ủng hộ tại chợ. Mặc dù vậy,ông nội của hai bé vẫn không giấu nổi lo âu vì chưa biết phải xoay sở thế nào nếu hai cháu ở viện lâu.
Hai bé Đương - Trung được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Việt Đức ngày 14/7. Hiện tại, các chuyên gia, bác sĩ tại Bệnh viện đang tìm phương án tách rời hai cháu. Hằng ngày, anh Thếp được vào thăm con 3 lần, thời gian còn lại anh cùng bố vợ "vạ vật" ở hành lang bệnh viện cùng người nhà nhiều bệnh nhân khác. Biết anh nghèo, tính tình lại thật thà nên ai ở đây cũng thương cảm. Mọi người dẫn anh ra ngoài mua quần áo, dép mới thay cho bộ quần áo cũ mèm duy nhất anh mang theo. Có chị kể lại, hôm điều dưỡng hỏi bỉm, anh cũng không biết bỉm là gì. Mọi người lại hướng dẫn anh mua bán và phân biệt một số thứ.
Nói về tình trạng của vợ mình, anh Thếp buồn rầu chia sẻ: "Vợ tôi hiện tại đã hồi phục và có thể đi lại được. Lúc mới sinh, hai cháu bé được tách mẹ ngay. Đến giờ vợ tôi đến vẫn chưa được gặp mặt con mà chỉ nhìn qua ảnh. Ngày nào vợ cũng gọi điện hỏi thăm tình hình hai cháu. Hôm trước, bác sĩ có thông báo hai con tôi bị dính liền cả gan và tim. Mọi chuyện bây giờ tôi chỉ trông chờ vào ông trời thôi".
Hà Thu