Thung lũng Sà Phìn, Hà Giang nằm gọn giữa những dãy núi đá. Người dân ở nơi cao nguyên đá này đã tận dụng đá để xây nhà, đá làm hàng rào, tất tần tật đều là đá. Chúng tôi bước chân vào ngôi nhà có năm sinh 1920, nhà của vua Mèo Vương Chí Sình.
Lần nào đến Hà Giang, tôi cũng dừng lại ở dinh họ Vương dù lần nào cũng có cảm giác không được thoải mái.
Cảm nhận đầu tiên của tôi về căn nhà là sự lạnh lẽo, nghiêm trang và có phần cách biệt. Nằm giữa thung lũng nhưng lại đặt hoàn toàn trên một gò đất làm căn nhà cao hơn hẳn những nhà khác. Tường bao quanh nhà và bậc thềm cho đến các bức tường đều làm bằng đá. Phía trước ngôi nhà với hai hàng sa mộc cao vút hai bên, nhìn không khác một ngôi mộ khổng lồ là mấy.
Tôi không có cảm giác thân thiện ngôi nhà này. Tôi đi qua hành lang, đi qua ngó vào những căn phòng từng là của bà cả, bà hai, bà ba, phòng tiếp khách, kho, phòng Vương Chí Sình. Giữa buổi trưa nắng chói chang nhưng tất cả các căn phòng nơi đây đều phảng phất vẻ âm u và gây ớn lạnh. Ngay cả đến những khoảng sân ở giữa nhà cũng không có lấy một chút ấm áp. Ánh nắng dường như không đến đây.
Căn nhà gần trăm tuổi này, đã có bao nhiêu đời người sống và chết ở đây? Những cái sập đã có bao người ngủ, bao người qua đời, cái sân phía trước đã chứng kiến bao trận đòn roi, bao máu của những kẻ làm mướn, căn phòng nào mịt mùng khói thuốc phiện, căn phòng nào đã chứa những mảnh đời như cô Mỵ, chiếc cột nào đã trói người... Câu chuyện "Vợ chồng A Phủ" lẩn khuất trong đầu tôi. Cảm giác ớn lạnh dọc sống lưng, tôi lướt qua nhanh, chụp ảnh và đi ra nhanh.
Cô bạn đi cùng thì như thể bị "nhập đồng", theo mỗi bước chân, nó thao thao về căn nhà như kiểu thân thuộc lắm, rằng phòng bà cả là căn phòng lớn nhất và có cửa thông sang căn bếp - nghĩa là người đàn bà ấy giữ lửa cho cả nhà, phòng bà hai là căn phòng bình thường, phòng bà ba, nên căn phòng có tủ và có đường thông sang tất cả các phòng khác trong nhà, hẳn là người vợ trẻ được yêu nhất... Tôi bỗng có cảm giác bóng ai đó vừa ướt qua phía sau, nhanh, lạnh. Có tiếng roi quất và tiếng la hét ở đâu đây. Tiếng lanh canh của những sợi xích, ánh mắt sắc lẻm của ai đang nhìn qua khung cửa sổ, tiếng rên của một kẻ ốm, tiếng xay ngô trong nhà bếp, tiếng thì thầm nhỏ to, tiếng khóc tỉ ti, tiếng nước chảy từ trên mái nhà xuống nền đá, tiếng thở chầm chậm trên sập gụ... Tôi bỗng thấy như phòng bà ba đèn sáng, dường như bà đang hút thuốc phiện, khói cuộn thành những búi trên đầu, căn phòng u u, tiếng đập bồm bộp của người hầu gái đang đấm bóp gan bàn chân... Sao mà tưởng như mình đang trong ngôi nhà Đèn lồng đỏ treo cao u ám và ma mị của Trương Nghệ Mưu vậy!
Những tấm ảnh chụp ở Dinh họ Vương không hiểu sao hỏng khá nhiều, có một tấm ảnh làm chúng tôi rùng mình. Lúc đó khi mới bước vào nhà, tôi và cô bạn ngồi ngay hai bậu cửa chìa ra bên cửa lớn. Không nhớ là đùa nhau câu gì, nhưng bức ảnh đó chúng tôi chụp với khuôn mặt nghiêm nghị khác thường, đặc biệt là cô bạn mang một thần thái khác hẳn, một dáng vẻ khác hẳn, có gì kì dị, hoàn toàn không còn là cô bé mà chúng tôi quen biết.
Cả đám đều nổi hết gai ốc. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra giải pháp để trấn tĩnh mọi người bằng cách xóa hết những bức ảnh "lạnh" trong máy về dinh họ Vương. Những bức như chụp mộ phần, giếng cổ, lô cốt, ảnh mấy đứa, ảnh những khuôn mặt trong gia đình Vương Chí Sình... đem xóa hết, xóa tất. Chuyến ấy, ảnh trong dinh họ Vương chẳng có tấm nào lưu lại.
Bài và ảnh: Lam Linh