Chung sống với nhau, ngoài chuyện đưa lương cho vợ thì anh hiếm khi phụ vợ việc gì, đến cả những chuyện "đàn ông" mắc bóng đèn, sửa điện chị nhờ đến khan cổ cũng không được.
Tâm sự với chuyên viên tư vấn, chị Ngọc Trúc ở quận 7, TP HCM cứ lặp đi lặp lại câu: "Sao chồng em kỳ quá, em không thể hiểu được". Cái "kỳ" theo chị là: sống hết lòng với bạn bè, người ngoài đường, nhưng chẳng chịu lo cho vợ con.
Chị Trúc sụt sịt kể: "Với chồng em, bạn bè, người ngoài là số một. Bạn bè gặp khó khăn về tiền bạc, buồn chuyện gia đình hay thiếu bạn nhậu, chỉ cần "alô" là anh chạy đi ngay, dù đang ngủ hoặc ăn cơm. Bạn thân kẹt tiền, khoản tiết kiệm phòng khi cần kíp của gia đình anh cũng đem cho mượn. Tiền nhà không đủ, anh sẵn sàng đi mượn giúp bạn. Vì thế, trong mắt bạn bè, anh là một người tuyệt vời. Phải chi anh cũng cư xử với vợ con như thế thì em hạnh phúc quá. Bốn năm qua, em đã nhẫn nhịn chờ anh thay đổi mà vẫn tính nào tật đó. Em không biết có nên tiếp tục chung sống hay ly hôn?".
Không phải "hy sinh" vật chất như chồng chị Trúc, anh Quốc Trung, kỹ sư tin học, chồng chị Quỳnh Nga thì "cống hiến" cho bạn bè, đồng nghiệp sự galant của mình, điều mà chị tưởng đã "khai tử" ở anh, kể từ sau khi kết hôn. Vợ nặng nhọc dẫn xe lên nhà (thềm cao), anh chỉ liếc qua rồi tiếp tục xem tivi. Vợ mệt, nhờ anh nấu ăn một bữa, anh gọi cơm hộp. Con khóc, anh gọi "em ơi, con đòi mẹ kìa" trong khi chị đang nấu ăn, bởi anh còn chơi luyện Võ lâm truyền kỳ.
Qua ba ngày đi nghỉ mát cùng công ty của anh, chị thấy chồng mình như lột xác thành người khác. Một chị đang kệ nệ cái vali to đùng anh xuất hiện ngay bên cạnh "để tôi xách cho". Một chị than khát nước,anh chạy đi kiếm mấy chai nước tinh khiết. Con trai của cô đồng nghiệp khóc đòi mua bóng chơi, anh hô biến thành ông bụt, giúp thằng bé toại nguyện, chẳng những mua cho bóng mà còn chơi vơi nó, trong khi thằng con nhà khóc đòi ba chơi cùng thì anh quăng trái bóng cho nó như người ta ném cho khỉ trong rạp xiếc, rồi chơi game tiếp.
Thấy chồng quá galant, chị mong muốn được anh thể hiện nghĩa cử đó với mình và cũng đỡ ganh tỵ với các cô đồng nghiệp của anh. Chị "thử": "Em quên mang kem chống nắng, anh lên trên mua giúp em đi". Anh quăng "cục lơ" bự chảng. Chị nhắc lại lần nữa, to hơn. Anh thoái thác: "Trời mát mà, đâu cần kem chống nắng".
Các cô đồng nghiệp nghe thế nhao nhao: "Trời mát nhưng vẫn ăn nắng, anh mua đi, cho bọn em xài với!". Anh đổi ngay thái độ, xăng xái đi, làm chị chẳng vui mà còn thấy phát cáu.
Anh đi rồi, các cô quay sang chị: "Số chị may mắn thật, thời này mà còn sở hữu được một người galant, tốt bụng như anh Hùng. Anh ấy là người đàn ông điểm 10 của phòng em đó. Dắt xe giúp bọn em, nhận văn phòng phẩm cũng anh ấy; phòng tổ chức liên hoan anh còn xung phong vào bếp trổ tài. Chắc ở nhà anh nấu cho chị ăn hoài?". Chị nghe mà thấy càng tức tối.
Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng, với vợ con thì tính toán, còn người ngoài thì bao la rộng mở là chuyện bất bình thường nhưng lại xem là "bình thường" của nhiều ông chồng.
Tại sao ra ngõ các ông chồng mới trở thành "anh hùng", thành mẫu đàn ông lý tưởng, còn ở nhà lại là một phiên bản khác: vô tâm, thiếu trách nhiệm, lười. Lòng tốt ư? Các bà vợ phản đối ngay. Theo các bà, với những người thân yêu mà anh không bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc thì làm sao tin được việc anh giúp người khác là xuất phát từ lòng chân thành, không vụ lợi.
Hay tại con người có khuynh hướng cư xử văn hóa, lịch sự với người ngoài hơn là người thân bên cạnh mình? Thử xem nhé, ông chồng được vợ nấu cho bữa ăn ngon, pha cho ly nước cam, chẳng bao giờ nói lời cảm ơn nhưng ra đường, họ ra rả cảm ơn, xin lỗi dù người khác chỉ chuyền cho mình cây bút hay đi quẹt nhẹ vào tay. Do các bà không tạo điều kiện hoặc thường chê bai khi chồng chia sẻ công việc? Có thể có, nhưng đó chỉ là khía cạnh nhỏ vì chẳng người vợ nào lại không mong muốn được chồng quan tâm, chia sẻ công việc gia đình. Vậy, cốt lõi của vấn đề ở đâu?
Với kinh nghiệm của mình, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Hồn Việt cho rằng, biểu hiện trên chung quy là do nhận thức sai về giá trị của mình và thiếu tự tin về bản thân.
Bên cạnh quý ông luôn nhận ra và tự tin về giá trị, sức mạnh nội tại của mình thì không ít người lại chẳng nhận thấy giá trị, ưu điểm của mình, lại có tâm lý tự ti về vị thế, gia cảnh, ngoại hình sợ người khác không nhận ra điểm tốt, không yêu quý, không tôn trọng mình.
Với đàn ông, danh dự luôn được xem trọng, cộng với tính háo thắng, sĩ diện, nên một khi lệch về nhận thức, dẫn đến hành động sai là điều đương nhiên. Khi đó, họ nghĩ mình phải biết cách giao tiếp, lấy lòng người khác mới nhận được sự tôn trọn, quý mến. Với ý nghĩ đó, khi ra khỏi nhà, các ông chồng này luôn khoác lên chiếc mặt nạ hào phóng, ga-lăng, sẵn sàng giúp đỡ người khác để nhận được những lời khen, sự ngưỡng mộ. Và, họ rất hạnh phúc, vui sướng với những giá trị ảo đó, nên càng cố gắng diễn xuất sắc vai người tốt của mình.
Trên đây chỉ là biểu hiện "lâm sàng" của căn bệnh "khôn nhà dại chợ" của quý ông. Nguồn gốc sâu xa của căn bệnh, theo bà Nguyễn Thị Tâm là do cách giáo dục của cha mẹ và hoàn cảnh sống từ bé. Bà Tâm phân tích: "Ngay khi con còn nhỏ, nhiều cha mẹ đã vô tình tạo cho con lối sống coi trọng hình thức và chạy theo thành tích. Áp lực này dễ đẩy trẻ không sống thật với bản chất của mình mà trở thành người khác, thậm chí gian lận để được thành tích. Lớn lên cùng với điều đó, trẻ sẽ thiếu tự tin, không nhận ra được giá trị nội tại tốt đẹp của mình".
Thuốc đặc trị tốt nhất vẫn là chữa tận gốc: cha mẹ phải có phương pháp giáo dục đúng đắn khi con còn nhỏ. Nếu con đã "lỡ lớn" và có gia đình rồi thì người trị liệu hữu hiệu nhất là người bạn đời. Sự nhẫn nại, kiên nhẫn, mềm mỏng... của vợ sẽ kích thích, tạo điều kiện phát huy những ưu điểm của chồng.
(Theo Phụ Nữ)