Xu, một phụ nữ xinh đẹp ở độ tuổi 30, thận trọng bước vào câu lạc bộ dành cho những người độc thân ở Bắc Kinh với mong muốn có thể xóa bỏ đi cái mác "ế chồng" mà những người như cô đang bị xã hội gán cho.
Đã hơn một năm nay, Xu không tới câu lạc bộ Garden of Joy, nhưng với những áp lực về tuổi tác cũng như định kiến xã hội đang đè nặng lên vai, cô quyết định quay lại đây cùng với những hy vọng nhỏ bé mà chính cô là người hiểu rõ nhất.
"Tôi hy vọng có thể tìm được một tấm chồng", cô nói khi ngồi trước chiếc bàn Mahjong và chờ đợi người đàn ông mà cô đã được câu lạc bộ chọn sẵn. "Tôi chỉ muốn gặp được người nào đó để chia sẻ những điểm chung, nhưng người đó cũng phải có điều kiện tài chính tốt hơn tôi".
![]() |
Tỷ lệ phụ nữ trên 27 tuổi, có học vấn, hình thức, cũng như tài chính ổn định hiện sống độc thân ở Trung Quốc ngày một nhiều. Ảnh: Yupibar |
Xu, là một trong những "Sheng Nu" của Trung Quốc. "Sheng Nu", hay còn gọi là "ế chồng", là một thuật ngữ có nguồn gốc từ một hiện tượng trong xã hội Trung Quốc hiện tác động lên hàng nghìn phụ nữ nước này, đặc biệt là những cô gái thành thị, có học vấn và tự chủ về tài chính.
"Sheng Nu" chỉ được sử dụng ở Trung Quốc và xuất hiện trong từ điển nhằm ám chỉ những "phụ nữ độc thân trên 27 tuổi".
Summer, 26 tuổi, lần đầu tiên tới Garden of Joy với nỗ lực tìm được người đàn ông của cuộc đời trước khi bước sang tuổi của một "Sheng Nu".
"Chẳng có gì trên thế giới này có thể biến tôi thành gái ế chồng cả", cô nói. "Đàn ông đúng là không thích những người đã ngoài 30. Điều quan trọng đối với họ là cô ta vẫn xinh đẹp".
Một cuộc khảo sát trên diện rộng vào năm 2010 được Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc tiến hành xác nhận "Sheng Nu" là một hiện tượng mới trong xã hội.
Khảo sát này cũng chỉ ra rằng hiện ở Trung Quốc có khoảng 180 triệu người độc thân - trong tổng số 1,3 tỷ dân - và 92% đàn ông được hỏi tin rằng một phụ nữ nên kết hôn trước khi họ 27 tuổi.
Từ đó đến nay, "Sheng Nu" trở thành đề tài thường xuyên được đề cập trên sách báo và phim ảnh Trung Quốc. Nhiều tạp chí dành cho phụ nữ còn tập trung vào việc tìm ra nguyên nhân tại sao có quá nhiều người vẫn phải sống cảnh "chăn đơn gối chiếc".
"Một mặt hiện nay những người trẻ tuổi thường làm việc rất chăm chỉ và không có nhiều cơ hội gặp gỡ sau khi tan sở", Wu Di, một nhà nghiên cứu xã hội học vừa cho xuất bản một cuốn sách về đề tài này, nói với AFP.
"Mặt khác, người Trung Quốc xưa nay thường cho rằng con người nên "biết chấp nhận" khi kết hôn. Hôn nhân không bao giờ đồng nghĩa với hạnh phúc. Tuy nhiên phụ nữ ngày nay lại không thích chấp nhận. Nhiều người cảm thấy họ sống một mình vẫn tốt và không việc gì phải hạ thấp các tiêu chuẩn sống của mình để kết hôn", Wu nói tiếp.
"Áp lực từ mọi phía"
Mặc dù vậy, áp lực dành cho họ vẫn rất lớn. Nguyên nhân một phần là do chính sách một con của Trung Quốc làm cho các bậc phụ huynh luôn sốt sắng và mong muốn cô con gái duy nhất của họ sớm kết hôn và sinh con.
"Tôi đến câu lạc bộ này thật ra là vì tôi không muốn làm bố mẹ thất vọng. Tôi muốn làm cho họ vui", Xu thừa nhận.
Để thu hút thành viên tham gia, Garden of Joy cũng đặt ra một câu khẩu hiệu lớn ở lối vào với nội dung: "Bạn đang độc thân? Hãy nghĩ tới cảm giác của bố mẹ bạn. Đừng làm họ lo lắng nữa".
The Garden of Joy, được mở vào năm 2003, hiện có hai chi nhánh ở Bắc Kinh với hơn 12.000 thành viên. Sau khi dùng chiêu đánh đúng tâm lý lo sợ để dụ khách hàng, câu lạc bộ mang tới một bầu không khí thân thiện trong tầng hầm của một trung tâm thương mại cao cấp, nơi phụ nữ có thể gặp người chồng tương lai của mình với 80 hoạt động khác nhau.Họ có thể chơi tennis, đánh bi-a, xem phim hay tham gia các trò chơi ngoài trời như đi bộ cùng nhau. Thậm chí còn có một số buồng nhỏ cho các cặp đôi ngồi trong đó và cùng tìm hiểu nhau trong không gian riêng tư hơn.
Shelly, 34 tuổi, một tư vấn viên về quan hệ cộng đồng có học vấn cao vừa từ Mỹ về, là một trong những thành viên mới của câu lạc bộ.
Từ khi về nước, Shelly không dám đến thăm họ hàng, thậm chí là những bạn thân một thời, vì họ cứ muốn mai mối cho cô. "Tôi chịu áp lực từ mọi phía. Tôi có cảm giác mẹ tôi rất thất vọng và buồn về tôi mỗi khi bà nhìn thấy những đứa cháu của bạn mình", cô buồn bã nói.
Nhưng do không tìm thấy được đối tượng tiềm năng, Shelly lại chuẩn bị quay trở lại Mỹ để tiếp tục học thêm tấm bằng thạc sĩ thứ hai - chủ yếu vì cô muốn trốn chạy khỏi bạn bè, đồng nghiệp và người thân."Tôi nghĩ mình sẽ về Trung Quốc năm 40 tuổi. Tôi ước sao mình có thể trở thành một bà già ngay bây giờ, có thế họ mới để cho tôi yên", cô tâm sự.
Hướng Dương