Vợ chồng mình lấy nhau đã được 8 năm. Thời gian có lẽ chẳng phải là quá nhiều so với đời người, nhưng chắc cũng đủ để chúng ta hiểu biết về nhau. Em lại là một phụ nữ thông minh, nhạy bén. Thế nên khi em hãnh diện tuyên bố với anh và mọi người “ảnh làm gì, nghĩ gì tôi biết hết”, anh cũng chẳng phiền hà gì, thậm chí còn vui khi nghĩ mình có người vợ hiểu chồng, quan tâm sâu sắc đến chồng.Nhưng đó là lúc vui. Còn mỗi khi vợ chồng chúng mình mâu thuẫn, coi nhau, thì cái câu cửa miệng mà em thuộc nằm lòng anh ghét nhất là “Anh đừng có mà chối, tôi đi guốc trong bụng anh đấy”
Anh đi làm về, bao chuyện buồn phiền ở cơ quan, ngoài đường anh đều cố giấu vì nghĩ rằng cho em biết chỉ sợ em buồn, lo mà cũng chẳng giúp gì được cho anh. Thế mà vừa bước vào nhà, em đã nhìn anh chằm chằm y như rằng anh là người có lỗi, rồi giằng mâm, đập thớt với vẻ mặt “hình sự” nặng nề. Mải suy nghĩ công việc anh ăn cơm không ngon, em lại hằm hằm “Thái độ đó của anh là gì? Hay là đã ghé đâu đó ăn uống rồi mới về nhà, làm bộ ngồi vào mâm ăn. Món đó anh vốn thích, sao hôm nay lại không đụng đũa. Tôi còn lạ gì anh nữa”.
Lâu ngày tình cờ gặp lại bạn gái cũ ngày xưa, muốn em hiểu rằng mọi chuyện minh bạch, trong sáng, anh mời về nhà chơi em lại dằn vặt: “Anh tung hỏa mù chứ gì, có bao giờ anh mời ai về nhà chơi đâu? Hay là mời về để so sánh, để chứng minh với người ta điều gì? Nếu đã mời được đến đây rồi, thì mời đi đâu cũng có gì là khó".
Hạnh phúc gia đình đâu phải chỉ tính bằng tiền. Thế nhưng hễ anh góp ý về chuyện chi tiêu, mua sắm là em lại ầm lên: “Anh ỷ mình làm ra tiền, coi khinh người khác, muốn kiểm soát tôi chứ gì. Đã thế thì tiền ai nấy xài, tôi cũng có lòng tự trọng của tôi”. Thế là anh phải “thanh minh, thanh nga”.
Đồ đạc mua về, anh cũng chẳng muốn khen chê, mặc dù có thứ em đã bị “hớ hàng”, bởi chỉ cần cái chau mày, ngấm nghía kỹ là em lại “Anh tiếc tiền chứ gì? Không thích thì tôi mang trả vậy”. Nhớ có lần, thấy em mua máy xay sinh tố mang về cho ba mẹ dưới quê, thật tình anh góp ý, ở quê ai mà ăn đồ xay vì trái cây tươi ngoài vườn mang vào ngọt vỏ ăn liền ngon hơn. Thế mà em đã làm ầm ĩ :“Anh sợ tốn tiền cho ba mẹ tôi chứ gì hay khinh họ là người nhà quê".
Khổ nhất là khi em khẳng định đã “đi guốc, đi giày” thì coi như em không còn cho anh thanh minh, bào chữa gì hết. Muốn giành phần thắng về sự thông minh, nhạy bén của mình, em khăng khăng bắt anh phải thừa nhận những điều em nói là chính xác. Những đôi giày em đi, đôi nào cũng nhọn hoắt, có ngày nó đâm thủng hết tình yêu anh dành cho em, em tính sao?
(Theo Thế Giới Tiêu Dùng)