Ngày 30/12, thị trấn Dầu Tiếng chìm trong tang tóc khi có đến 4/7 gia đình các học sinh bị chết đuối trong chuyến tham quan Cần Giờ. Tại căn nhà nhỏ trong khu phố 2, thỉnh thoảng bà Lê Thị Út lại ôm ghì bức ảnh chân dung cháu ngoại Lê Hoàng Long vào lòng và bảo mong chuyện xảy ra với gia đình bà chỉ là cơn ác mộng.
“Mới trưa nó còn gọi về nhà nói là sẽ mua quà về tặng ba mẹ và em. Nó cũng hỏi ngoại thích gì để con mua về tặng ngoại. Nó là đứa cháu ngoan hiền, lễ phép và chăm học. Vậy mà sao con lại nỡ bỏ ngoại ra đi con ơi...”, cụ bà nấc nghẹn trong hơi thở đứt đoạn.
Bên ngoài khoảng sân vắng, Nguyễn Văn Giang (5 tuổi, em trai của Long) hồn nhiên đùa giỡn nhưng thỉnh thoảng lại níu bà ngoại hay những người xung quanh để hỏi: “Sao lại nhốt anh hai của con vào trong đó. Sao không cho anh Long ra chơi với con?". Không ai trả lời thằng bé nên nó lủi thủi ra ngoài, ngơ ngác nhìn về phía chiếc quan tài.
Theo những hàng xóm, bố mẹ của Long là anh Nguyễn Văn Tâm (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Phương (38 tuổi) đều là công nhân cao su thuộc Nông trường Đoàn Văn Tiến, thuộc Công ty Cao su Dầu Tiếng. Hàng ngày cả hai vợ chồng anh chị đều tất bật với công việc làm ở nông trường, rất ít có thời gian rảnh rỗi để đưa các con đi du lịch đây đó.
Kể từ lúc làm lễ khâm liệm cho Long, nhiều giờ liền chị Phương không rời xa cỗ quan tài có đứa con bé bỏng của mình. “Long ơi sao con không về với mẹ. Trả con lại cho tôi đi …”, người mẹ vật vã, đôi bàn tay cứ níu giữ áo quan khiến nhiều người rơi nước mắt. Còn anh Tâm chồng chị, gương mặt căng cứng như cố nén nỗi đau nhưng trong phút chốc nhắc đến con trai, anh bật khóc.
“Hôm nghe con về nài nỉ xin đi chơi cùng bạn, tôi cũng rất lo lắng vì chưa bao giờ để cháu đi xa một mình. Thấy con có kết quả học tốt cuối học kỳ 1 vừa qua, suy nghĩ mãi chúng tôi mới cho phép cháu đi cùng nhà trường. Hơn nữa nghĩ chuyến đi có bạn bè, thầy cô trông giữ nên gia đình cũng yên tâm. Số tiền 400.000 đồng cho con nộp đăng ký đi tham quan Cần Giờ, tôi cứ nghĩ nó như món quà để động viên tinh thần con trẻ sau những tháng ngày cháu học tập tốt”, anh Tâm nói.
Cách nhà Long không xa, không khí ảm đạm cũng bao trùm nhà em Nguyễn Phan Thanh Lâm (lớp 8A6). Nhiều bạn học của em ngồi nép vào nhau, hướng ánh mắt đỏ hoe về di quan của cậu lớp trưởng học giỏi, hiền lành của lớp.
Trong chuyến tham quan Chiến khu Rừng sác Cần Giờ, lớp 8A6 chỉ có Lâm và 2 bạn học cùng lớp là Lê Công Hậu, Đoàn Minh Tâm. Nhưng cả 3 em đều đã tử nạn. “Bạn ấy nhiều năm liền là học sinh giỏi, rất hòa đồng với bạn bè và sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong việc học. Từ nay lớp 8A6 chúng con sẽ vĩnh viễn mất đi người lớp trưởng giỏi giang và dễ mến…” em Huỳnh Thị Minh Loan khóc nghẹn khi nói về người thủ lĩnh học giỏi, hiền lành của lớp.
Thẫn thờ trong đám tang con trai Lê Tường Duy (học sinh lớp 9A6), anh Lê Văn Tấn cho biết, khác với các gia đình được nhà trường đưa đến hiện trường chờ thông tin, tìm kiếm thi thể các em, vợ chồng anh mãi đến 17h ngày 29/12 mới nhận được hung tin. Lúc đó anh luống cuống mãi mới thuê được xe vượt hơn 100 km đến bãi biển Cần Giờ ngóng chờ tin tức của con đang được lực lượng cứu hộ tìm kiếm. Còn vợ anh, chị Trần Thị Nhàn đã ngất xỉu nhiều lần nên mọi người không cho chị đến hiện trường. Kể từ lúc đưa thi thể con về nhà, chị lại ngất lên ngất xuống.
"Hai tháng trước thằng Duy nhiều lần nói rằng 'con nhớ mẹ nhiều' vì chị phải đi làm xa. Tôi vừa xin nghỉ hưu non, để có thể gần gũi, chăm sóc cho con thì lại ra nông nỗi này. Mẹ con tôi còn chưa được hưởng những ngày ấm áp bên nhau mà", chị Nhàn bật khóc.
Con đường dẫn vào nhà em Đoàn Minh Tâm nằm heo hút trong con hẻm khá sâu với hàng cây cao su đang rũ những chiếc lá vàng. Anh Đoàn Tấn Được cho hay, kể từ lúc nghe hung tin, gia đình đã tìm cách giấu ông nội của Tâm vì ông đang tuổi cao sức yếu. Thế nhưng cuối cùng ông vẫn biết sự thật đau lòng này. "Sáng nay chúng tôi phải mời bác sĩ đi cùng, chuẩn bị thuốc men để đưa ông đi gặp mặt đứa cháu nội lần cuối”, anh Được nói.
Trong ngày, UBND tỉnh Bình Dương, huyện Dầu Tiếng và các đoàn thể đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ cho mỗi gia đình các học sinh bị nạn 19 triệu đồng. Chính quyền huyện Cần Giờ, TP HCM cũng đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ cho mỗi gia đình các học sinh bị nạn 5 triệu đồng.
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, vẫn đang chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng để làm cơ sở để xem xét, kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm chính dẫn đến vụ việc đau lòng. Cũng theo ông Phương, đây sẽ là bài học rất lớn cho ngành giáo dục tỉnh, nhất là đối với các trường học trên địa bàn trong việc tổ chức đưa học sinh đi tham quan, du lịch trong thời gian tới.
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Giáp, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn ở lại hiện trường để phối hợp cùng cơ quan chức năng dựng lại hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến nhóm học sinh bị đuối nước dẫn đến cái chết thương tâm của các em.
Theo báo cáo của nhà trường, chuyến đi của đoàn có 96 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Giáp cùng đi với đoàn gồm 14 giáo viên, trong đó có 5 nữ. Hầu hết các giáo viên đang giảng dạy ở tổ bộ môn Sử - Địa.
Trưa 29/12, nhóm nam sinh trong đoàn tham quan gần 100 người của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, tắm tại bãi Phi Long thuộc bãi biển 30/4 Cần Giờ thì bất ngờ bị nước dâng cao, cuốn 7 em ra xa. Phát hiện sự việc, các học sinh khác hốt hoảng báo cho giáo viên và lực lượng cứu hộ, song không tìm được em nào. Đến hơn 17h, thi thể nam sinh đầu tiên mới được tìm thấy. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, đoàn học sinh là những em đạt thành tích tốt trong học kỳ 1, được Khoa Sử - Địa chọn đi tham quan chiến khu Rừng Sác kết hợp vui chơi tắm biển Cần Giờ. Để tổ chức chuyến đi này, nhà trường đã phối hợp với công ty du lịch Hưng Phát (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). |
Tuệ Mẫn