Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, Dương Đức Tuấn, cho biết sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, đây là thời điểm mang tính lịch sử khi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và của Hà Nội đi vào hoạt động. "Tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng chín tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng tại thủ đô, tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng, góp phần giảm ùn tắc nội đô", ông Tuấn nói.
Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt phục vụ miễn phí. Những ngày đầu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy sáu đoàn tàu với thời gian 10 phút mỗi chuyến. Sau sáu tháng, tàu sẽ chạy 12 đoàn với tần suất sáu phút mỗi chuyến và một đoàn tàu dự phòng.
Hành khách sử dụng thẻ từ quẹt trước khi lên tàu. Sau thời gian miễn phí, giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng mỗi lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng (giá qua cửa) với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày 30.000 đồng mỗi người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng mỗi người cho hành khách phổ thông, 100.000 đồng mỗi người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp. Người lao động tại văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, áp dụng giá 140.000 đồng/người/tháng. Hà Nội miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.
Ông Tuấn cho biết dự án được vận hành qua ba giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công, an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000 km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng. Giai đoạn hai từ ngày 6/11, kéo dài khoảng một năm, sau đó đánh giá, đủ kiều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn ba - khai thác vận hành bền vững.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), đến nay, công ty đã cập nhật toàn bộ khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số nhân sự khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 733 nhân viên.
Ông Trường cho biết trong sáu tháng đầu, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành theo tần suất từ thấp tới cao để phù hợp thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Các đoàn tàu chạy từ 5h30, đóng lúc 23h hàng ngày, tần suất chạy tàu 10 phút mỗi chuyến. Sức chở tối đa 960 người một đoàn, cao nhất có thể đạt 1,02 triệu người mỗi ngày.
Với kết nối xe buýt, dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt. Trong tương lai, thành phố sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
"Hiện không có chỗ bố trí cho khách đi ôtô cá nhân gửi xe để đi tàu nhưng có 12 ga bố trí chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu. Hành khách đi tàu được bảo hiểm khi có tai nạn như với xe buýt, tàu hỏa, máy bay", ông Trường nói.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD), khởi công xây dựng từ tháng 10/2011. Năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.
Nguyễn Ngoan