Qiu, ngoài 40 tuổi, từng được giao phụ trách các dự án gần nhà từ khi bắt đầu làm việc cho một công ty quản lý bất động sản hồi tháng 9/2011. Tuy nhiên, sau khi Qiu nghỉ sinh con hồi tháng 9/2020, mọi việc thay đổi.
Lúc quay lại với công việc, Qiu được thông báo vị trí ban đầu của cô không còn, công ty cho biết cô sẽ phải quay lại các nhiệm vụ trước đây nhưng là với một dự án khác, cách nhà 30 km. Điều này đồng nghĩa Qiu phải mất 4 tiếng đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Do đang còn cho con bú, Qiu từ chối chấp nhận sự sắp xếp mới này.
Qiu đã hy vọng nghỉ việc trong thân thiện và nhận được khoản bồi thường tương xứng. Tuy nhiên, phía công ty khẳng định cô nhận vị trí công việc này và cuối cùng chấm dứt hợp đồng với cô, lấy lý do cô "bốn lần vắng mặt liên tiếp".
Qiu tức giận đệ đơn kiện, tin rằng công ty đã vi phạm luật lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cô.

Qiu bị công ty chuyển công việc và phải đi làm cách nhà 30 km sau khi nghỉ sinh. Ảnh minh họa
Tại phiên tòa, công ty lập luận vị trí ban đầu của Qiu bị hủy bỏ vì những lý do chính đáng và họ chỉ có thể chỉ định lại cô cho một dự án khác, đồng thời hỗ trợ phụ cấp đi lại cho cô.
"Công ty đã thông báo cho Qiu nhiều lần, nhưng cô ấy không báo cáo nhiệm vụ cũng như không xin phép. Sự vắng mặt của Qiu đã vi phạm các quy định của công ty, dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động của cô ấy một cách hợp pháp", công ty nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tòa án ủng hộ Qiu, phán quyết rằng việc đơn phương phân bổ lại công việc và chấm dứt hợp đồng do vắng mặt vô cớ trong khi nhân viên đang trong thời gian nuôi con mới sinh cấu thành hành vi chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp. Do đó, tòa án yêu cầu công ty phải trả cho Qiu số tiền bồi thường là 88.244 nhân dân tệ (12.500 USD).
Bất chấp phán quyết trên, nhiều người vẫn tiếp tục bày tỏ sự lo lắng và bất bình về cách đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc.
"Có vẻ như cô ấy đã chiến thắng, tuy nhiên, ở độ tuổi 40, liệu có dễ dàng tìm được một công việc khác không?", một người bình luận.
"Nếu quyền cơ bản về việc làm được đảm bảo cho phụ nữ mang thai không được giải quyết và văn hóa doanh nghiệp không được chấn chỉnh, việc sinh con về cơ bản đồng nghĩa với thất nghiệp", người thứ hai nói.
"Một mặt, nơi làm việc yêu cầu phụ nữ không nên sinh con vì điều đó ảnh hưởng đến công việc của họ. Nhưng mặt khác, chúng tôi liên tục nghe thấy những lời phàn nàn về tỷ lệ sinh thấp. Giá trị sức lao động của những người nội trợ toàn thời gian chưa bao giờ được nhìn nhận đúng mức. Tôi thực sự không biết họ mong đợi điều gì ở phụ nữ. Làm phụ nữ thật khó", một người khác nói thêm.
Những câu chuyện về việc ngược đãi phụ nữ tại nơi làm việc không phải là hiếm ở Trung Quốc. Ba tháng trước, sau khi nghỉ thai sản, một phụ nữ phát hiện ra rằng vị trí ban đầu của mình đã có người khác thay thế.
Sau khi cô từ chối cả ba vị trí thay thế được đề nghị, công ty quyết định không gia hạn hợp đồng với cô. Sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, cô đã nhận được 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) tiền bồi thường.
Một số nhà quan sát trên mạng xã hội cho rằng khoản chi phí chắc hẳn đã nằm trong tính toán của công ty.
Hướng Dương (Theo SCMP)