Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện K Hà Nội. |
Có mặt ở Khoa Chống đau, Bệnh viện K, nơi tiếp nhận những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chúng tôi chứng kiến một bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, bị suy gan nặng do dùng mật gấu bừa bãi.
Theo thạc sĩ Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau, nhiều chị bị ung thư vú đã giấu chồng con đắp lá nóng triền miên, khiến da bị hoại tử. Thậm chí có người không hiểu nghe ai mách, đắp cả asen, thủy ngân khiến da bị lở loét đến mức hở cả động mạch.
Thay vì bệnh thuyên giảm, không ít bệnh nhân ung thư tự ý dùng thuốc vào Khoa Chống đau lại phải chuyển ngược sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị các tổn thương trầm trọng do những bài thuốc kiểu lang băm.
Rất nhiều cụ ông, cụ bà đã điều trị ở Khoa Chống đau hàng năm trời vẫn không hề biết mình bị ung thư, do con cháu giấu bệnh. Trong bệnh viện, người ta có thể thấy, ngoài thuốc theo chỉ định của bác sỹ, bên giường bệnh nào cũng lỉnh kỉnh phích, ấm, chai lọ thuốc do người nhà bệnh nhân tự "nghiên cứu", tìm mua, pha chế, sắc.
Tài liệu thuốc điều trị ung thư cả chính thống và không chính thống cũng được chuyền tay nhau và bàn tán khá sôi nổi. Tuy nhiên, các loại thuốc không chính thức này liệu có tác dụng điều trị ung thư không hay vô tác dụng, thậm chí gây hại cho người bệnh là điều rất khó xác định. Chưa kể có nhiều loại rất đắt tiền như sừng tê giác (giá "chợ đen" khoảng 20 triệu đồng/g), sâm, mật gấu…
Cụ ông H. (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bị ung thư phế quản, chỉ trong vòng một năm nay, cụ đã dùng hàng chục loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư, bổ dưỡng…
Cụ đã uống nước bánh linh chi - bạch hoa xà, thuốc từ cây sạ đen, nước lá đu đủ, canh dưỡng sinh, nước trái nhàu nhập khẩu từ Mỹ, nước flen, hồng sâm Hàn Quốc.
Các loại thuốc, nước uống trên đều được con gái cụ tìm đọc qua sách báo, Internet, hoặc có người mách. Cụ bà N. (Quỳnh Phụ, Thái Bình) dùng thuốc dạng nước của ông lang Q. ở Bách Khoa, Hà Nội trong vòng hơn 1 năm.
Khẳng định là thuốc chữa ung thư, nhưng không hiểu sao cứ mỗi chai thuốc giao cho bệnh nhân, ông lang Q. lại… uống một ngụm để chứng tỏ thuốc… không độc.
Cũng theo Thạc sĩ Đoàn Lực, hầu hết bệnh nhân ung thư vào đây đều đã đi chạy chữa nhiều nơi. Hiện nay có hai dạng thuốc điều trị ung thư không chính thống bị lạm dụng phổ biến:
Một là các loại thuốc được phép lưu hành trên thị trường, tuy chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư hoặc nâng cao thể trạng, nhưng các nhà kinh doanh đã cố tình quảng cáo để người bệnh hiểu lầm thành thuốc điều trị ung thư. Nhiều bệnh nhân đang tìm gặp, gọi điện hỏi bác sỹ Lực về một loại sâm có giá hơn 6 triệu đồng/hộp bị lầm tưởng là chữa được ung thư.
Hai là các bài thuốc không chính thức của các thầy lang hành nghề không hợp pháp. Chính việc sử dụng bừa bãi các bài thuốc này đã làm nhiều bệnh nhân ung thư phải chịu những hậu quả đáng tiếc.
Trong đó, phổ biến nhất là làm mất thời cơ điều trị, bệnh nhân từ chỗ chỉ định mổ được thành không mổ được, từ điều trị khỏi thành điều trị kéo dài, từ điều trị kéo dài thành tử vong rất nhanh. Người bệnh thường có tâm lý che giấu hoặc "ngại" nói với bác sỹ về các loại thuốc đã dùng cũng gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Ông Lực phân tích, quan niệm ung thư trong Đông y và Tây y có sự khác biệt. Tây y chỉ xác định là ung thư khi xuất hiện tế bào ung thư, còn trong Đông y, ngoài các u ác tính thì áp xe da, phổi, các tổn thương gây vỡ mủ… hoàn toàn có thể chữa khỏi cũng được coi là ung thư.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Lực cho biết thêm, các cơ sở Đông y chính thống và các bác sỹ Đông y, thầy lang có hiểu biết không lạm dụng điều này, chỉ có các "lang băm" mới tìm cách đánh lừa người bệnh để trục lợi.
Nguy hiểm hơn, Tây y đã xác định có tới hơn 200 loại ung thư khác nhau, nhưng các "lang băm" thường chỉ có một "bài thuốc" và cứ thế tùy tiện áp dụng cho mọi bệnh nhân ung thư.
Thạc sĩ Đoàn Lực cho biết: "Nhiều người quan niệm 'ung thư nghĩa là chết' là không đúng. Ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống đáng kể. Hiện nay có nhiều loại ung thư được tiên lượng rất tốt như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư vòm…
Còn về các bài thuốc điều trị ung thư không chính thức, chúng tôi không thể cấm mà chỉ khuyên bệnh nhân không nên dùng khi cơ thể đang yếu mệt, có biến chứng hoặc đang có các triệu chứng rầm rộ".
Nhìn chung việc dùng thuốc cho bệnh nhân ung thư cần có ý kiến của bác sỹ, hoặc liên hệ với số điện thoại trực tư vấn ung thư 04.9344138 của Bệnh viện K.
(Theo Công An Nhân Dân)