Thứ tư, 24/1/2024, 09:19 (GMT+7)

Dựng lều trông hoa Tết trong đêm rét 8 độ C ở Hà Nội

Nhiều tiểu thương dựng lều bạt, mang theo chăn màn bếp núc để tiện canh giữ những chậu hoa ngoài vỉa hè vì sợ mất trộm.

Khoảng một tuần nay, trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, đã xuất hiện hình ảnh tiểu thương dựng lều và che bạt để nghỉ ngơi ngay ngoài vỉa hè để chăm cây và trông cây cảnh bán Tết.

Tối 23/1, thời tiết Hà Nội rét đậm nhưng nhiều người ở lại lều để canh hoa. Tại chợ hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, đây là một trong những điểm bán cây cảnh sầm uất nhất trong thủ đô vào dịp Tết. Những người buôn quất phải dựng lều tạm chỉ vừa đủ cho hai người ngủ và thay phiên nhau thức nhau trông cây cảnh.

Thời tiết những ngày qua ở Hà Nội về đêm rất lạnh. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đây là đợt rét đậm, rét hại thứ hai trong mùa đông 2023-2024. Đợt đầu ngày 17-27/12/2023, Mẫu Sơn xuống âm 2,5 độ C, thấp nhất trong 11 năm qua.

Dự kiến, đợt rét này kéo dài tới hết 28/1, trong đó hai ngày 22-23/1 rét nhất: đồng bằng thấp nhất dưới 10 độ, trung du dưới 7 độ và vùng núi cao dưới 0 độ C.

Anh Đỗ Trọng Chung ngồi chơi điện thoại trong lều để canh quất cảnh. Anh mua lều ngủ du lịch với giá 300.000 đồng. 'Tôi ngồi trực đến 12h đêm sau đó có người khác thức trông hộ. Ngủ trong lều kín gió nên không cảm thấy lạnh lắm', anh Chung cho biết.

Anh Đào Văn Tú cho biết đã ở đây để bán cây cảnh được gần một tuần. 'Tôi chủ yếu bán loại đào dáng huyền cỡ nhỏ giá từ 2-3 triệu đồng thay vì loại to giá trị cao như mọi năm. Đêm tôi nay tôi ngồi trực xuyên đêm và ngủ bù vào sáng hôm sau', anh Tú nói.

Anh Hồng Thái kinh doanh quất cảnh ở chợ hoa Lạc Long Quân gần 15 năm. 'Năm nay tôi mang 200 gốc quất ra chợ để bán. Thời tiết hanh khô, lạnh khiến cây thiếu nước, lá yếu hơn so với bình thường. Cùng với tôi còn 3 người nữa, mỗi người thường ngủ từ 2-3 tiếng sau đó đổi ca thức trông cây', anh Thái chia sẻ.

Căn lều của anh Hải Đăng rộng khoảng 3 m2, làm bằng khung sắt, xung quanh dược che bạt kín mít. Bên trong anh dựng tấm gỗ, bên trên đặt tấm đệm làm giường. Anh mang theo chăn, gối, pin sạc dự phòng để ngủ qua đêm.

'Năm nay, tôi vận chuyển từ huyện Ba Vì mang lên đây khoảng 300-400 chậu hoa nhất chi mai có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng trở lên. Hiện tại sức mua khá ít, mỗi ngày tôi chỉ bán được 1-2 chậu. Tôi bán đến 30 Tết, nếu chậu hoa vẫn còn sẽ mang về vườn trồng lại, việc này sẽ tốn nhiều công sức và độn thêm chi phí', chị Oanh nói.

'Tôi kinh doanh quất vào dịp Tết ở đường Lạc Long Quân được 6 năm. Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người bán cũng như cây cối ủ rũ không được tươi tốt. Chúng tôi thay phiên nhau ngủ tại chỗ trông hoa còn thức ăn mua sẵn ngoài chợ, sau đó mang về nấu nóng cho nóng', anh Hoàng Văn Toàn (trái) cho biết.

Giữa đêm, anh Lý Văn Chương tranh thủ tưới nước cho cây cảnh được tươi tốt. 'Tầm này mọi năm đã nhộn nhịp người mua hoa. Giá cả sẽ tùy thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường nhưng có thể sẽ giảm hơn so với năm ngoái', anh Chương chia sẻ.

Lúc 22h30, tại một điểm bán hoa khác trên phố Hà Nội, một nhóm tiểu thương dùng bữa tối muộn. Họ mang theo cả bàn ghế, chăn chiếu, dụng cụ ăn uống, bình nước lọc... để nấu ăn dã chiến.

23h các xe hàng nhộn nhịp đổ về đây, nhân viên tất bật vận chuyển.

Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới