Từng một thời “gắn bó” với “cơm hàng, cháo chợ” nên V. chẳng ngần ngại “quất tới”, dù “cơm bụi” đó nằm ở vỉa hè Quang Trung (Đà Nẵng) trước kia hay các hàng quán được bày bán trong nhà sau này. Quan trọng là bữa ăn để V. cảm thấy “đủ no” và nhất là, vừa vặn với khoản lương nhạc công piano mỗi tháng của mình.
Không chỉ V., phải đến hàng nghìn người, với mọi thành phần, từ anh cán bộ đến chị viên chức lẫn những người lao động bình thường khác, vẫn đều đều “gắn bó” cùng “cơm bụi”. Có hàng tỷ lý do để giải thích về nhu cầu “cơm bụi”.
T., một lái xe của hãng Mai Linh, cho biết: ”Cứ vào những ngày có giờ làm việc như thế này, bọn em ăn “bụi” là bình thường. Muốn hay không cũng đành chịu bởi công việc đòi hỏi cánh lái xe bọn em phải thường xuyên có mặt trên đường…”, K.C., nhân viên của một ngân hàng ở trung tâm thành phố, cũng không xa lạ với quán Bin. Do nhà xa và muốn có nhiều thời gian nghỉ trưa hơn nên C. chọn giải pháp “cơm bụi” nửa ngày như lâu nay.
Lắm anh chàng độc thân như Q., một nhân viên quản trị mạng, lại có lý do “tế nhị” hơn :”Trưa về phải chui vào bếp tự nấu nướng rồi ăn uống một mình, chán chết! Đi “làm đại” miếng “cơm bụi” kiểu này mà khỏe hơn”. Thực tình, “ăn bụi” cũng thú vị khi ở đó, có thể thấy được một xã hội thu nhỏ với sự đa dạng về sở thích, lối sống, điều kiện kinh tế… Nói thì vậy song giá cả của các quán “cơm bụi”, dù đắt cỡ nào cũng chỉ ở giới hạn tối đa chừng 15.000-20.000 đồng/phần. Nếu không, vẫn có thể chọn lựa cơm đĩa với giá 5.000 đồng/đĩa. Song nếu một lần nào đó, những ai thường ăn “cơm bụi” - và là một phần của thức ăn đường phố - được nghe phân tích của những nhà quản lý về y tế, hẳn sẽ giật mình.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, chỉ riêng Đà Nẵng trong giai đoạn 2000-2006, đã có 6 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố, số người bị ngộ độc là 114/378 người và tỷ lệ số vụ và số mắc ngộ độc thực phẩm do loại hình thức ăn đường phố ở Đà Nẵng gấp từ 2 đến 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Và dù chưa có tử vong do ngộ độc thực phẩm nhưng các bệnh lây truyền qua thực phẩm như tả, lỵ trực khuẩn, lỵ a-míp, thương hàn, tiêu chảy… cũng khiến sức khỏe của hơn 35.000 lượt người bị mắc trong giai đoạn 2000-2006 chịu những tác động xấu.
Trong 287 hàng quán cố định, hàng quán vỉa hè, người bán rong… tại 6 cụm phường điểm được điều tra, có 20% thực phẩm được chế biến từ nơi khác mang đến và trong số 54,5% thực phẩm được chế biến tại chỗ có đến 24% được để trên nền đất chế biến. Như thế, chẳng ai dám khẳng định các loại thực phẩm này không bị nhiễm khuẩn.
Qua xét nghiệm của ngành Y tế với các mẫu thực phẩm chín ăn ngay, nhóm thực phẩm bún - mì - phở đều có nhiễm coliform (48,3%) và E.Coli (28,4%); chẳng hạn, thịt chín ăn ngay có 31,7% nhiễm coliform và 25% nhiễm E.Coli. Hay nói như Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, thì: "Hàng ngày, chúng ta đối mặt với 53,3% nguy cơ ô nhiễm về mặt vi sinh vật trên thực phẩm ăn ngay. Điều đó có nghĩa, hơn 50% người tiêu dùng hàng ngày luôn đối diện với các bệnh truyền qua thực phẩm và có nguy cơ ngộ độc thực phẩm bất kỳ lúc nào”.
Cũng theo một số liệu khảo sát của ngành Y tế (đến cuối tháng 12-2006), chỉ có 91,1% hàng quán có đủ nước sạch, 95,2% có kẹp gắp thức ăn, 84,8% có tủ… và chỉ có 56,5% người chế biến, kinh doanh có đi khám sức khỏe, 62,5% có tạp dề, 33,4% có khẩu trang… Với hình ảnh một người chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố dùng tay…bốc thức ăn bỏ vào từng đĩa cơm hoặc các “thượng đế” phải dùng chén, bát…chưa được rửa sạch, quả đáng lo cho sức khỏe của những “bạn hàng” “cơm bụi”. Chưa nói đến những quán “cơm bụi” nằm bên miệng cống, ở cạnh ao tù, ven các tuyến đường… thường xuyên hứng chịu cảnh ruồi nhặng, mùi hôi thối lẫn những cơn lốc bụi mù… Cho nên, người ăn “cơm bụi” thường xuyên đành trông chờ vào…may - rủi bởi nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn song hành cùng “cơm bụi”.
(Theo Thanh Niên)