![]() |
Ảnh minh họa. |
Mẹ phải chăm lo cho bà nội, các con mình, lại phải nuôi thêm dì nằm đẻ. Trời không thương ba hay muốn chứng minh cho ba biết lỗi không phải hoàn toàn ở mẹ, dì đẻ thêm một đứa con gái nữa. Ba suốt ngày rượu chè, cáu bẳn. Các chị thứ sáu, thứ bảy của tôi tiếp tục cất tiếng khóc chào đời trong nỗi chán chường, thất vọng của ba và cả dòng họ.
Rồi niềm vui cũng hé nở trong ngôi nhà của tôi. Mẹ sinh được một người con trai. Mẹ bớt khổ hơn một ít. Tuy vậy, ở một gia đình đông con, làm gì có đủ cơm trắng ngày hai bữa, "ăn khoai nóng ruột", với lại ba muốn có thêm một thằng cu nữa. Đó là nguyên nhân sự có mặt của tôi trên cõi đời này. Nhưng tôi lại là một "con vịt giời". Một đứa con không ai mong đợi.
Hôm trở dạ cũng như tám lần sinh trước, mẹ thui thủi vượt cạn ở nhà. Ba đi chặt củi trong rừng, vừa về đến ngõ nghe bà đỡ nói mẹ lại sinh con gái, ba vứt chịch gánh củi ngay giữa đường, bỏ đi uống rượu.
Các chị gái tôi đang làm cỏ ngoài đồng nghe mẹ sinh em gái liền ôm nhau khóc rống lên. Cả không gian nhuốm màu tro bếp. Chị cả, chị hai không thèm nhìn mặt mẹ và tôi vì xấu hổ với bạn bè.
Năm sinh tôi, mẹ đã 43 tuổi. Suốt mấy ngày liền chỉ có mẹ và tôi trong góc bếp, bên cái chuồng lợn ngai ngái phân. Thức ăn của mẹ chỉ là cơm độn sắn trộn với muối tiêu. Tôi khóc ngặt nghẽo vì khát sữa. Mẹ khóc nghẹn ngào vì thương phận mình. Rồi các con gái của mẹ nữa, mai đây...
Tôi còi cọc sống nhoi lên giữa bộn bề vất vả. Nhà nhiều chị, nhưng các chị chỉ bồng anh trai tôi. Còn tôi lê lết giữa đất. Mỗi khi có con cá con tép mẹ bắt ở ngoài đồng về cũng dành phần cho anh.
Quần áo của tôi chỉ là những đồ cũ thừa hưởng lại của các chị. Ký ức sót lại trong tôi là những bữa cháo rau má đắng nghét. Một bát tấm pha loãng trong nồi nước rồi băm rau má cho vào, xanh lét, đắng đến tận cổ. Tôi xin mẹ múc một nửa bát cháo trắng đừng có rau má, thấy giọt nước mắt mẹ hòa vào nồi cháo đang sôi lủng bủng. Cả chín chị em tôi không ai được học quá cấp II. Mỗi người làm mỗi việc phụ giúp ba mẹ. Tôi cũng nghỉ học khi vừa tốt nghiệp xong lớp 9.
Một lần vào rừng chặt củi, khi về, dốc cao, bó củi nặng, chiếc xe của tôi ngã chổng kềnh. Tụi bạn phụ dựng lên rồi quên dắt cây rựa vào. Về đến nhà, đói, khát, mệt muốn đứt hơi, nhưng bị ba quát thế là tôi quay xe lại đạp một mạch vào rừng để tìm cây rựa. Trời tối om. Đói. Sợ. Tôi òa khóc, cố khóc thật to để át đi âm thanh rùng rợn của sự hoang vu chết chóc nơi này. Sau hôm đó, tôi giận ba suốt một tuần liền, không ăn cơm. Tôi thấy hận ba vô kể. Tại sao ông lại đối xử với tôi như thế?
Tôi vẫn đi mò cua bắt ốc, hái rau, chặt củi, làm thuê để kiếm tiền nhưng không đưa cho ba mẹ. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu: ba mẹ sinh tôi ra nhưng có thương tôi đâu? Nỗi đau ấy thấm sâu vào tiềm thức của đứa "vịt giời" không được chấp nhận là tôi.
Nghỉ học năm năm, làm lụng, nỗi vất vả làm tôi hiểu được giá trị của cái chữ. Cứ như thế này mãi rồi cũng giống các chị gái, giống mẹ tôi thôi. Lúc đó, bảy chị gái tôi đã theo chồng, vẫn đầu tắt mặt tối với ruộng đồng. Anh trai tôi đi làm thợ xây, chỉ đủ nuôi bản thân anh. Tôi quyết định đi học tiếp. Lập tức cả nhà phản đối. Vì tôi là con gái, học hành làm gì. Vì nhà tôi không có tiền.
Tôi đi làm ban ngày lấy tiền học bổ túc ban đêm. Năm 2003, tôi đỗ hai trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Đó là ĐH Sân khấu điện ảnh và ĐH Văn hóa Hà Nội. Tôi đậu đại học ai cũng hãnh diện, nhưng một lần nữa tôi bị phản đối. Tôi quyết tâm đi học.
Nhưng cuộc sống không bao giờ bằng phẳng. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng cũng không nuôi nổi mình. Hồi còn ở nhà, tôi chỉ lo tiền học, tiền sinh hoạt. Còn bây giờ trăm thứ đều cần đến tiền. Người tôi xanh xao, gầy mòn đi.
Những lần về nhà thấy ba mẹ tay run run cầm những đồng xu dành dụm trong túi nilông đưa cho tôi, nói: "Tha lỗi cho ba mẹ. Cố lên con. Con là niềm tự hào của ba mẹ”, tôi thật xót xa cả oán trách.
Nhưng không phải oán trách ba mẹ, mà là oán trách bản thân mình. Thì ra ba mẹ thương tôi lắm, những gì xảy ra trước đây chỉ vì hoàn cảnh, vì cái nghèo cái khổ mà ra. Chứ ai đẻ con ra mà không thương.
Nước mắt tôi trào ra. Bằng tuổi tôi, 25 tuổi, các bạn đã có lương để nuôi bố mẹ. Vậy mà tôi vẫn phải ngửa tay lấy những đồng bạc mồ hôi, cực nhọc từ hai mái đầu muối tiêu, lưng còng. Tôi đang học năm thứ ba, đến năm 2009 mới ra trường. Hơn lúc nào hết, tôi mong đến ngày có được việc làm để nuôi dưỡng ba mẹ. Thời gian đang đuổi tuổi của ba mẹ. Phải! Thời gian không còn nhiều nữa.
(Theo Tuổi Trẻ)