![]() |
Áp phích quảng cáo phim. |
Trước khi công chiếu, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn không ngừng lên các báo kể khổ: nào chuyện mua phải thuốc nổ dỏm, nào chuyện không có xe cứu hỏa, nào chuyện diễn viên nữ không sang Pháp được (nhưng đoàn phim vẫn cứ đi); sang Pháp thì không có giấy phép quay phim, đoàn làm phim phải ăn mì tôm... và cho thấy tiền tỷ của Nhà nước trang trải cho một ê-kíp làm phim không hề có tính toán trước, đụng đâu làm đó một cách khá tùy tiện.
Theo Công an TP HCM, chắc chắn đạo diễn sẽ nghĩ rằng, khán giả hoàn toàn choáng ngợp trước cảnh đánh trận Điện Biên Phủ được dàn dựng kỹ xảo tận Thái Lan, với máy bay, xe tăng bắn phá cháy nổ long trời lở đất. Phải công nhận một điều rằng, mặc dù máy bay trông như trong trò chơi điện tử, lửa cháy ngọn nào giống ngọn nấy, những cảnh đại chiến khá quy mô, với lực lượng diễn viên quần chúng hùng hậu... nhưng tất cả những thứ này không thể tạo chút cảm xúc rung động cũng như tạo cảm giác cuộc chiến đang rất khốc liệt nào vì cách quay và dàn dựng còn khá thô sơ cũng như không ăn nhập gì mấy vào câu chuyện phim. Chưa kể chuyện làm phim khá ẩu khi thỉnh thoảng lại thấy đèn chiếu sáng của đoàn phim lọt vào khung hình…
Đường dây câu chuyện là cuộc dạo bộ lòng vòng của ba nhân vật chính: anh bộ đội Điện Biên tên Bạo, anh hàng binh Pháp Béc-na và cô y tá Mây. Bắt được người lính Pháp Béc-na, Bạo được cấp trên giao nhiệm vụ giải hàng binh về hậu cứ. Trên đường đi Béc-na bị thương do máy bay Pháp thả bom, và cô y tá Mây xuất hiện. Anh Bạo yêu cô Mây ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh Béc-na chắc cũng yêu cô Mây sau khi được cô chăm sóc vết thương. Cảnh để lại ấn tượng nhất trong bộ phim chính là khi cả ba người ngồi ngâm chân trong vũng nước, Bạo nhìn Béc-na dò xét, sáu bàn chân nhúc nhích thẹn thùng... Rồi đang trên đường đi từ chiến trường về hậu cứ, Béc-na bỗng nhận ra cuộc chiến của nhân dân Việt Nam là chính nghĩa khi anh chứng kiến nhiều ngư dân vô tội chết.
Bộ phim được ca ngợi rằng có nghệ thuật đương đại với múa sắp đặt, múa hiện đại của Ea Sola. Những tưởng khi đem những thứ nghệ thuật ấy vào phim sẽ nâng tầm nghệ thuật bộ phim lên? Tiếc thay, nó trở thành tấn hài kịch kệch cỡm khiến khán giả - dẫu lịch sự và nghiêm trang, cũng không nén nổi một cái cười nhếch mép, trong khi đám con nít đi xem đã té lăn xuống ghế vì cười khi phải chứng kiến những thân thể vặn vẹo trong vở múa Ký ức Điện Biên hoàn toàn lạc tông, lỏng chỏng với tổng thể bộ phim. Nào đã hết, kết thúc phim, Béc-na còn phải kéo bè chở chiếc xe kéo pháo thủy tinh, còn Mây thì đứng múa trên mặt sông Seine - vừa thô thiển, vừa lố bịch.
Sự ngô nghê thể hiện ở việc nói về đại thắng Điện Biên của ta chỉ nhờ vào vài ba bản vẽ của một anh hàng binh Pháp và vào mẩu đối thoại ngắn ngủi của hai vị chỉ huy: “Tôi nghĩ mình nên làm thế này”, “Ừa, thế thì làm đi!”... mà không tính toán chiến lược quân sự. Hoặc sự vụng về khi tạo ra tình tiết thể hiện sự tốt bụng dễ thương của Béc-na khi anh chăm sóc Mây trong rừng, mà không hề đặt ra một vấn đề vô cùng quan trọng: tại sao lại để cô y tá Việt Nam nhỏ bé, không vũ khí trong tay đi cùng một tên hàng binh Pháp to xác vào rừng? Đã thế, sau này còn nghi ngờ cô Mây với anh hàng binh mà chẳng ai quan tâm rằng cô ta có thể bị hàng binh Pháp giết chết trong rừng, bỏ trốn và làm lộ bí mật quân sự của quân ta. Hay cả tình tiết khiến Vân, cô cháu gái của Bạo và Mây, bị điên (ngã từ trên lầu xuống mà không gãy tay gãy chân, lại bị điên, kiểu điên như Súy Vân giả dại) để tạo điều kiện cho Béc-na trả ơn đưa Vân sang Pháp chữa trị. Ngộ thay, trên thực tế, cô diễn viên trong vai Vân lại không được sang Pháp để quay, nhưng cả đoàn phim thì cứ đi!
Sự đuối sức của đạo diễn càng thể hiện rõ nét hơn ở những cảnh cuối phim. Trong khi khán giả mong chờ được chứng kiến quả bộc phá chôn dưới đường hầm mà bộ đội ta đã phải cực nhọc đào sâu xuống sẽ nổ tung mãnh liệt để quân ta chiến thắng Điện Biên, thì họ chỉ kịp nghe một tiếp “bụp”: một đám lửa tí tẹo, và hết. Cho đến khi thấy bộ đội Điện Biên phất cờ trên nóc hầm của tướng Đờ Cát, mọi người mới lờ mờ đoán: có lẽ tiếng bụp và đám lửa tẻo teo kia chính là quả bộc phá nổ! Cái chết của vị chỉ huy làm cho người xem hết sức thất vọng: họ đột nhiên bị bắn trúng, lăn ra chết và... hết, sự hy sinh không khiến ai xúc động cả. Trong khi đó, cái chết của một anh lính Pháp bạn Béc-na lại được chăm chút khiến người xem thấy thương cho anh lính Pháp.
Kinh phí làm phim 13,4 tỷ đồng, ban đầu Nhà nước cấp 1 tỷ, đạo diễn xin 5 tỷ, cuối cùng được cấp 13,4 tỷ. Được toàn quân, toàn dân dốc sức ủng hộ hết mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng Ký ức Điện Biên chẳng tạo ra được cảm xúc, chẳng khiến người xem thấy được chiến thắng hào hùng của chiến thắng Điện Biên. Ngay cả cái kết của chuyện tình trong phim cũng không khiến khán giả trôi theo dòng cảm xúc tình cảm của ba nhân vật chính: đến phút chót, Mây đột ngột ôm lấy Bạo khi thấy Béc-na ngồi khóc bên xác bạn bè. Trong khi trước đó chẳng có mấy tình tiết thuyết phục rằng Mây sẽ yêu được Bạo. Vì anh ta ngoài chuyện tặng một cành hoa ban cho Mây thì chỉ đẩy Mây vào rừng một mình với Béc-na rồi ghen tuông không ngừng vì điều đó, còn Mây thì cứ đi hái hoa cho Béc-na hút mật.
Phim đầy rẫy những lỗi và sạn, từ diễn xuất, rắc-co, kịch bản đến đạo diễn, dựng phim... Làm phim 13,4 tỷ, đầu tư 400 triệu chi phí quảng cáo, mà tấm poster cho bộ phim trông cũng chẳng ra hồn. Dĩ nhiên, bộ phim vẫn còn chút gì đó đọng lại, từ những nhân vật phụ rất hồn nhiên như người anh nuôi vui tính, người chính trị viên bộc trực, anh lính pháo cao xạ khẳng khái, thế nhưng đó chỉ là vài điểm nhấn chấm phá lẻ loi. Và điều đó không lý giải được kinh phí làm phim như thế là xứng đáng! Dù đạo diễn, biên kịch có hết lời tự ngợi ca bộ phim của mình, khán giả vẫn thờ ơ với một bộ phim thiếu sức sống như thế. Họ chỉ tự hỏi, tại sao lại tốn quá nhiều tiền như thế cho một cuộc đi dạo lòng vòng trên Điện Biên?