![]() |
Nhà đầu tư gián tiếp góp vốn vào các công ty cổ phần qua thị trường chứng khoán. |
Sự chuyển động tích cực của thị trường tài chính trong 10 tháng qua và sự kiện VN chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là hai tiền đề quan trọng để hy vọng năm tới đầu tư gián tiếp nước ngoài vào VN sẽ bùng nổ. Thị trường đầu tư gián tiếp (FII) của VN đang rất hấp dẫn và theo đánh giá của các nhà đầu tư, độ hấp dẫn của thị trường tài chính VN đã vươn lên đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Có cơ hội là đầu tư
Mới đây, nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ Credit Suisse đã chính thức thông báo sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào VN thông qua việc mở tài khoản giao dịch tại Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Credit Suisse là ngân hàng đã thực hiện bảo lãnh thành công đợt phát hành trái phiếu trị giá 750 triệu USD của Chính phủ VN vào tháng 10 năm ngoái. Một quan chức ngân hàng này khẳng định: "Lượng vốn đầu tư dành cho VN rất lớn và chỉ cần có cơ hội là sẽ đầu tư ngay. Những ngành được ngân hàng này ưu tiên đầu tư mua cổ phiếu sẽ là các ngành năng lượng, công nghệ cao, hàng tiêu dùng, xuất khẩu, khai thác khoáng sản...
Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) cũng vừa thông báo tiếp tục có một năm thành công tại VN với tốc độ tăng trưởng trong 3 năm gần đây là 300%. Theo tiết lộ của ông Alain Cany, Tổng Giám đốc HSBC VN, năm 2007 sẽ là năm HSBC có nhiều sự kiện lớn và có nhiều dự định mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính tại VN.
FII và nguy cơ khủng hoảng tài chính
Tuy nhiên, khác với FDI, những nhà đầu tư gián tiếp chỉ đóng góp vào các công ty cổ phần thông qua thị trường chứng khoán mà không trực tiếp tham gia quản lý điều hành. Vì vậy những thay đổi điều kiện kinh tế trong nước sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đối với các dòng vốn vào và ra thông qua kênh này. Khi dòng vốn FII vào ồ ạt với quy mô lớn sẽ gây mất cân bằng về mặt vĩ mô, hoặc nhà đầu tư có thể rút vốn quy mô lớn và đột ngột gây ra sự khủng hoảng và sụp đổ của thị trường tài chính trong nước.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Viện Khoa học Tài chính, tỏ ra e ngại, thị trường chứng khoán rất nhạy cảm trước hiệu ứng “bầy đàn” dễ chịu tác động lây lan khủng hoảng của thị trường tài chính quốc tế khi mở cửa. Theo tiến sĩ Thịnh, các luồng vốn chảy vào thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh làm thị trường thêm nóng. Nhưng các luồng tiền sẽ được rút ra ồ ạt khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu trì trệ, khủng hoảng.
Cũng mang tâm trạng lo ngại nhưng ông Trương Hùng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng - Bộ Tài chính, lại cho rằng: "Thực ra sự vận động của dòng vốn gián tiếp từ quốc gia này sang quốc gia khác là một sự vận động bình thường. Vì ở đâu có mức sinh lời lớn hơn thì nguồn vốn này sẽ đổ đến và ngược lại. Do vậy dòng vốn này sẽ trở thành tín hiệu nhanh nhạy cho các nhà đầu tư nhận biết đâu là nơi có lợi".
Một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương VN cũng tỏ ra lạc quan. Ông này cho rằng thị trường tài chính VN đang vào độ “nóng” nhưng chưa thể nóng đến mức sẽ xảy ra sự sụp đổ với thị trường tài chính. Theo phân tích của chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút vốn khi phát hiện tín hiệu kinh tế trong nước đang có dấu hiệu khủng hoảng, các chính sách vĩ mô thay đổi không có lợi hoặc các vấn đề liên quan đến chính trị...
Thời điểm này kinh tế VN đang tăng trưởng rất ổn định, vấn đề của VN bây giờ là làm sao khơi thông để dòng vốn FII chảy mạnh hơn nữa. “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói rằng, họ muốn rót vốn nhiều hơn nữa vào thị trường tài chính VN nhưng những “hàng rào” hành chính vô hình và hữu hình đang khiến họ ngần ngại”, chuyên gia này bày tỏ.
FII VN quá nhỏ bé so với thế giới
Vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FII) của VN đang được xem rất hấp dẫn nhưng theo thống kê của Bộ Tài chính, việc thu hút nguồn vốn này của VN còn quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vốn cho sự phát triển. Theo thống kê của Bộ Tài chính, vốn FII vào VN chỉ chiếm 3,7% so với vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) năm 2004 và 17,5% vào năm 2005. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc chiếm từ 30% - 40%. Một trong những kênh dung nạp vốn FII mạnh nhất là thị trường chứng khoán cũng chỉ mới đạt trên 1 tỷ USD, quá nhỏ so với Trung Quốc (480 tỷ USD), Philippines (80 tỷ USD) hoặc Thái Lan (110 tỷ USD). (Nguồn: Bộ Tài chính) |
(Theo Người Lao Động)