Xuân Phạm
Chẳng biết sông Dinh có từ thuở nào? Nghe những người già nhất trong làng kể lại khi họ chưa chào đời thì tổ tiên ông cha nhiều đời đã sinh cư lập nghiệp bên dòng sông này từ lâu. Bao đời người đã sống và lớn lên nhờ dòng nước ngọt mát ấy. Nếu tính tuổi cho sông thì ít nhất cũng đã trên 600, đó là số tuổi của làng tôi mà sông thì đã chảy thành dòng, bồi thành bãi từ trước đó cả ngàn năm rồi, có khi là cả triệu năm. Nếu ông cố nội tôi còn sống thì cũng chỉ mới bằng 1/6 tuổi của làng mà thôi. Vậy nên chẳng biết phải xưng hô với dòng sông thế nào cho phải đạo nữa. Chỉ muốn mãi gọi: "Dòng sông mẹ của lòng tôi, của hồn tôi, của làng tôi".
"Rào" là từ mà người làng tôi và nhiều làng khác có sông Dinh chảy qua dùng để gọi dòng nước này. Rào - dòng sông, nghĩa tiếng Nôm này chỉ có trong tiếng địa phương của người Bắc Trung Bộ, đặc biệt là người Quảng Bình dùng để chỉ các dòng sông nói chung.
Xưa kia ven hạ lưu Rào Dinh và phụ lưu của Rào (người làng gọi là Rào Dỏ, Dỏ nghĩa là nhỏ được nói chệch theo tiếng bản địa, là ranh giới tự nhiên giữa xã Nhân Trạch và Lý Trạch ngày nay) khá dày đặc lau sậy. Đã bao mùa, Rào Dinh chứng kiến sự thăng trầm, đổi thay của làng. Bao lần rộn ràng hay khắc khoải nhìn ngắm những cuộc hẹn hò của các đôi trai gái nên duyên hoặc lỡ làng bên hai bờ. Rồi khi nào đó sông chợt buồn bởi thấy thiếu một người tri kỷ để nhớ nhung, hiểu mình.
Chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh: "Sông không hiểu nổi mình. Sông tìm ra tận bể". Phải chăng chỉ có biển nước bao la ngoài kia mới có thể thấu hiểu và ôm trọn bao chất chứa nặng trĩu kiếp người của dòng sông. Âu đó cũng là cái kỳ diệu của tạo hóa. Dù cuộc đời có biến động đến đâu thì quy luật tự nhiên vẫn ngàn đời bất biến: "Suối chảy về sông, sông đổ ra biển lớn, tình yêu làng xóm trở thành lòng yêu Tổ quốc" (Ilia Êrenbua). Chính điều diệu kỳ ấy đã sinh ra một dòng khác nữa, dòng sông tâm linh chảy vào lòng người, vào hồn người.
Đứng trước dòng sông mẹ mới thực sự thấy con người bé nhỏ quá! Nếu so với tuổi tác ngàn đời cùng với sức chịu đựng không một tiếng than của dòng sông trước bụi bặm lịch sử và ngổn ngang sự đời nhớp nháp thì con người còn nặng nợ với dòng nước ngọt này lắm!
Thêm một bài học nữa mà liệu đến cuối đời con người ta có nằm lòng được? Đó là thiếu tôn trọng và bảo vệ tự nhiên thì rốt cuộc sự phát triển dù có mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ như lâu đài xây bằng cát bên ngọn sóng dữ mà thôi. Có lẽ chưa bao giờ những dòng sông mẹ trên trái đất này, trên đất nước này và cả trên làng quê này lại khát khao được lên tiếng đến thế.
Có thể thế hệ 8x chúng tôi là lứa cuối cùng được tắm con sông quê, mà cái thuở mát rười rượi đó cách đây cũng đến 15 năm rồi. Quãng thời gian đó đủ để nhiều con người ra đời, lớn lên và học hết trung học cơ sở. Trong thời đại đang kêu than vì ô nhiễm hiện nay, đứng xa mấy chục mét vẫn còn nghe mùi hôi thối nồng nặc khó chịu, nhất là vào những ngày hè nóng nực, những nhà sống gần sông đến là khổ sở vì khó thở. Đâm ra chẳng ai dám tắm dòng nước ấy nữa.
Chỉ có những người đi đò họa rủi đắm đò hay các mẹ, các chị lỡ trượt ngã khi đi chợ sông thì đành bất đắc dĩ "tắm" thôi. Dù liền sau đó được gột rửa lại bằng xà phòng thơm đến mấy thì trên cơ thể vẫn hăng hắc một mùi tổng hợp của phân và rác. Cũng dễ hiểu thôi, ngày nay, người ta thải chất bẩn từ sinh hoạt, chuồng trại ra sông là chuyện bình thường, mặc kệ những tấm áp phích tuyên truyền "bảo vệ môi trường, cấm đổ rác, thải nước bẩn" đặt hai bên bờ sông. Nhiều năm nay, làng đã có dịch vụ thu gom rác thải về nơi quy định nhưng vẫn có rất nhiều người thích đổ ra bờ sông hơn vì hóa ra đi ra sông gần hơn là lên chỗ xe thu gom rác.
Chỉ khi lũ về "Rào" mới được nạo vét sạch sẽ. Nhưng cùng với đó là người chết đuối, đất lở, nhà sập, thuyền bè vỡ nát hoặc trôi mất... tai họa thật khủng khiếp. Chẳng lẽ cứ mong chờ lũ về để "tắm" cho "Rào" được trong sạch? Chẳng ai cầu mong điều đó hết, thật tội lỗi. Nhưng ở khúc ruột miền Trung này thì hàng năm, cứ vào tháng 9, tháng 10 là lũ lụt, nước dâng, mưa bão hoành hành.
Nghe cha tôi kể lại, ngày xưa các cụ trong làng rất coi trọng chuyện đê kè ở bờ sông nhằm chống sạt lở, bảo vệ làng. Bến nước được trồng những cây lớn vừa để giữ đất, vừa là chỗ buộc thuyền bè, bến được kè bằng đá ong rất chắc chắn, rất hiếm khi bị sạt lở.
Nhưng sau hòa bình lập lại, người làng trở về đã lấy đá ở bến sông để xây nhà, các cây lớn bị chặt phá và bờ sông bị sạt lở từ đó, nhiều hộ sống gần sông phải chuyển đi nơi khác sống nếu không muốn lũ cuốn mất. Ngày nay, dấu vết kè đá ong ở bến không còn nữa do bị sạt lở rất nhiều, lấn cả vào khu dân cư. Đi kèm với đó là tai hại của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng đe dọa sự an cư của người dân ven biển. Đó là lý do để những con đê sông, đê biển hiện đại và kiên cố được xây dựng. Và hệ thống đê biển và đê sông ở hạ lưu sông Dinh đang được hoàn thành, vừa chống lũ lụt, vừa tạo một cảnh quan khá đẹp ở vùng biển bãi ngang này.
Phải nói thêm, sự cẩu thả và coi thường cùng việc chặt phá và đánh bắt vô tội vạ của con người nên nguồn lợi thủy sản của Rào cũng giảm đi đáng kể. Ngày nay, cảnh tượng những đàn cá quẫy mình mống động mặt nước như mưa rơi tạo những âm thanh như tiếng chuông gió chỉ còn là hoài niệm. Vì thế mà bây giờ hiếm thấy ai đi câu cá ở sông. Cá hiếm như chim đã bay đi trú đông vậy.
Bọn nhỏ bây giờ bị cha mẹ chúng cấm tắm sông. Thế là tuổi thơ của chúng không có những ngày như chúng tôi, tha hồ ngụp lặn, chơi đùa ríu rít cùng nhau, thỏa thuê reo hò với dòng nước mát, nào câu cá, nào mò cua, bắt hến, nào thi bơi, thi lặn... Thôi thì chỉ còn là tiếc nuối da diết trong lòng những ai từng được nếm trải cảm giác tuyệt vời ấy. Nhưng hy vọng sẽ không bao giờ mất đi những cảnh thi bơi, thi lặn của thanh thiếu niên làng tôi trên dòng nước thân yêu này. May mắn thay, biển làng tôi là một bể bơi khổng lồ trong Thái Bình Dương nhưng biển mà cũng ô nhiễm như sông nữa thì biết bơi đâu bây giờ?
Sông Dinh ngày ngày vẫn cứ trôi ra biển như nghìn đời vẫn chảy thế, cũng yên bình đấy mà cũng dữ dằn lắm! Ai từng thấu hiểu những thăng trầm sự đời và những biến đổi khí hậu gần đây thì sẽ thấy thấm đượm điều này. Lại nhớ tới bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: "Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy...". Đến lúc này tôi mới thấy thấm tháp thực sự những ý tứ của lời hát ấy.
Vài nét về blogger:
Bài đã đăng: Tấm gương tiêu biểu của người khuyết tật; Hội ngộ.