Bài viết trên trang cá nhân của thầy Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Giáo dục trường phổ thông liên cấp ở Hà Nội hiện là chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn tán, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
“Đơn xin thôi làm chiến binh
Kính gửi các thầy cô giáo nhân dịp 20/11
Con là một học sinh bình thường nhất trong các học sinh bình thường ở Việt Nam. Con viết thư này gửi các thầy cô, ngoài ý muốn được chúc mừng các thầy cô nhân dịp này con còn có ước mong được gửi tới thầy cô những mong muốn giản dị của chúng con nữa.
Thưa các thầy cô,
Sau mười hai năm ngồi trên ghế nhà trường, con đã đến tuổi trưởng thành và con đã có thể tự đặt cho mình câu hỏi: ‘Mình là ai và mình muốn gì?’ nhưng con đều bất lực trước chúng.
Thưa thầy và thưa cô,
Con thực sự không biết mình là ai nữa. Con đã học giỏi, đã ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ và thầy cô. Trong cuộc đời học sinh của mình, con chưa một lần chống lại ý muốn của cha mẹ và thầy cô. Con được dán một cái mác: con ngoan trò giỏi. Một cái mác hay là một cái danh gì đó mà con thấy nhiều vô số và nó cần phải được dán lên người của tất cả bọn con. Đứa nào cũng phải có và phải giống nhau. Con thấy các bạn xung quanh con cũng vậy. Chúng nó giống con và con thì giống tụi nó. Chúng con không biết mình khác nhau ở điểm nào cả.
Đi qua một cái cối xay thịt của 12 năm phổ thông và đại học, tất cả chúng con đều trở thành những chiếc xúc xích như nhau: trông ngon đấy nhưng mà chán phát ớn.
Con và nhiều bạn khác chỉ là những đứa trẻ thông thường và con tin rằng số này mới đông và cần được quan tâm hơn hết so với một số ít các bạn thật sự giỏi giang. Nhiều lúc con không dám bén mảng làm quen với các bạn ấy vì các bạn ấy tuy dễ thương nhưng bận hơn chúng con rất nhiều nên không thể có thời gian mà quan tâm tới việc kết bạn, giao lưu nữa. Và có một số bạn thì con biết là các bạn ấy không thèm để ý tới mấy đứa bình thường như chúng con đâu.
Con đôi khi cũng thế. Chỉ vì cái mà chúng con thiếu nhất trong cuộc đời học sinh của mình là thời gian. Chúng con phải học như điên dại dưới rất nhiều áp lực của cha mẹ và sau đó là của các thầy cô, những người mong chúng con nên người nhưng lại không để chúng con làm người, mà lại biến chúng con thành những cỗ máy: từ học như máy, làm như máy, nghĩ như máy và ăn cũng như máy...
Con còn nhớ như in những chiều tan học, đợi ngoài cổng trường học kia không phải là bố mẹ thì là bác xe ôm chờ sẵn với bánh mì và sữa, không phải đưa con về nhà mà là chở con tới lớp học thêm, qua trùng trùng lớp lớp giao thông xe cộ trên đường. Có đôi khi phải băng qua làn mưa và cả những con phố đã thành sông nữa. Có đứa bạn con tuy lớn mà vẫn ngồi trên xe máy để được bố mẹ dắt qua con phố ngập nước mà chẳng biết phải làm gì cả. Nhưng không phải chúng con không có suy nghĩ mà là con không biết phải làm gì hơn.
Chúng con đã không được dạy cách đối mặt với thực tế cuộc sống mà chỉ được dạy làm những chiếc máy vô cảm có một nhiệm vụ duy nhất là sản xuất điểm mà thôi. Con thấy mình đã rất tệ rồi nhưng con còn thấy các bạn học sinh giỏi hơn con, là các bạn học sinh xuất sắc ấy, còn khổ và đáng thương hơn chúng con rất nhiều. Tuy rằng các bạn ấy được quan tâm và được các thầy cô, cha mẹ tập trung toàn bộ nguồn lực. Nhưng mà cũng để làm cỗ máy, đương nhiên rồi, để sản xuất cái gì các thầy cô có biết không? Để sản xuất ra giải thưởng ạ.
Chúng con phải đi học cả ngày và buổi tối nhưng các bạn ấy còn phải học tới khuya, tới đêm. Suốt trong năm học và nhất là những đợt tập trung đội tuyển kéo dài nhiều tháng. Học để thi đấu với nhau chứ không phải là để kiếm tìm niềm vui qua tri thức, qua khám phá và thỏa mãn sự tò mò tự nhiên mà tất cả bọn nhóc chúng con đều được sinh ra đã là như thế.
Khi con lớn lên như bây giờ, con mới hiểu được ý nghĩa của sự phấn đấu để đạt được một thành tích nào đó. Con bây giờ mới biết đó là sự vượt qua chính mình, được ghi nhận bởi người khác xung quanh con với sự cổ vũ và tôn trọng. Con học được điều này từ cuộc sống mà con đã trải qua sau khi ra trường chứ không phải là ở trong nhà trường. Sự nhạy cảm và ý thức về giá trị cá nhân đã may mắn được cuộc sống tươi đẹp ngoài kia dạy và bù đắp cho con sau rất nhiều năm tháng hoài phí của con ở trên ghế nhà trường.
Các thầy cô có hiểu cho chúng con không? Đó là sự hoài phí.
Chúng con rất sợ mình sẽ đánh mất đi xúc cảm khi bị bắt làm cái máy sản xuất điểm và sản xuất giải. Chúng con cũng thương chính chúng con và cả các bạn học sinh xuất sắc không được là chính mình. Nếu được là chính mình thì mấy đứa bình thường như bọn con và cả các bạn ấy đã rất hạnh phúc để không phải sống cuộc đời của những chiến binh. Để được làm trẻ con thật sự.
Thưa các thầy cô,
Thư con viết đã dài, con chỉ muốn được chia sẻ chứ không có ý chỉ trích các thầy cô. Kính mong các thầy cô hiểu tấm lòng và cả suy nghĩ, cảm xúc của bọn con ạ. Con cảm ơn.
Một học sinh bình thường”.
Sau khi đăng tải và phát tán trên nhiều trang mạng, bài viết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đại đa số đều nhận định bài viết rất đáng để suy ngẫm trước thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay.
Facebooker Dung Huynh chia sẻ: “Đọc để thấm thía, đọc để hiểu được cảm giác đau thương hụt hẫng của các em khi kết thúc 12 năm chiến đấu không biết vì cái gì. Các bậc cha mẹ Việt Nam hãy dũng cảm bứt phá giúp con mình thật sự phát triển như một con người, chứ không phải nặn, đúc ra một cỗ máy”.
Tài khoản Tran Thi Ngoc cho biết câu chuyện của mình: “Có lần hỏi con có muốn gặp lại bạn không. Con bảo bạn ấy giờ chỉ học, chả để ý gì khác, chả biết phim nào, ban nhạc nào, không có sở thích gì. Hỏi gì cũng không biết. Hỏi thế lúc rỗi cậu làm gì, bạn ấy bảo tớ chả có lúc nào rỗi. Tớ học từ sáng đến 11 giờ đêm. Đi học ở trường về thì đi học thêm, về nhà thì làm bài tập, ở lớp có lúc ra chơi cũng tranh thủ làm bài tập ở lớp và lớp học thêm. Con chẳng biết nói chuyện gì với bạn ấy. Mong muốn giản đơn của những đứa trẻ sao giờ khó khăn đến vậy. Sau này nhìn lại tuổi thơ chẳng có gì để nhớ ngoài việc cắm mặt vào sách vở đến lồi cả mắt”.
Một Facebooker khác nhìn nhận từ nhiều góc độ hơn thì cho rằng: “Thật ra bố mẹ cũng hiểu chứ, nhìn con đi học cả ngày về đến nhà mệt bờ phờ, đeo kính cận dày cộp cũng xót xa lắm. Nhưng thực sự mấy ai đủ can đảm, đủ bứt phá để làm khác đi, vẫn phải đốc thúc, cố ép con nhồi nhét kiến thức. Vì không có giải thưởng này nọ thì không đủ tiêu chí chọn vào trường tốt trong nước cũng như quốc tế. Chưa kể, đi họp phụ huynh nếu con bị chê học kém, chậm hiểu so với các bạn, bố mẹ cũng xấu hổ, khó xử lắm chứ. Các bậc làm cha làm mẹ rất mệt mỏi, đâu có sung sướng gì”.
Maruko Chan