Chị Diễm Phúc với chuyến khởi hành đêm tại bến xe miền Đông. |
Vị khách già vừa bước ra khỏi cổng, tôi rà xe tới, chưa kịp cất tiếng mời thì một chiếc xe đâm xẹt vào giữa tôi và ông khách, một giọng nữ cất lên: “Đi đâu chú? Con chở cho, con chạy xe đằm lắm, không ẩu như mấy cha nội này đâu!”. Một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi, trông còn khá xinh, đôi mắt mơ buồn cộng với nụ cười rất tươi luôn nở trên môi.
Chờ chị đưa khách đi rồi quay lại bến, tôi bước đến với giọng trách móc: “Sao chị giành khách của tôi vậy?”. Vậy mà người phu xe nữ lại dạy cho tôi một bài học cạnh tranh: “Anh phải nhanh miệng hơn chứ, cứ đứng thần người ra vậy thì khó mà kiếm được khách... Khách ít, người chạy xe đông mà chậm như anh thì có mà ăn cám, nghề nào cũng phải cạnh tranh chứ!”. Hồ Thị Oanh, tên người phu xe nữ.
Buổi trưa, ế khách, tôi mời Oanh ăn cơm chung, Oanh tự giới thiệu: “Anh là lính mới nên không biết tôi chứ cả bến này ai lại hổng biết tôi, tôi ra xe đã được năm năm rồi, đường thành phố này tôi thuộc như lòng bàn tay”. Vào nghề lâu như vậy nhưng Oanh không vào bất kỳ bến nào cố định, cứ làm dân “quốc tế” rong ruổi suốt.
Gần sáu năm trước, Oanh cũng có một mái ấm gia đình khá hạnh phúc với người chồng là con một gia đình khá giả ở Tuy Hòa, Phú Yên. Nhưng rồi người chồng mê cờ bạc, gia đình tán gia bại sản. Oanh quyết định chia tay, dẫn theo hai con gái đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ sắp tròn 2 tuổi vào TP HCM kiếm sống.
Thời gian đầu Oanh bán bánh mì, thuốc lá dạo ở bến xe nhưng thu nhập ít mà lại không ổn định. Thấy mấy anh, mấy chú chạy xe ôm có đồng ra đồng vô nên Oanh quyết định theo nghề và như bao thân phận phu xe nghèo khó không một đồng vốn ra nghề khác, chị thuê chiếc xe gắn máy mỗi ngày 20.000 đồng.
“Thời gian đầu tôi chỉ rước khách vào ban ngày. Chẳng dám chạy khuya vì còn con nhỏ, phần vì sợ cướp... Nhưng rồi cũng phải chạy cả ban đêm mới đủ sống. Khổ lắm, phụ nữ cực chẳng đã mới đi làm phu xe, dành dụm mãi vẫn chưa mua được cái xe Trung Quốc để chạy, chứ thuê xe mất đứt 20.000 đồng một ngày đau quá...”, giọng Oanh trầm trầm như nghẹn lại.
Chị chạy xe ôm khuya khoắt, hai đứa nhỏ phải ở nhà tự lo cho nhau, đến tối khuya người mẹ mới tranh thủ chạy về mua cơm hộp cho hai con. Nhiều bữa con bị sốt không dám bỏ con ở nhà một mình nên đành chở theo xe, rước được khách thì Oanh cho con ngồi phía trước, khách ngồi phía sau, cứ thế đứa nhỏ cùng mẹ đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nhiều khách khó tính la lối om sòm nhưng Oanh vì con mà năn nỉ hoặc cắn răng chịu chứ biết làm gì bây giờ.
Năm năm trời chạy xe ôm ở đất Sài Gòn, Oanh đã đối mặt với bao nhọc nhằn, từ chuyện bị gạ gẫm, sờ mó đến chuyện bị quịt tiền, trấn lột dọc đường... Tai nạn mà chị nhớ nhất là một lần gần 22h đêm, một ông khách nam lớn tuổi, ăn mặc lịch sự nhờ chị chở về Thủ Dầu Một, Bình Dương. Đến đoạn đường vắng gã bắt đầu sờ soạng rồi ôm siết lấy chị. Hoảng hốt, Oanh đành buông cả tay lái làm xe ngã sóng xoài ra bên đường. Vừa may lúc đó lực lượng dân quân địa phương đi tuần ngang. Gã đàn ông lí nhí xin lỗi và đồng ý trả tiền xe rồi chuồn thẳng.
Những ngày ra xe ở khu vực bến xe miền Đông, tôi gặp một đồng nghiệp nữ rất đáng quý, chị luôn chỉ dẫn cho tôi những bí quyết rước khách, cách luồn qua những con hẻm để đi đường tắt, tiết kiệm xăng. Chị Đỗ Thị Minh đã ngoài 40, chỉ chạy xe vào ban đêm vì ban ngày phải dành thời gian chăm sóc cô con gái đang học năm 4, khoa tin học ĐH Khoa học tự nhiên.
“Trước đây chị làm nghề giác hơi, còn ổng chạy xe ôm, từ hồi ổng bị gai cột sống, không thể chạy nhiều, chị mới ra xe phụ ổng...”, chị Minh tâm sự. Cả hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi mới mua được chiếc Citi cũ, mà cũng phải trả góp tới nay vẫn còn mang nợ.
Hồi mới ra xe chị Minh cũng ngại chở khách nam, nhưng rồi khách chọn mình chứ mình đâu có quyền chọn khách, chị đành chấp nhận. Do chị chạy xe khá cẩn thận nên nhiều khách buôn bán liên tỉnh tin tưởng, trở thành “mối ruột” của chị.
Đến thăm nhà chị Minh, một căn nhà tình thương nằm trong hẻm sâu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP HCM). Chỉ có một cái giường lót ván vừa là nơi ngủ, nơi ăn, nơi sinh hoạt của cả gia đình, ngôi nhà chật cứng vậy mà hai vợ chồng người phu xe cũng nhín ra dành riêng một góc học tập cho con.
Mỗi chiều, sau khi chở con đi học về, cơm nước xong là chị lại cùng chồng ra bến xe miền Đông. Chị Minh nhẩm tính chạy xe đêm cực khổ và nguy hiểm nhưng được cái tiền công cao hơn ban ngày mới mong đủ tiền cho các con ăn học. Vậy mà tháng nào con cái ốm đau, xe cộ hư hỏng thì cũng phải vay nóng để trang trải.
Anh Tài, chồng chị Minh, nói: “Lắm lúc thấy vợ chạy xe ôm khuya khoắt, đủ thứ nguy hiểm mà xót cả dạ, tui kêu bả nghỉ đi nhưng bả không chịu, cứ nằng nặc đòi đi xe phụ tôi. Bả nói đời mình khổ vậy thì chắc không thể khổ hơn, ráng làm cho con cái có danh có phận với đời...”.
Chị Đỗ Thị Minh cùng những đồng nghiệp nam đứng đón khách khi xe vừa vào bến. |
Chị Phạm Thị Diễm Phúc được xem là một trong những nữ “phu xe” thâm niên nhất ở bến xe miền Đông, từng chứng kiến nhiều phụ nữ vào nghề rồi phải bỏ cuộc ngay. Cái khắc nghiệt của nghề này, người phụ nữ phải gánh chịu gấp mấy lần nam giới. Chồng chị Phúc cũng chạy xe ôm nhưng anh lại thừa nhận chị vợ “cày” ác chiến hơn anh, lâu lâu anh còn đau ốm, còn chị chưa một ngày ngơi nghỉ.
“Phu xe” nữ tôi gặp phần lớn là những chị lớn tuổi, thường là có chồng cùng nghề. Nhiều chị nói: “Con gái trẻ thì đố đứa nào dám ra xe đón khách, xấu hổ lắm!”. Vậy mà hôm chở khách đi tới cầu vượt ngã tư Bình Phước, tôi chạm mặt với một đồng nghiệp nữ rất trẻ, chỉ mới 20 tuổi, gương mặt khá xinh. Nguyễn Thị Hoa, quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Gia đình rất nghèo, học hết lớp 9 Hoa bỏ lên TP HCM kiếm sống.
Ban đầu cô xin vào làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sóng Thần nhưng lương thấp lại tăng ca liên tục. Thấy mấy anh xe ôm ngày nào cũng có khách, thu nhập đều đều, Hoa cùng một cô bạn đồng hương chợt nghĩ: sao con gái lại không thể chạy xe ôm nhỉ? Cả hai cùng dành dụm mua xe và gia nhập đội quân phu xe đông đúc.
Hành nghề mới có một năm mà cả Hoa và cô bạn gái đã gặp tai nạn khủng khiếp: một gã bất lương đánh thuốc mê cô bạn gái của Hoa. Khi tỉnh dậy cô thấy mình đang nằm tại một nhà nghỉ ở Lái Thiêu. Chiếc xe Trung Quốc - cái cần câu kiếm cơm, đã biến mất cùng với đời con gái! Còn Hoa bị một trận đòn ghen thừa sống thiếu chết khi chở một vị khách nam, mà bà vợ ông này nghĩ Hoa là tình nhân của chồng mình! Sau tai nạn, cô bạn bỏ đi biệt tích, Hoa vẫn tiếp tục theo nghề nhưng với một nguyên tắc: không bao giờ chở khách nam.
Giữa trưa nắng chang chang, Hoa vẫn đứng đón khách dưới chân cầu vượt, cô kể: “Tôi có bạn trai rồi, ảnh làm trong khu công nghiệp, ảnh không bao giờ cho ai biết bạn gái mình chạy xe ôm đâu. Tôi cũng hơi ngại ngại, nhưng nghĩ nghề nào cũng tốt, miễn sao tự lo được cuộc sống cho mình là quý rồi.
Tôi định chạy vài năm nữa dành ít tiền làm vốn ra mở tiệm uốn tóc. Tính thì tính vậy chứ chưa biết khi nào mới đủ tiền đây, xe ôm bây giờ ra nhiều quá, phải mau mồm mau miệng lắm mới bắt được người khách...”. Một người đàn bà che dù đi tới, Hoa gạt chống xe thật nhanh và rồ ga phóng tới trước cả những đồng nghiệp nam, cô nói vọng lại: “Cuốc này em đi cho, từ sáng tới giờ chưa được cuốc nào...”.
Bà khách có vẻ mãn nguyện khi thấy một phu xe là nữ và yên lòng ngồi lên xe...
(Theo Tuổi Trẻ)