Cheo leo trên giàn giáo, không có phương tiện bảo hộ. |
Tại công trình khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, có đến vài trăm "công nhân" xây dựng từ khắp miền dạt về. Xa có thợ Quảng Nam, Đà Nẵng, gần là Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Phùng Văn Lộc, quê Ba Vì (Hà Tây), là thợ trẻ nhất ở đây. Năm nay, Lộc vào lớp 10, nhưng trông Lộc chỉ bé như cậu học trò lớp 7 và có lẽ phải vài năm nữa Lộc mới bằng... cái giàn giáo cao 1,5m. Bên cạnh đống vật liệu, sắt, thép ngổn ngang, Lộc đang hì hục đánh vôi vữa. Lấy bàn tay chai sần quệt mồ hôi trán, Lộc bảo: "Em cố gắng tranh thủ mấy ngày hè ra Hà Nội kiếm chút tiền mua sách vở, cũng sắp vào năm học mới rồi".
Phùng Văn Lộc đang đánh vô vữa. |
Lộc kể, bố cậu tên Hưởng, vì muốn con cái sau này đỡ khổ, không phải vất vả nên đặt tên cậu là Lộc. An nhàn chưa thấy đâu, mới 15 tuổi Lộc đã phải chung vai gánh vác công việc cùng gia đình. Khệ nệ khuân gạch phụ cho 2 bác thợ xây, Lộc quay sang nói nhỏ với tôi: "Em chỉ nói được với chị như vậy thôi, kẻo các bác thợ bảo em hay chuyện thì dễ bị đuổi việc lắm đấy". Nói chưa dứt lời, đã thấy bóng cậu mất hút ở cầu thang.
Công việc của thợ xây đầu tắt mặt tối suốt cả ngày, làm việc không ngơi tay, chính vì thế phải hẹn mấy lần mới gặp được Sơn ở Hải Minh, Nam Trực (Nam Định). Tốp thợ của Sơn đang xây dựng một ngôi nhà tại phố Hồng Mai. Ngôi nhà 4 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện trống huơ trống hoác. Căn phòng tầng 2 chỉ nay mai thôi sẽ là phòng khách sang trọng, giờ đang được trưng dụng làm phòng ngủ còn bừa bộn gạch đá, sắt thép lẫn đống chăn màn, quần áo. Không TV, không đài. 20h, cả tốp thợ vừa xong bữa tối đang quây quần bên ấm trà tán phét chuyện trên trời dưới biển.
Sơn tâm sự với PV Thanh Niên: "Ngôi nhà này nghe đâu giá đến 2,6 tỷ đồng. Chủ nhà tiền nhiều, nhưng "nghèo" cái tình lắm. Bọn em làm ở đây đã 3 tháng, tuần nào ông chủ cũng đảo qua kiểm tra, thế mà đến điếu thuốc cho anh em thợ cũng không có. Chẳng như ở quê, dù chỉ có khoai luộc, bánh đúc nhưng được nể trọng lắm", Hàn, cũng là một thợ hồ trong nhóm quay sang kể chuyện "cai". Hồi đầu năm ngoái, tổ thợ xây của cậu đổi chủ, "cai" mới là người phố "xịn" giỏi lên lớp, khích bác nhưng cực dốt về kiến thức xây dựng. Chỉ suốt ngày dọa nạt, quát tháo, dọa cúp lương. Có lần tổ cậu nhận xây dựng cho một công ty bên Gia Lâm, chẳng biết đãng trí thế nào cậu cùng 4 thợ phụ trộn vữa theo công thức "3 xi + 7 cát" thay vì "3 xi + 9 cát" như hằng ngày. "Cai" biết chuyện mắng cho một trận té tát, chê là nhà quê "làm ăn cẩu thả, không biết tính toán". Tưởng thế là xong, ai ngờ cai cho mấy anh em nghỉ việc, đã thế còn quỵt luôn tháng lương chưa lĩnh. "Em vất vưởng đứng đường làm cửu vạn, bốc vác ngoài chợ Long Biên mấy tháng trời. Ba đứa còn lại, đứa phiêu bạt xuống Quảng Ninh, đứa bỏ nghề về quê làm ruộng. Một đứa nữa lâu nay chẳng biết tung tích ở đâu...", Hàn bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Bây giờ tìm được chỗ ổn định, làm công trình đều được ứng lương trước, trừ tiền tiêu vặt, mỗi tháng Hàn cũng tiết kiệm được gần 1 triệu đồng gửi về quê.
Mấy năm nay, các công trình xây dựng ở Hà Nội cứ mọc lên ầm ầm. Thấy nghề thợ xây dễ kiếm, thiên hạ khắp nơi đổ về Hà Nội tìm việc. Chẳng nói đâu xa, xã Tứ Cường (Hải Dương) hễ ai là đàn ông con trai đều lên đường đi xây, phụ hồ. Vào mùa gió heo may, có đến cả trăm người bỏ cày bỏ cuốc lên phố đi xây dựng. Cũng vì chỉ quen với con trâu, cái cày, không được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng cơ bản về xây dựng, nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc, rủi ro khôn lường. Đi 8/10 công trình, tiếp xúc với hầu hết cánh thợ xây tự do, mới thấy hết nhiều sự bất cẩn trong công việc của họ. Không trang bị bảo hộ lao động như mũ, quần áo, không găng tay, thậm chí còn đi chân đất, ngồi vắt vẻo trên giàn giáo lắp ghép bằng tấm ván, buộc tạm bợ mấy sợi dây thừng mà chẳng cần đến dây bảo hiểm. Hỏi một thợ xây, anh vô tư nói: "Ôi dào, tôi mấy lần bị đinh đâm xuyên dép nhựa đâu có sao".
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trung bình mỗi ngày có 6 ca tai nạn lao động thì có 1 ca ngã giàn giáo, trong đó lao động nông thôn làm thợ xây dựng chiếm gần 70% nhưng 90% trong số họ không được học về an toàn lao động, gần 70% không được cấp phương tiện bảo hộ lao động... |
Chính vì xem nhẹ an toàn lao động mà thợ xây Nguyễn Văn Thịnh, quê Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ một phút sơ sẩy đã phải trả giá bằng mạng sống của mình khi mới ở tuổi 19. May mắn hơn Thịnh, anh Trần Văn Tuấn (quê Hòa Vang, Thừa Thiên - Huế), mười mấy năm đi làm đẹp cho người, xây trên trăm nhà lớn nhỏ, cuối năm nay anh định về xây cất lại cái nhà cho khang trang. Ý định bất thành khi cái giàn giáo từ tầng 2 đổ ụp xuống. Không mất mạng, nhưng anh bị liệt toàn thân. Bao nhiêu tiền tích góp sửa nhà đã dành hết lo tiền thuốc thang. Tiền mất, tật mang, cả gia đình anh Tuấn lâm vào cảnh túng quẫn... Còn anh Minh ở Thái Bình sau nhiều năm vào Nam xây dựng trở về quê với một chân khập khiễng. Ở nhà chẳng có việc làm, anh lại lên Hà Nội làm thợ xây. Anh tâm sự: "Âu cũng là sinh nghề, tử nghiệp. Tai qua nạn khỏi rồi mới thấy quý trọng mạng sống. Thôi thì mình là gương nhắc nhở "đồng nghiệp" phòng tránh những tai nạn không đáng có".