Những đứa trẻ này rất cần có được giấy khai sinh. |
Kể từ khi cây cầu Ông Lãnh mới hoàn thành và chợ đầu mối Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh (quận 1- TP HCM) được di dời, khu vực này trông có vẻ thông thoáng và sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó cảnh bán buôn ồn ào của những người chạy chợ hàng rau củ, trái cây dọc hai bên đường Nguyễn Thái Học. Hầu hết họ là những người nghèo.
Thái Thị Thảo năm nay 21 tuổi nhưng trông Thảo bé choắt như đứa trẻ 15 tuổi, chỉ có đôi mắt và làn da là “từng trải”. Ba chết, mẹ có chồng khác, mới lên bảy, Thảo đã ra chợ Cầu Muối bán rau củ kiếm sống, tối về tá túc ở quán cơm Xã hội (phường Cầu Ông Lãnh, Q1). Đến năm 16 tuổi, Thảo rời quán cơm vì quá tuổi mà chẳng có giấy tờ tùy thân, bắt đầu những tháng ngày lấy “chợ làm nhà, vỉa hè làm chiếu”. Thảo quen rồi sống với Trần Thiện Hải, cũng không một tấm giấy lận lưng, và có với nhau một cậu con trai. “Ngày cưới” của hai đứa, bà mẹ chồng làm mâm cơm vái đất trời chứng giám.
Hiện nay, Hải đang ở tại một trung tâm để cai nghiện, đứa con gửi mẹ chăm sóc. Thằng nhỏ bị suy dinh dưỡng nặng. Tuy đứa con có giấy chứng sinh của Bệnh viện Từ Dũ nhưng không làm được giấy khai sinh vì cha mẹ nó không có giấy tờ. Trong suy nghĩ của Thảo, việc làm giấy khai sinh cho con chỉ là nghe người ta bảo phải làm, thế thôi, chứ Thảo đâu hiểu gì về quyền lợi của một công dân!
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Hòa, 46 tuổi thì lại khác. Ông hàng ngày đẩy xe rau quả thuê. Bà Lan, vợ ông, bán rau củ ở vỉa hè khu chợ Cầu Muối. Ông bà có với nhau bốn đứa con, đứa lớn 10 tuổi, đứa bé lên 6. Gia đình 6 người thuê căn phòng nhỏ gần đó tá túc.
Hơn 10 năm trước, ông Hòa cũng có nhà ở quận 1. Nhà cháy. Giấy tờ tùy thân cũng thành tro, ông cũng không nghĩ đến chuyện đăng ký lại giấy tờ cũng như đăng ký khai sinh cho các con. Khi được hỏi: “Sao ông không làm giấy khai sinh cho các em đi học?”. Ông Hòa thờ ơ trả lời: “Vợ chồng tui làm quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, kiếm được cho chúng cái ăn là may lắm rồi chứ hơi đâu mà lo đến ba cái chuyện giấy tờ chi cho rắc rối”. Bốn đứa con đi học lớp phổ cập được vài hôm, lớp học giải tán, thế là chúng gia nhập vào đội quân bán kết quả xổ số.
Những trường hợp trên không phải là hiếm tại TP HCM. Thực trạng này không những làm thiệt thòi cho bản thân họ mà còn là gánh nặng cho xã hội. Tương lai của đứa trẻ sẽ mịt mù vì chưa được xã hội công nhận là công dân. Chúng sẽ không được đến trường học chính qui như bao trẻ khác mà chỉ được học ở những lớp tình thương, phổ cập. Và bằng cấp cho dù là ở mức thấp nhất cũng trở nên xa vời đối với chúng.
Theo chị Bạch Phát, nhân viên xã hội - Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM, với trường hợp có giấy tờ thì sẽ dễ dàng xin việc ở các công ty hay cơ sở sản xuất luôn có công việc ổn định. Những trường hợp còn lại thì chỉ vào được các cơ sở nhỏ, lắm lúc được nhận chỉ vì lòng hảo tâm, và thường thì thù lao rất thấp, không ổn định. Cuối cùng, chịu không nổi, chúng phải trở lại kiếp lang thang, dùng sức lao động để kiếm sống. Như một vòng luẩn quẩn, những đối tượng này khi đến tuổi yêu đương, sống đời vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được lại sinh ra những đứa bé không được công nhận chính thức.
Một chị cán bộ xã hội của một mái ấm, người mà công việc hàng ngày của chị luôn tiếp xúc, gần gũi với những em không làm được giấy khai sinh nói: “Những kẻ vi phạm pháp luật thì sẽ bị tước đi quyền công dân. Còn với những trẻ mới sinh, nào có tội tình chi! Bây giờ, chúng chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng phải đi học ban đêm, không được đi học ban ngày như bao bạn khác vì không có giấy tờ chứ không thể hiểu rằng khi lớn lên sẽ chịu nhiều thiệt thòi thế nào đâu! Thật tội nghiệp cho chúng! Đáng lý ra, những đứa trẻ này phải được hưởng quyền công dân chứ!”.
Theo phóng viên Sài Gòn Giải Phóng, năm 2000 Sở Tư pháp TP HCM đã phát động chiến dịch “Ngành tư pháp TP HCM vì quyền khai sinh của trẻ em” nhằm giảm đến mức tối đa tình trạng không có giấy khai sinh của trẻ em cư trú trên địa bàn thành phố. Qua chiến dịch, đã có gần 14.000 trẻ dưới 16 tuổi ở cộng đồng, trong các cơ sở xã hội, mái ấm nuôi dưỡng được đăng ký khai sinh. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan hữu quan.