Cô dâu Việt đến Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc xin nhập quốc tịch. |
Đường dây nóng hay còn gọi là “đường dây ấm” theo số điện thoại 1577-1366, được thành lập từ tháng 11/2006, sau khi được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn. Chỉ một thời gian sau đó, nó trở nên thân thuộc với hầu hết trong số 22.300 cô dâu Việt ở xứ sở Kim chi.
“Tổng hành dinh” của đường dây nóng này đóng tại một căn phòng rộng chừng 150 m2, nằm trên tầng 3, tòa nhà Dongbo, đường Seungiu, Seoul, thuộc Trung tâm Nhân quyền phụ nữ di trú, Bộ Giới tính Bình đẳng và Gia đình Hàn Quốc (gọi tắt là Bộ Gia đình).
Tại đây, ngoài cô dâu Việt, các phụ nữ di trú còn tư vấn qua điện thoại bằng 5 thứ tiếng khác là Trung Quốc, Anh (chủ yếu cho cô dâu Philippines), Thái Lan, Mông Cổ và Nga.
Góc tư vấn cho cô dâu Việt cũng chỉ là một ô nhỏ với một chiếc máy vi tính để nhập dữ liệu hàng ngày, điện thoại, tai nghe và lá cờ Tổ quốc treo trang trọng. Vì nhiều lý do, ba phụ nữ Việt Nam tại đường dây nóng chỉ dùng bí danh và không được phép công khai tên thật và ảnh của họ cho đến khi còn ở trung tâm.
Đường dây nóng cho cô dâu Việt có quân số nhiều nhất với 3 chị là Áo Dài (33 tuổi, đến quê chồng Hàn Quốc từ năm 1997), Hà Nội (35 tuổi sống ở Hàn Quốc 13 năm) và Quê Hương (28 tuổi lấy chồng Hàn Quốc cách đây 5 năm).
Cả ba đều lấy chồng Hàn Quốc, sinh sống ở Seoul trong nhiều năm qua, giỏi tiếng Hàn, tư cách đạo đức tốt và phải trải qua ít nhất 2 tháng đào tạo trước khi trở thành cán bộ tư vấn.
Góc Việt Nam tại trung tâm đường dây nóng cho cô dâu ngoại. |
Khi PV đến đã là 21h và đường dây nóng chỉ còn Áo Dài ở lại trực máy. Chị cho biết, hiện mỗi tháng trung tâm nhận được hơn 500 cuộc điện thoại gọi tới nhờ tư vấn, trong đó có khoảng 300 cuộc là của các cô dâu Việt Nam. Con số này đang tăng lên rất nhanh vì ngày càng có nhiều người biết đến số điện thoại nóng của trung tâm.
1001 chuyện gia đình Việt - Hàn
Câu chuyện của chúng tôi với Áo Dài kéo dài tới tận nửa đêm. Chị kể, khó quên nhất là trường hợp cô dâu Việt tên L., 20 tuổi, mới từ Cà Mau sang An San (tỉnh Kyongki do) được 1 tuần đã gọi tới xin tư vấn để ly dị người chồng 35 tuổi và trở về nước ngay.
Vấn đề ở đây không phải là người chồng Hàn Quốc ngược đãi mà L. bị gia đình ở Cà Mau bắt ép phải lấy chồng ngoại dù cô đã tự vẫn một lần không thành để phản đối.
Trong vòng một tuần đầu ở Hàn Quốc, L. suốt ngày khóc lóc, đòi về vì nhớ nhà và gọi điện liên tục về quê tốn của gia đình chồng không ít tiền. Anh chồng người Hàn Quốc làm nghề thợ mộc rất thương yêu L. đã tìm tới tận Trung tâm khóc lóc, bày tỏ tâm sự và mong các chị em khuyên L. đừng bỏ mình.
Thậm chí anh chồng còn đồng ý cho L. trở về quê một thời gian sau đó sẽ sang đón, nhưng gia đình L. ở Cà Mau không đồng ý. Mặc dù các chị em ở đường dây ấm đã cố hết sức, nhưng cuối tháng Tư, L. và chồng đã nộp đơn lên tòa án chuẩn bị ly hôn.
Gần đây nhất có một trường hợp khác đáng thương là một cô dâu Việt bị bỏ rơi tại ga tàu điện ngầm ở Seoul và được các sinh viên Việt Nam tốt bụng đưa đến Trung tâm cho tá túc tạm và sau đó mua vé cho trở về Việt Nam.
Áo Dài kể rằng, cô dâu này sang Seoul mới được một tháng, nhưng không được chồng ưng ý nên trả lại cho người môi giới. Sau đó người môi giới bỏ mặc cô ở ga tàu điện ngầm. Cô dâu này không có bất kỳ thông tin nào về gia đình chồng hay người môi giới ở Hàn Quốc.
Trường hợp người chồng Việt Nam lấy vợ Hàn Quốc gọi đến nhờ tư vấn chưa từng xảy ra. Và ở trung tâm, trường hợp này cũng chỉ mới xảy ra với người chồng Trung Quốc, Mông Cổ.
Tuy nhiên, Áo Dài kể rằng có trường hợp khó quên với một nam lao động Việt Nam tên L. tại Hàn Quốc mới 24 tuổi phiêu lưu tình ái với một phụ nữ Hàn Quốc lớn tuổi hơn. Hai người yêu nhau khá thắm thiết, nhưng vấn đề là người phụ nữ đã lập gia đình và có con lớn. Vì không muốn gia đình đổ vỡ, người phụ nữ muốn cắt đứt quan hệ nên chàng trai rầu khổ và gọi đến trung tâm để tâm sự.
Áo Dài cho biết một con số đáng báo động rằng tỷ lệ ly hôn giữa các cặp cô dâu Việt - chồng Hàn Quốc hiện đã lên tới gần 40%. Tại Trung tâm, các chị em tư vấn Việt Nam nhận được điện thoại nhiều nhất và mỗi ngày có ít nhất 3 vụ cô dâu Việt hoặc chàng rể Hàn Quốc gọi tới tâm sự, xin tư vấn về việc ly hôn.
Theo số liệu mà các chị em tại “đường dây ấm” thu thập được, các chàng rể Việt ở Hàn Quốc chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn như thiếu tiền, bỏ vợ phải nuôi con riêng, phụng dưỡng cha mẹ già… nên không lấy được vợ bản địa.
Hầu hết cô dâu Việt khi sang Hàn Quốc đều muốn đi làm để có tiền gửi về phụ giúp gia đình, nhưng người chồng lại muốn vợ ở nhà phục vụ vì thế người vợ hoặc chồng đòi ly dị.
Nhiều mâu thuẫn nảy sinh không thể giải quyết được vì bất đồng ngôn ngữ, không hiểu được phong tục tập quán trong các gia đình, đặc biệt là luật pháp Hàn Quốc về vấn đề hôn nhân gia đình. Vì thế đường dây nóng từ lâu đã được các cô dâu Việt gọi là “đường dây ấm” khi họ gọi đến không chỉ xin tư vấn mà còn để trút bầu tâm sự.
Thậm chí có những cuộc gọi đến đường dây ấm của cô dâu Việt, chàng rể Hàn Quốc chỉ để nhờ dịch hộ một câu nói sang tiếng Việt hoặc tiếng Hàn để hai vợ chồng có thể nói chuyện với nhau.
Có trường hợp chỉ gọi điện đến nhờ dịch hộ đơn thuốc sang tiếng Hàn…Cả ba chị em đều từng gặp phải tình cảnh tương tự nên tư vấn của họ đã giúp ích rất nhiều cho các cô dâu Việt khác. Hàng trăm cặp vợ chồng Việt - Hàn sau khi được tư vấn, hiểu nguyện vọng của nhau, thông cảm cho nhau hơn và không đòi ly dị nữa.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội vừa cho biết, cơ quan thông tin Chính phủ Hàn Quốc vừa tổ chức một cuộc họp bàn về đối sách với vấn đề môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Theo đó, những biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc sẽ nhanh chóng triển khai nhằm hạn chế môi giới hôn nhân bất hợp pháp là: Chuyển hình thức hoạt động các cơ sở môi giới hôn nhân nước ngoài từ chế độ thông báo sang cấp phép; Cấm cơ sở môi giới hôn nhân hoạt động chồng chéo như vừa đưa người lao động ra nước ngoài vừa giới thiệu việc làm… Tiến hành phỏng vấn và định hướng trước khi kết hôn nhằm bảo vệ nhân quyền cho đối tượng kết hôn…
(Theo Tuổi Trẻ)