Thứ tư, 5/7/2023, 00:03 (GMT+7)

Đoan Trường giới thiệu đồ ăn, thức uống 'ngon, độc, lạ' ở 15 quốc gia

Ca sĩ Đoan Trường từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nếm thử không ít món ăn, thức uống độc đáo, trong đó có 'cà phê đắt nhất hành tinh' ở Indonesia, ốc ngón tay quỷ tại Bồ Đào Nha.

Theo Đoan Trường sở thích du lịch đó đây không chỉ giúp anh có cơ hội chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh mà còn là dịp để nam ca sĩ thưởng thức ẩm thực, đồ uống đặc trưng ở từng quốc gia.

'Tôi thích các loại đồ ăn, đồ uống thỏa ba tiêu chí 'ngon - độc - lạ'. Ngày nay ẩm thực không đơn thuần là dịch vụ ăn uống mà còn gắn liền với các yếu tố văn hóa, di sản, tâm linh, thiên nhiên hay khí hậu từng quốc gia, vùng miền', Đoan Trường nói.

Khi tới Indonesia, nam ca sĩ có dịp được tham quan trang trại nuôi cầy hương và thưởng thức cà phê Luwak làm từ phân của loài vật này. Cầy vòi hương được nuôi chủ yếu theo hình thức bán tự nhiên tại vùng đất Tampaksiring trên đảo Bali của Indonesia.

Theo Đoan Trường, mỗi bình cà phê lớn có giá khoảng 100 USD, tùy hương vị và cách chế biến. Đây được xem là loại cà phê đắt nhất hành tinh. Nước cất được đốt nóng bằng cồn bay hơi theo một đường ống hòa tan với cà phê đã được xay rất mịn. Sau khi uống lớp cà phê phía trên, phần bã tự lắng xuống đáy. Một bình cà phê đủ cho 4 người cùng uống. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác tự rang, xay và pha cà phê cho mình ở đây.

Trong ảnh, nam ca sĩ lần đầu ghé một ngôi chợ truyền thống ở Myanmar, nếm thử món dế chiên giòn. Những chú dế béo ngậy được phết dầu thơm lừng, ướp với các gia vị cay nồng như tỏi, ớt, tiêu và bột cà ri rồi chiên giòn, dậy mùi thơm.

'Thoạt nhìn món ăn này, ban đầu tôi cũng như nhiều du khách cảm thấy sợ vì trông đám dế giống những con gián. Ngoài ra, tôi còn lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vì không thấy người bán trùm túi nilon che chắn bụi đất cho mặt hàng này. Tuy nhiên, món ăn này có hương vị đặc biệt, béo, giòn, đậm đà', Đoan Trường kể.

Nam ca sĩ ấn tượng với món đậu phụ thối, nước ép khổ qua trắng và trà sữa Ô Long ở Đài Loan.

Đậu phụ chỉ rán giòn vàng bên ngoài, bên trong còn trắng, mềm mịn chấm nước tương tỏi ớt.

'Điều bất ngờ là ngửi thoáng quá món đậu phụ có mùi thối nhưng khi ăn tôi không còn thấy cái mùi khó chịu ấy nữa mà cảm nhận món này rất ngon, dễ gây nghiện', Đoan Trường nói.

Với món nước ép khổ qua thì người dân ở đây rửa sạch quả khổ qua trắng, bỏ ruột, ép nước, thêm chút mật ong, đá viên là thành món thức uống đốc đáo. Giá trung bình cho một ly khổ qua trắng khoảng 100 Đài tệ (80.000 đồng). Loại nước ép này giàu vitamin và khoáng chất, tốt cho người bệnh tiểu đường, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể.

Đài Bắc - thủ đô của Đài Loan - được mệnh danh là thủ phủ của các loại trà sữa vì đi khoảng 50 bước chân lại có một tiệm. Hạt trân châu trong trà sữa được làm bằng đường mật rất dẻo, độ ngọt vừa miệng hòa cùng nhiều loại trà khác nhau, đắt nhất là trà Ô Long (phải).

Nước Nga có món thịt xiên Shashlyk nổi tiếng. Thịt lợn hoặc thịt cừu không tẩm ướp gia vị, cắt miếng, xiên vào những chiếc que sắt nướng trên vỉ than hồng. Theo Đoan Trường, món này ăn cùng vài khoanh hành tây, khoai tây chiên, bánh mì chấm sốt mayonaise chanh, dùng nóng hay nguội đều ngon.

Thịt xiên Shashlyk là món bình dân, thường bán tại các công viên, phố đi bộ vào mùa hè và bán ở các nhà hàng vào mùa đông. Đoan Trường nói, khi còn là sinh viên học tại Nga, thập niên 1980, anh luôn bị mùi thơm của những xiên thịt nướng quyến rũ mỗi buổi đi học về.

Nam ca sĩ đã nếm thử món cơm bốc thịt hầm thập cẩm ở Sri Lanka. Món cơm này gồm cơm trộn chung với cá, gà, bò và thịt lợn hầm, ăn kèm các loại rau.

Theo Đoan Trường, nhiều người cảm thấy món cơm thập cẩm này khó ăn vì có quá nhiều nguyên liệu và các loại gia vị đậm mùi như hạt thì là, đinh hương, bột ớt, mù tạt, hoa hồi, gừng, quế.

'Khi ăn bốc ở Sri Lanka cần chú ý chỉ sử dụng tay phải vì đây là bàn tay đại diện cho sự công bằng, sạch sẽ và thanh khiết. Tay trái chỉ để cầm ly và khăn ăn', Đoan Trường nói.

Điều ca sĩ thấy ấn tượng nhất khi đến Mông Cổ là rất nhiều món ăn ở đây có nguồn gốc từ loài ngựa như: phô mai ngựa, sữa ngựa, rượu ngựa và thịt ngựa.

'Bàn ăn của người Mông Cổ luôn phải có thịt ngựa. Món thịt này thơm ngon, không mỡ và giá rẻ. Sữa ngựa với tên gọi 'Airag' là thức uống yêu thích của người Mông Cổ. Sau khi được vắt, sữa được lên men với độ cồn nhẹ, giàu vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên món sữa này không dễ uống với những du khách lần đầu nếm thử', Đoan Trường kể.

Ngoài các món trên, ở Mông Cổ, người dân còn dùng sữa ngựa làm sữa chua, nấu bia, làm bánh kẹo. Xương ngựa dùng nấu cao, phân ngựa làm chất đốt, lông ngựa dùng sản xuất áo choàng.

Ảnh Đoan Trường (thứ ba từ phải qua) ghé thăm một căn lều của người Mông Cổ, được mời dùng thử phô mai, sữa ngựa.

Bồ Đào Nha nổi tiếng với món Ốc ngón tay quỷ Percebes. Ốc này còn có tên khác là Ốc cổ ngỗng. Nó có hình dáng kỳ quái với chiếc cổ dài được bọc trong một ống màu đen, có móng vuốt trắng lởm chởm như ngón tay của quỷ.

Khi ốc luộc xong, thực khách dùng tay tách phần vuốt và phần ống để ăn phần thịt bên trong, chấm nước sốt bơ tỏi. Để đánh bắt loại ốc này ngư dân phải đi tàu ra biển, leo lên những vách đá cheo leo cao hơn 100 mét với sợi dây thừng và chiếc đục bên mình. Chỉ cần sơ sẩy là họ sẽ gặp nguy hiểm do bị những cơn sóng to xô vào gây bất tỉnh, ngã chết đuối hoặc gãy tay chân.

Ngư dân cần bắt ốc ngón tay quỷ một cách khéo léo vì nếu vỏ ốc bị vỡ, con ốc sẽ chết, không thể bán được giá cao. Mỗi ngư dân chỉ được phép bắt tối đa 15 kg ốc mỗi ngày. Giá mỗi kg ốc này khoảng 300 euro (tương đương 7 triệu đồng).

Món Trứng trà ở Trung Quốc cũng gây bất ngờ cho Đoan Trường. Đây là món ăn mặn với những quả trứng gà được luộc trong nồi nước trà để tạo ra những vân trứng đẹp mắt. Nguyên liệu trong nồi nước trà gồm nước tương, đường, muối, hạt tiêu, hoa hồi, đinh hương, quế, gừng.

Món ăn này được cho là mang lại nhiều may mắn và thịnh vượng nên được bày bán nhiều nơi, cả ở những quán ăn hè phố đến các nhà hàng sang trọng. Mỗi dịp Tết đến hay vào ngày sinh nhật, người dân thường ăn vài quả trứng trà để cầu mong hạnh phúc, bình an. Giá một quả trứng trà khoảng 2 tệ (6.000 đồng).

Món kem dẻo Maras Dondurma của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá độc đáo. Món này làm từ sữa, đường mật kết hợp nước ép trái cây.

Kem Maras Dondurma khác các loại kem thông thường nhờ vào độ dẻo dai đến khó tin. Mỗi lần mua kem, du khách được thưởng thức màn trình diễn cực kỳ ấn tượng của người bán. Họ dùng gậy để múc khối kem to, dài và nặng nhưng rất dẻo trong ánh mắt ngỡ ngàng của du khách mà không sợ kem tan chảy, rơi xuống đất.

Dubai có món chà là hổ phách nổi tiếng thế giới vì có hương vị ngọt vừa, thơm dẻo, ăn nhiều cũng không ngán. Loại quả này giàu vitamin A, B12, D, kali, magie, sắt, đồng. Một kg chà là Dubai sấy dẻo có giá dao động từ 500 nghìn đến một triệu đồng.

Ở Jordan có loại trà đen hoa quả độc đáo. Gọi là trà đen nhưng loại đồ uống này có màu hồng đậm, vị dịu, hương thơm nhẹ.

Trong khi trà xanh thường có hạn sử dụng khoảng một năm thì trà đen Jordan có thể bảo quản trong ba năm mà không mất hương vị. Theo Đoan Trường, khi dùng trà này, người bản xứ thường pha thêm lá bạc hà hay lá quế vào, cùng với các loại hoa quả sấy khô như xoài, dừa, dâu, chanh, táo, tạo vị ngọt. Ngoài ra, ở Jordan còn có trà Saffron (nhụy hoa Nghệ Tây) cũng rất nổi tiếng.

Trong ảnh, Đoan Trường chụp ảnh cùng một người đàn ông bán các nguyên liệu chế biến món trà đen ở Jordan.

Món bánh mỳ cuộn cơm hầm Thareed ở Qatar cũng khiến nhiều du khách thích thú. Món này là sự kết hợp của các loại rau củ như cà rốt, hành tây, khoai tây ăn với các loại thịt như thịt gà hoặc thịt cừu đã được nướng xiên. Khi dọn món ăn, đầu bếp sẽ lót một lớp bánh mì nướng xuống dưới rồi cho lớp cơm hầm Thareed lên trên rồi cuộn lại là có thể thưởng thức.

Israel có món Cá của Thánh Phêrô đánh bắt từ biển hồ Galilê - nơi được cho là địa danh Chúa Giêsu đã bày cách cho Thánh Phêrô thả lưới bắt cá.

Cá được bảo quản bằng cách ướp muối lấy từ vùng Biển Chết gần đó nên có vị mặn, dù là cá nước ngọt. Những con cá không tẩm ướp, đem nướng nguyên con, ăn cùng cơm gạo nâu đặc trưng của vùng Trung Đông và nhiều loại salad.

Nước Đức có món chân giò lợn hầm và chân giò quay giòn bì theo Đoan Trường cũng rất hấp dẫn.

'Từng miếng thịt chân giò mềm thơm hòa quyện cùng sốt kem béo ngậy, thơm nức khiến người chưa ăn thì thấy tò mò, người ăn rồi thì cứ mê mẩn mãi không thôi', Đoan Trường nói.

Đến Tây Ban Nha, du khách sẽ thấy các cửa hàng thực phẩm bán rất nhiều thịt lợn, chân giò đen muối xông khói.

Món ăn này được chế biến từ giống lợn đen chăn thả trong rừng, ăn những quả sồi trên mặt đất. Loại thịt này có giá đắt đỏ, từ 45 euro (khoảng một triệu đồng) đến 4.000 euro/kg (gần 100 triệu đồng).

Đoan Trường tên thật là Đoàn Phước Trường, hoạt động nghệ thuật từ thập niên 1990. Anh được khán giả biết đến khi thể hiện ca khúc Đơn côi (nhạc Hàn Quốc, lời Việt) - nhạc phim Ước mơ vươn tới một ngôi sao. Đoan Trường sử dụng được 5 ngôn ngữ là Nga, Anh, Pháp, Hoa, Hàn. Năm 2008, nam ca sĩ tạm ngưng hoạt động nghệ thuật để làm việc cho các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày ở nhiều vị trí quản lý cao cấp. Từ năm 2016, anh nghỉ hưu, bắt đầu hành trình du lịch, khám phá các quốc gia trên thế giới.

Hương Giang
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới