![]() |
Các lao động của Công ty Vạn Xuân chờ |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một cuộc thi tiếng Hàn có quy mô lớn như vậy kể từ khi chúng ta đưa lao động sang Hàn Quốc theo luật cấp phép lao động mới, tháng 8/2004.
Để đến được cuộc thi tuyển ngày 9/4, các thí sinh ở phía bắc đã phải đăng ký tại trụ sở Sở LĐTBXH Hà Nội (75 Nguyễn Chí Thanh) từ 30/3. Hàng nghìn người đã tập trung tại đây để chờ được thi tuyển.
Một lao động tên là Thành cho biết: "Tôi đã chờ đợi cả buổi chiều mà vẫn chưa đăng ký được. Có lẽ sáng mai phải đến thật sớm xếp hàng, may ra...".
Rất nhiều người, dù không biết tiếng Hàn, nhưng bị thu hút bởi chương trình đi lao động nước ngoài hấp dẫn, vẫn chen vào đăng ký. Lượng người đến sơ tuyển đông đến nỗi Cục Quản lý lao động ngoài nước phải kéo dài thời gian tiếp nhận đăng ký thêm 3 ngày.
Ông Nguyễn Thanh Hoà, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: "Chương trình đi lao động HQ theo luật cấp phép lao động của phía Hàn Quốc (bắt đầu từ tháng 8/2004) là một chương trình rất hấp dẫn đối với người lao động VN. Với mức thu nhập trung bình 1.000 - 1.300 USD/tháng, điều kiện làm việc tốt. Đối tượng tuyển chọn lao động theo chương trình cấp phép mới thời gian đầu chỉ gói gọn trong nhóm bộ đội xuất ngũ, học sinh trường nghề, đến nay đã mở rộng cho tất cả những người có nhu cầu, miễn là trong độ tuổi 18-39, không tiền án, tiền sự, không thuộc diện cấm xuất cảnh, hoặc nhập cảnh vào HQ".
![]() |
Người lao động đổ xô đăng ký thi |
Cũng theo ông Hoà, việc qua được kỳ thi kiểm tra và được cấp chứng chỉ tiếng Hàn chỉ là một trong những tiêu chuẩn để được đăng ký đi lao động tại HQ. Việc có được đi hay không còn phụ thuộc vào chỉ tiêu phía HQ phân bổ cho VN, sự chấp thuận của chủ sử dụng...
Do khu vực phía bắc có đông thí sinh dự thi nhất, nên những điểm thi tại Hà Nội phải tổ chức làm 2 đợt. Đợt đầu tiên vào sáng 9/4, có tới 3.900 thí sinh, tổ chức thi ở 3 địa điểm, gồm: Đại học Ngoại ngữ, Ngoại thương và Đại học Lao động Xã hội. Đợt thứ hai dự kiến sẽ thi vào ngày 23.4 với trên 2.500 thí sinh.
Theo các giám khảo, so với các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Trung Quốc, tiếng Hàn còn khá xa lạ. Đa số thí sinh dự thi chỉ mới bổ túc được 1-3 tháng tiếng Hàn, nên có khá nhiều thí sinh đã không thể vượt qua được bài thi (gồm nghe viết và nghe nói) dù đề thi không quá khó (thí sinh chỉ cần đọc, nói, viết được những câu khẩu lệnh đơn giản). Thậm chí, nhiều thí sinh phải bỏ trống bài.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoà, trong 2 năm 2004-2005, VN đã gửi hơn 15.000 hồ sơ sang HQ, phía bạn đã chấp nhận khoảng 92%, đạt tỉ lệ cao nhất so với 6 quốc gia phái cử lao động đến HQ (gồm VN, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Mông Cổ và Philippines). Số lao động VN trốn hợp đồng thấp nên được phía bạn khá hài lòng. Được biết, khoảng 2-3 tuần nữa, kết quả thi sẽ được công bố trên mạng của Uỷ ban Kiểm tra năng lực tiếng Hàn (địa chỉ www.klpt.org).
Ngoài chương trình đưa lao động theo luật cấp phép mới (do Trung tâm Lao động ngoài nước - Cục QLLĐNN tuyển chọn và cung ứng), VN vẫn đang song song đưa lao động sang HQ theo các chương trình khác như chương trình thẻ vàng (lao động kỹ thuật cao), tu nghiệp sinh công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng.
Những doanh nghiệp VN được phép đưa lao động sang HQ theo các chương trình trên gồm: LOD, Sovilaco, IMS, Oleco, Suleco, Tracimexco, Tracodi, Vinaconex, Simco, Vạn Xuân, Sona, Châu Hưng, Vietcom, Vinamotor, Vietracimex, Intraco Cửu Long, AIC... Người lao động đi theo chương trình thẻ vàng sẽ làm việc trong 3 năm, lương thấp nhất 1.500 USD/ tháng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động với nước ngoài, đến nay cả nước đã đưa được hơn 17.000 người đi xuất khẩu lao động (trong đó lao động nữ là gần 5.000 người), đạt 25% kế hoạch năm. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động VN nhất là Malaysia (hơn 7.000 người), tiếp đến là HQ (hơn 4.000) và Đài Loan (hơn 2.000)... |
(Theo Lao Động)