Bệnh viện Bình Dân TP HCM được Chính phủ chọn là bệnh viện công đầu tiên thí điểm cổ phần hóa. |
Không có hàng
Nhiều nhà đầu tư đang lấy làm lạ vì sao thị trường OTC nóng như thế nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy CP của BV Triều An, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng những tên tuổi khá nổi tiếng trong làng BV tư như Medic, Hoàn Mỹ, Phụ sản quốc tế Sài Gòn...
Ông Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, khẳng định CP của BV không có mặt ngoài thị trường mặc dù số lượng cổ đông của BV đã vượt quá 100. “Mọi người gần như không có nhu cầu chuyển nhượng”, ông Huy nói.
Tại Hoàn Mỹ, đề tài CP sẽ được phát hành cho nhân viên cũng đã được bàn tán rôm rả trên bàn ăn trưa của các bác sĩ từ mấy tháng qua, đặc biệt thông tin quĩ đầu tư Dragon Capital (DC) đang “nhòm ngó” CP của BV này. Ông Dominic Scriven, giám đốc DC, xác nhận “đang hoàn chỉnh phương án đầu tư vào Hoàn Mỹ”. “Chúng tôi còn nhiều chuyện phải bàn bạc, bây giờ nói ra hơi sớm. Tuy nhiên, Hoàn Mỹ sẽ là một điển hình về cam kết đầu tư dài hạn của DC vào VN. Đây là một nhóm các BV, và chúng tôi muốn hỗ trợ cả nhóm này thiết lập một nền tảng vững chắc để lớn lên”, ông Dominic nói.
Hiện có hai quỹ đầu tư cùng tham gia “đường đua” đầu tư vào Hoàn Mỹ. Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ VFM, đơn vị quản lý quĩ VF1, cho biết: "Hiện VF1 đã nắm hơn 10% vốn điều lệ trong BV đa khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng". "Muốn đầu tư vào cả group này phải đi qua từng cái nhỏ. Lúc đầu bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH BV đa khoa Hoàn Mỹ, cũng không muốn nhận đầu tư, nhưng sau nhận thấy tính hữu ích khi quỹ VF1 hỗ trợ BV khá nhiều nên sắp tới việc chúng tôi bước vào cả group hy vọng cũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Tân cởi mở.
Tại Medic, nhiều nhân viên cũng đang “ngóng” việc phát hành CP nội bộ nhưng một bác sĩ chuyên chơi CP cho biết “chưa thấy ban giám đốc nói gì hết”.
Ngóng chờ cổ phần hóa
BV Bình Dân dạo gần đây cũng trở nên nổi tiếng do liên tục được nhắc đến là trường hợp cổ phần hóa (CPH) đầu tiên của khối BV công. Dự thảo đề án CPH còn đang nằm chờ trên bàn lãnh đạo thành phố, rồi còn phải cần thêm thời gian để trình lên Chính phủ, nghĩa là thời điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của BV Bình Dân vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, ở bên ngoài giới “cò” đang rao bán quyền mua cổ phần BV Bình Dân với giá bảy chấm ba (73.000 đồng/quyền mua một cổ phần).
Dẫu vậy, Duyên, một “cò” chứng khoán, vẫn tỏ ra ngần ngại khi môi giới bán mua CP của BV Bình Dân. “Nhiều người hỏi quá tôi đành phải “săn” hàng để đáp ứng, chứ thật ra chờ biết đến bao giờ CP Bình Dân mới ra thị trường. Vì vậy ai tỏ ý muốn mua CP BV tôi cũng nhiệt tình quảng bá cho Triều An, bởi đây mới là hàng thật. Còn CP Bình Dân ai hỏi thì tôi nói có, nhưng trong lòng cũng thấp thỏm không biết mặt mũi nó thế nào”, Duyên tâm sự.
Theo bác sĩ Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV Hùng Vương, gần đây bà cũng liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi về tiến trình CPH BV Hùng Vương. “Chúng tôi chưa khởi động gì cả vì đã nhận được ý kiến chỉ đạo chính thức từ Sở Y tế đâu. Có lẽ phải chờ đến khi Bình Dân xong mới đến lượt Hùng Vương”, bà Nhung nói. Còn bác sĩ Trần Thị Phương Thu, giám đốc BV Mắt TP HCM, cho biết BV sẽ không CPH toàn bộ mà sẽ chỉ thực hiện đối với khoa bán công kỹ thuật cao theo hướng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.
Cổ phần hóa bệnh viện: hùn vốn chứ không bán
Ngày 13/4, Ủy ban MTTQ VN TP HCM đã tổ chức hội nghị góp ý chủ trương CPH một số bệnh viện, trường học tại TP HCM.
Ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP HCM, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương CPH của Nhà nước, nhưng chính sách này chỉ phát huy tác dụng đối với các cơ sở kinh tế, nhà máy, xí nghiệp..., còn bệnh viện và trường học là hai đơn vị sự nghiệp, hai lĩnh vực thuộc cơ sở hạ tầng của xã hội, không thể xem giống như doanh nghiệp”.
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP, đi sâu phân tích những khó khăn về tài chính của các bệnh viện công và khẳng định: “Nhà nước sẽ giữ 60% cổ phần trong Bệnh viện Bình Dân để đảm bảo định hướng phát triển, 20% sẽ được bán cho cán bộ công nhân viên và 20% bán đấu giá ra bên ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi không... bán gì cả, chỉ kêu gọi người khác hùn vốn vào phát triển bệnh viện thôi. Hùn vốn chứ không bán!”.
Ông Dũng cũng cho biết để hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng chính sách, Bệnh viện Bình Dân trong đề án đã kiến nghị thành phố cho phép giữ lại phần cổ tức sẽ trả cho phần vốn của Nhà nước.
Theo bác sĩ Cái Phúc Thắng, Phó trưởng phòng khoa giáo Ban tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP HCM, “mục tiêu của CPH vẫn là đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người dân theo đúng tiêu chí an toàn, đáng tin cậy và rẻ. Nếu CPH, bệnh viện vận hành tốt hơn, chi phí rẻ hơn thì giá khám chữa bệnh thậm chí còn rẻ hơn. Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ là nền tảng để bệnh viện tiếp tục đi theo định hướng phục vụ nhân dân”.
(Theo Tuổi Trẻ)