Thứ sáu, 26/7/2024, 12:00 (GMT+7)

Diễn viên hồi sinh, 'hack tuổi' trên phim Hollywood

Kỹ xảo CGI và công nghệ AI đưa Paul Walker 'sống lại', làm Brad Pitt trở thành cụ già, đưa Thành Long và nhiều sao gạo cội trở về tuổi đôi mươi.

'X-Men: The Last Stand' là phim đầu tiên sử dụng kỹ xảo để trẻ hóa diễn viên. Ở cảnh hồi tưởng 20 năm trước khi các sự kiện chính trong phim xảy ra, tác phẩm tái hiện khoảnh khắc giáo sư X và Magneto chiêu mộ Jean Grey đến trường học dị nhân. Vào vai khi đã ngoài 60 tuổi, hai tài tử Patrick Stewart và Ian McKellen được áp dụng phương pháp 'ghép da kỹ thuật số', xóa đi các nếp nhăn trên mặt để có dung mạo trẻ hơn 20 năm.

Ở hiện trường, hai diễn viên diễn xuất bình thường. Khi dựng phim, các chuyên gia kỹ xảo tổng hợp hình ảnh thời trẻ của cả hai kết hợp với đồ họa máy tính, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ thẩm mỹ để làm phẳng các nếp nhăn và tránh việc chỉnh sửa quá đà. Dù vậy, khi 'X-Men: The Last Stand' ra mắt, một bộ phận khán giả đánh giá hình ảnh trẻ hóa của diễn viên giống tượng sáp hơn người thật.

'The Curious Case of Benjamin Button' kể về Benjamin Button, một nhân vật lão hóa ngược. Vào vai Benjamin, Brad Pitt lúc trẻ hơn, khi già đi trên màn ảnh khiến người xem kinh ngạc. Với hình ảnh gương mặt nam diễn viên được chụp đa chiều bằng công nghệ Mova Contour, các kỹ thuật viên hậu kỳ chỉnh sửa tinh vi từng chuyển động cơ mặt ứng với nhiều độ tuổi, từ sơ sinh đến trưởng thành. Sau đó, họ ghép đầu của Brad Pitt vào những cơ thể lớn nhỏ khác nhau để tạo hiệu ứng chân thật nhất. Ở lễ trao giải Oscar lần thứ 81, dự án điện ảnh của đạo diễn David Fincher nhận về giải 'Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc'.

Tháng 11/2013, Paul Walker đột ngột qua đời. Lúc đó, phần 7 của 'Fast & Furious' đang ghi hình. Sau 6 tháng ngừng quay để tìm kiếm phương án thay thế, nhà sản xuất quyết định dùng CGI để 'tái sinh' nam diễn viên trên màn ảnh, viết lại kịch bản để nhân vật Brian O'Conner có một cái kết đẹp trong lòng người hâm mộ.

Để thực hiện ý tưởng này, đạo diễn James Wan cùng những kỹ thuật viên thu thập tất cả hình ảnh của Paul trong các phần phim trước, tạo thành ngân hàng dữ liệu số khổng lồ bao gồm sắc mặt, chuyển động và âm giọng của nam diễn viên. Họ mời bốn diễn viên đóng thế các cảnh chưa quay của Paul, trong đó có hai em trai của tài tử. Ở giai đoạn dựng phim, đạo diễn kết hợp chuyển động cơ thể của diễn viên đóng thế cùng những hình ảnh khuôn mặt được trích xuất từ kho dữ liệu về Paul để nam diễn viên sống lại trên màn hình,

'Gemini Man' kể về mối quan hệ giữa tên sát thủ Henry và người nhân bản mang tên Junior. Trong dự án điện ảnh của đạo diễn Lý An, Will Smith đảm nhận cả hai vai Henry và Junior. Hai nhân vật cách nhau gần 30 tuổi, Will Smith phải nhờ sự trợ giúp của CGI khi vào vai Junior. Tại trường quay, nam diễn viên dán nhiều chấm tròn trên mặt, đội một chiếc mũ để thu lại các chuyển động cơ mặt.

Đồng thời, đạo diễn tìm kiếm và tổng hợp hình ảnh Will Smith trong các tác phẩm cách đó 25 năm, sau đó ghép chúng vào gương mặt hiện tại của tài tử. Song, phản ứng của giới phê bình và công chúng với tác phẩm không tích cực. 'Gemini Man' bị chê trách vì lạm dụng kỹ xảo, nội dung nhạt nhòa, khuôn sáo và bị nhận định là màn tái xuất gây thất vọng của đạo diễn Lý An.

'The Irishman' của đạo diễn Martin Scorsese tập hợp ba tài tử gạo cội của điện ảnh thế giới trong cùng một phim. Phim kể câu chuyện kéo dài hàng thập kỷ của Frank Sheeran (Robert De Niro), một gã giang hồ đã rửa tay gác kiếm.

'The Irishman' đã thúc đẩy một công nghệ mới giúp trẻ hóa diễn viên, khi Martin Scorsese không muốn các diễn viên phải đội mũ ghi chuyển động vì chúng có thể ảnh hưởng đến diễn xuất. Qua đó, ba máy quay hồng ngoại đặt ở nhiều chiều sẽ đồng loạt ghi lại các góc độ trên gương mặt diễn viên và thu thập dữ liệu. Về sau, các dữ liệu này sẽ được sử dụng trong giai đoạn chỉnh sửa kỹ xảo, thiết lập mô hình 3D và giúp các tài tử đã ngoài 70 trông trẻ lại 30 năm mà không bị các thiết bị cản trở lúc quay hình.

Carrie Fisher đột ngột qua đời vào năm 2016 vì nhồi máu cơ tim trên máy bay. Vai diễn công chúa Leia của bà trong loạt phim 'Star Wars' là một nhân vật mang tính biểu tượng cao, có sức ảnh hưởng lớn trong văn hóa đại chúng toàn cầu. Ở phần kết của 'Star Wars', đội ngũ làm phim quyết định dùng CGI để tái tạo hình ảnh Carrie trên màn ảnh, như một cách tri ân di sản nữ diễn viên quá cố đã để lại cho thương hiệu điện ảnh lâu năm.

Billie Lourd, con gái Carrie Fisher, nhận nhiệm vụ diễn hình thể của mẹ. Về sau, đạo diễn kết hợp cơ thể của Billie với các đoạn phim cũ của Carrie thời trẻ để mang nhân vật công chúa Leia trở lại màn ảnh.

'Indiana Jones and the Dial of Destiny' đánh dấu bước cải tiến trong công nghệ trẻ hóa diễn viên, khi phối hợp giữa CGI truyền thống và công nghệ AI. Ở cảnh hồi tưởng Indiana Jones đối đầu với lực lượng Đức Quốc xã năm 1944, Harrison Ford trông trẻ hơn 35 năm.

Với một thương hiệu điện ảnh kéo dài hơn 40 năm và không thay đổi diễn viên chính, nhà sản xuất sở hữu kho dữ liệu khổng lồ về gương mặt, hình thể và giọng nói của Harrison Ford khi còn trẻ. Sau đó, họ dùng trí tuệ nhân tạo phân tích và chọn lọc dữ liệu, tái lập một mô hình 3D và sử dụng công nghệ FaceSwap để thay đổi khuôn mặt. FaceSwap giúp Harrison Ford có thể tự do diễn xuất mà không cần phải đánh dấu các điểm trên gương mặt. Song, khi lên phim, kỹ xảo trẻ hóa tài tử 80 tuổi lại khiến khán giả bị phân tâm và tạo nên luồng ý kiến trái chiều.

Ở tuổi 70, Thành Long vào vai một nhà khảo cổ học, xuyên không về quá khứ và trở thành vị tướng Triệu Chiến 27 tuổi trong phim 'A Legend'. Đạo diễn Stanley Tong kết hợp các cảnh quay truyền thống cùng công nghệ AI để giúp ngôi sao hành động có thể trở về tuổi đôi mươi, không cần diễn viên thay thế. Song, việc làm này của đội ngũ sản xuất lại vấp phải nhiều tranh cãi từ phía khán giả.

Sau các suất chiếu sớm, nhiều người xem cho rằng sự can thiệp quá mức của AI khiến biểu cảm nhân vật Triệu Chiến gượng gạo và đơ cứng. Ở một số đoạn giao chiến, hình ảnh Thành Long chiến đấu hay đau đớn khi bị chấn thương làm khán giả bối rối, không biết nhân vật thực sự đang khóc hay đang cười.

'Here' đánh dấu sự tái hợp của Tom Hanks và Robin Wright sau 30 năm phát hành tác phẩm 'Forrest Gump' họ cùng góp mặt. Ở dự án mới nhất, cặp sao vào vai đôi vợ chồng đối mặt nhiều biến cố qua thời gian, từ khi còn là cặp tình nhân thuở đôi mươi đến lúc cùng xây dựng tổ ấm.

Với các cảnh trẻ hóa diễn viên, đội ngũ kỹ thuật sử dụng công nghệ 'sự sống siêu hình học' – một phương pháp phối hợp giữa việc hóa trang diễn viên với công cụ quét dữ liệu bằng AI, giúp tăng và giảm tuổi thọ nhân vật. Qua đó, nhà làm phim thu thập dữ liệu từ các đoạn phim, video phỏng vấn của các diễn viên ngày xưa và lồng ghép chúng với nét diễn xuất hiện tại. Tờ IndieWire ghi nhận Robin Wright (58 tuổi) sẽ trở về tuổi 19 trong tác phẩm sắp ra mắt.

Đỗ Hoàng

Đánh giá phiên bản mới