Hoàng Thùy Nhi trong ngày tốt nghiệp. |
Thạc sĩ Lê Vinh An, người đã 27 năm trong nghề nhận xét về bài làm trên như sau: “Tôi chưa thấy học sinh nào có tư duy mạch lạc, sáng tạo hay đến như thế. Ngành Sư phạm, khối M chưa cập nhật xong số liệu, nhưng với sự giúp đỡ của Ban Đào tạo ĐHĐN, chúng tôi đã tìm được “thân chủ” của điểm 10 đột phá này. Đó là một học sinh khá “đặc biệt”.
Đông Hà vẫn nắng như đổ lửa, gió Lào che mấy lớp khăn còn lùa rát mặt. Con đường về làng Điếu Ngao vắng vẻ, nhà cửa khá thưa thớt bởi đây là vùng ven thị xã. Cô bé da ngăm đen, lui cui từ trong nhà bếp bước ra, tay còn lấm lem than củi, nhìn khách ngạc nhiên. Thùy Nhi vừa đi chợ về và đang chuẩn bị nấu cơm trưa.
Bố làm công tác hành chính tại trường tiểu học, mẹ bị bệnh tim nặng, sức khỏe rất yếu, nhà có 4 anh em nhưng chỉ Nhi là gái, nên kể cả những ngày ôn thi cao điểm, em vẫn sắp xếp thời gian để giúp mẹ.
Cả nhà trông chờ vào đồng lương của bố và hơn sào đất cằn cỗi. Thi thoảng có buồng chuối chín, Thùy Nhi lại chở ra chợ, còn hầu hết các sáng, em vẫn cùng chiếc xe đạp đứng bên ngã ba đường làng, bán những mớ rau lang, rau cải do tự tay mình trồng...
“Cũng bởi đứng ngoài đường bán rau miết, hắn mới đen thui rứa đó”, chị Nguyễn Thị Hiếu đang nằm trên giường, dáng vẻ mệt mỏi, đã bật dậy và oà khóc khi nghe tin con gái đạt điểm 10 môn Văn.
Anh Hoàng Chất, bố của Thùy Nhi đang họp ở trường, nghe tin đã tức tốc bỏ họp chạy về nhà. “Có thiệt không cô? Thực ra thì khi đi thi về, hắn đã nói nắm chắc điểm 9, cùng lắm là 8 môn Văn, tôi tin nhưng cũng lo lo. Chừ mới tin là thực. Tôi hạnh phúc quá”.
Anh Chất cho biết, năm lớp 9 Nhi bị bệnh nặng, kết quả học tập giảm sút không đủ tiêu chuẩn vào trường THPT công lập, em trở thành học sinh của Khối văn hoá THPT, thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh Quảng Trị.
Tuy phải đi trên con đường ít người muốn, nhưng ý chí tiến thủ và lòng hiếu học của cô bé không hề suy giảm. Thậm chí, Nhi càng phấn đấu học giỏi “để chứng tỏ trong môi trường nào cũng có thể học tập tốt".
Thầy giáo Xuân Phùng, vừa nhắc tên Nhi đã nhớ ngay: “Hắn bí thư Đoàn lớp chớ mô, mấy năm liền lận. Hắn học giỏi, chăm ngoan và đặc biệt hát hay lắm!”.
Nhi gần như tự học và cách học Văn của em rất khoa học. Em nói như một nhà triết lý: “Cuốn sách nào cũng có cái hay của nó nếu chúng ta biết tìm kiếm và sàng lọc”. Với quan niệm đó, Nhi đọc rất nhiều. Đọc, nghiền ngẫm từng lời văn và những ý hay được em ghi chép lại rất cẩn thận.
Tập làm văn với Thùy Nhi gồm 2 công đoạn: Đọc sơ lược tác phẩm- tìm sườn ý- đọc lại tác phẩm- lập dàn bài và viết tự do theo cảm xúc và ý tưởng sẵn có trong đầu- xem lại sách và các tài liệu, bổ sung hoàn chỉnh các dẫn chứng- sắp xếp lại nội dung, chau chuốt ý tứ, câu chữ- viết hoàn chỉnh.
Tất cả các bài làm xong Nhi đều nhờ thầy cô xem giúp. Nếu có phần bị sửa chữa, em tự bắt mình xem xét thật kỹ, làm lại đến mức hoàn thiện.
Khi hỏi: “Thời gian Thùy Nhi dành cho môn văn như thế nào?”, Nhi trả lời: “Những lúc thanh tịnh nhất, đầu óc tỉnh táo nhất, lúc bắt đầu vào ngày mới. Vừa trải qua giấc ngủ dài, tinh thần minh mẫn sẽ nhớ lâu và nghĩ ra nhiều ý tưởng mới lạ”.
PG.STS Nguyễn Phong Nam, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Sư phạm Đà Nẵng, đã hết lời khen bài làm của Thùy Nhi đặc biệt xuất sắc ở phần bình thơ. Em đã có cách học đúng và kết quả hôm nay hoàn toàn xứng đáng với sự dày công đó.
(Theo Tiền Phong)