Ông Dương Quát và cây A năng được xem là có công dụng tránh thai. |
>> Đi tìm chiếc lá tránh thai (phần 1)
Trong câu chuyện của ông Tám, dù chỉ một chút thoáng qua thôi, nhưng chúng tôi để ý ngay đến tên một người mà ông gọi là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cây... tránh thai này.
Ông có tên là Dương Quát, nguyên là Chủ nhiệm UB Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) tỉnh Quảng Trị. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu và đang làm Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ mồ côi và tàn tật của tỉnh.
Ở thị xã Đông Hà, hỏi ông Dương Quát thì nhiều người biết. Ngôi nhà 3 tầng khang trang của ông ở 57 đường Lê Thế Hiếu. Ấn tượng đầu tiên về một bác sĩ đã đi qua chiến tranh, một thầy thuốc ưu tú là sự khiêm nhường và cẩn trọng ngay cả trong lời nói cũng như cách đặt vấn đề.
Ông vào chuyện: “Đúng, có cây thuốc... tránh thai đó. Chúng tôi đã có đề tài nghiên cứu nó cách đây hơn 10 năm. Người dân tộc Vân Kiều nói riêng và các tộc người trên dãy Trường Sơn nói chung biết đến cây thuốc này từ bao giờ thì không ai rõ".
Duy có điều này là chính xác, năm 1994, nhiều người trong Hội Đông y Hướng Hóa, trong đó có ông Tám đưa ra việc dùng lá cây thuốc này vào áp dụng cho KHHGĐ. Nhưng theo tôi, nếu chưa được nghiên cứu một cách bài bản và khoa học thì rất mạo hiểm.
Bởi đối tượng áp dụng là con người. Không thể lấy chủ nghĩa kinh nghiệm ra áp đặt được. Thế là chúng tôi thống nhất đề xuất trình UBND tỉnh xin triển khai đề tài nghiên cứu này.
Và ngày 20/11/1995, UBND tỉnh có Quyết định số 1180/QĐ-UB do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bường thời đó ký, cho phép triển khai nghiên cứu đề tài. Đề tài có tên “Đề tài nghiên cứu thuốc dân tộc cổ truyền thực hiện KHHGĐ”.
Bắt đầu cuối năm 1995, đề tài về cây thuốc tránh thai (chúng tôi tạm gọi) khởi động. Những người thực hiện đề tài đã đến các bản làng của người dân tộc tham gia phỏng vấn.
120 người Pa Kô, Vân Kiều của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được hỏi, thì có đến 80 người thừa nhận trong dân tộc họ từ xưa đã có dùng 4 loại cây thuốc vào việc hạn chế sinh đẻ.
Các loại cây mà các già làng, trưởng bản còn nhớ được và có thể tìm và nhận dạng gồm:
Cây A năng. |
Cây A năng đất có tác dụng thôi sinh nở vĩnh viễn. Cây A năng tuồng thì có tác dụng làm sẩy thai. Cây A năng suất lại có tác dụng tránh thai (khi đeo vào người thì không mang thai. Không đeo, lại có thai bình thường). Cây xa đỏ lại có tác dụng kích thích đẻ nhanh (dùng cho những sản phụ khó đẻ).
Từ những thông tin quý báu trên, những người thực thi đề tài đã tìm và đưa 4 loại cây trên về trồng và nhân thành 35 cây trong khu đất nghiên cứu...
Cùng ông Quát đi ra phía sau vườn, trên hai chậu cảnh bình thường có một loại cây na ná như địa lan. Ông Quát bảo đó là hai loài A năng cơ bản dùng cho việc tránh thai.
Ông giới thiệu rằng loài A năng này dễ sinh sản. Nó có thể nhân bằng củ và có thể nhân bằng dâm lá kiểu như cây sống đời. Nếu đề tài của chúng tôi thành công và đưa vào sử dụng thì việc nhân rộng giống cây này vài chục héc ta không thành vấn đề.
Theo ông Quát, hiện nay, thuốc tránh thai được sử dụng là hóa dược (chủ yếu là các hoóc-môn). Nhiều nhà khoa học chú ý phân tích các hoá chất có trong thức ăn chính của những vùng có tỷ lệ phát triển dân số thấp, như Tây Tạng, thì kết quả cho thấy các chất thu được là các chất tương tự hoóc môn.
Chúng tôi cũng có thông tin, không riêng gì người Pa Kô, Vân Kiều mà một số dân tộc khác ở phía bắc cũng có dùng một số lá cây để ngừa thai, nhưng chưa có tài liệu nào sưu tầm, nghiên cứu được công bố.
Mục tiêu của chúng tôi là xác định giá trị ngừa thai (vĩnh viễn, tạm thời, sẩy thai) của loài cây mà chúng tôi đang có để từ đó tìm ra một dạng bào chế thích hợp áp dụng rộng rãi trong KHHGĐ. Chúng tôi đã bền bỉ như vậy suốt mấy năm trời, đã đi được hơn 80% quãng đường và... không đi tiếp nữa.
Ngày đó, ông Mai Kỷ, Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDSKHHGĐ đã rất ủng hộ đề tài này. Một loạt các nhà khoa học tên tuổi đã tham gia hợp tác như phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Giang Mai, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Thiện, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hữu Doanh, giáo sư, tiến sĩ Vũ Văn Chuyên...
Nhiều cơ quan khoa học uy tín khác như Trung tâm nghiên cứu các cây thuốc Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu sức khỏe sinh sản và KHHGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội... cũng tham gia hợp tác và thực hiện đề tài này. Kết quả mang lại rất khả quan.
Cây A năng của người Pa Kô, Vân Kiều mà đề tài đang nghiên cứu đã được giáo sư, tiến sĩ Vũ Văn Chuyên, Trưởng bộ môn thực vật ĐH Dược Hà Nội xác định thuộc họ Amarylli Deceae, chi Crinum. Chưa xác định được loài, nhưng gần loài Cirinum Serrulatum nhất.
Xác định độc tính cấp của cây thuốc trên chuột nhắt cho thấy độc tính không cao. Xác định tác dụng của cây thuốc đến khả năng động dục và sinh sản trên thỏ với hai chế phẩm đeo và tiêm cho thấy dù ở dạng đeo hay dạng tiêm đều không ảnh hưởng đến khả năng động dục của thỏ (nói rõ hơn là không hề ảnh hưởng đến tình dục).
Và 80% số thỏ được giao phối không thụ thai nếu đeo hoặc tiêm chế phẩm từ cây A năng. Điều đáng ghi nhận nhất của loại chế phẩm này là khi dùng thí nghiệm trên thỏ chưa phát hiện thấy bất cứ một tai biến nhỏ nào.
Từ những kết quả khả quan đó, rất may mắn đã có 20 người trong độ tuổi sinh đẻ, khỏe mạnh tình nguyện áp dụng thử. Cách thức thử cũng cực kỳ thô sơ và đơn giản.
Lá của cây A năng xay nhỏ, dạng bột và đóng gói 1 gam. Người tình nguyện chỉ việc đeo thường xuyên vào người ở nơi thuận tiện nhất. Thời gian thử nghiệm 2 năm (từ 1/1/1997 - 30/12/1998).
Kết quả thật tuyệt vời. Sức khỏe, tâm sinh lý của những người thử hoàn toàn bình thường. Số người mang thai chỉ 2/20 người ( tỷ lệ tránh thai 90%). Kết luận kết quả nghiên cứu ban đầu đã cho thấy dùng cây A năng trong KHHGĐ đơn giản, thuận tiện, rẻ tiền, không có tai biến, sức khoẻ, sinh lý bình thường.
10% người tình nguyện thử mang thai có thể do quên không đeo thuốc khi giao hợp, hoặc thiếu tự giác và những người thực hiện đề tài cũng chưa có điều kiện cơ sở vật chất để theo dõi, kiểm soát một cách chặt chẽ...
Những tưởng, có được kết quả bước đầu khả quan như vậy thì mọi việc sẽ “xuôi chèo mát mái”. Nhưng không, do đề tài đòi hỏi phải thêm một thời gian dài vừa đủ nữa để tiếp tục nghiên cứu những phần còn lại như: Xác định thêm về độc tính của nó, những tai biến và các phản ứng phụ trên nhiều thể tạng người khác nhau...
Đến lúc, khẳng định được tính an toàn cao của nó thì sẽ đưa ra sản xuất đại trà và phổ biến rộng rãi. Nhưng kinh phí eo hẹp, không cho phép những người thực hiện đề tài tiếp tục.
Ông Quát trầm tư: “Ngày đó chưa thoáng như bây giờ. Vẫn cát cứ và bó hẹp lắm. Nếu như bây giờ kêu gọi hợp tác và đầu tư cùng chia sẻ thì chắc đã có thuốc thảo dược tránh thai made in Vietnam rồi. Có một vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hẳn hoi đã tìm đến tôi và “mặc cả”, nếu tôi cung cấp đầy đủ tư liệu về cây thuốc này, ông ta sẽ mời tôi sang Mỹ. 75.000 USD chờ tôi bên đó. Tôi đã thẳng thừng từ chối”.
Chia tay chúng tôi ông Quát cứ day dứt: "Chỉ còn chưa đầy 20% quãng đường còn lại, thế mà chúng tôi đành bỏ dở. Thành công của loại thuốc này sẽ mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, xã hội, khoa học...Tôi vẫn cứ đau đáu về nó. Chắc sớm thôi, tôi sẽ trở lại với đề tài này. Biết đâu, sẽ có rất đông bạn đồng hành cùng tôi vượt nốt chặng đường còn lại".
Đến lúc này, chúng tôi mới đủ tự tin khẳng định, chiếc lá tránh thai có thật 100%. Chiếc lá cất công kiếm tìm mười mấy năm, giờ chúng tôi đã được sờ và nhìn ngắm nó.
(Theo Tiền Phong)