Ông Nguyễn Quang Tám. |
Những mùa đi “sim” (cách gọi của người Vân Kiều chỉ mùa tình tự) họ chẳng cần phải mang theo cái gì cả ngoài một thứ lá... và thế là chẳng bao giờ phải mang bầu. Mãi đến bây giờ, khi chúng tôi đã có vợ, có con thì sự thật về chiếc lá “diệu kỳ” này mới được hé lộ.
Đêm nằm lại huyện miền núi Hướng Hóa - Quảng Trị, nơi chủ yếu là người Pa Kô, Vân Kiều sinh sống, “ấm ức” chuyện cũ, chuyện cái lá diệu kỳ, cái lá “kế hoạch hóa”, chúng tôi hỏi chuyện anh Võ Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện.
Hỏi cho vui vậy thôi chứ thực lòng cũng chẳng mấy hy vọng. Không ngờ, anh Thanh trả lời nghiêm túc: “Có đấy. Tôi nghe đâu ông Chủ tịch Hội Đông y của huyện là thành viên trong dự án nghiên cứu về cái thứ lá này”.
Như “buồn ngủ gặp chiếu manh” chúng tôi hỏi đường tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Tám, Chủ tịch Hội Đông y của huyện Hướng Hóa.
Nhà ông Tám nằm ở khóm 3B, thị trấn Khe Sanh. Một ngôi nhà rộng thoáng với nhiều bồn hoa cây cảnh và thêm cả một thủy tạ giữa một hồ nước trữ tình.
Ông Tám nguyên là Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đã nghỉ hưu năm 2001. Khi nghe chúng tôi nhắc đến chuyện có hay không cây thuốc “kế hoạch hóa”, ông Tám cho biết: “Tôi từng sống ở Lào 15 năm làm chuyên gia quân sự, và chung sống với người Pa Kô, Vân Kiều từ nhỏ đến giờ, 5 nhiệm kỳ làm phó Chủ tịch huyện, 1 nhiệm kỳ làm Chủ tịch, 69 tuổi đầu, tôi khẳng định, người dân tộc trên dãy Trường Sơn đã dùng loại cây đó trong việc kế hoạch hóa gia đình”.
Và câu chuyện của ông Tám về cây lá này cứ thế... chảy. Theo ông Tám thì, ông đã biết đến cây này từ năm 1984. Đến khi là phó Chủ tịch huyện kiêm chủ nhiệm Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa của huyện ông mới bắt đầu để công tìm hiểu và nghiên cứu.
Ông lặn lội đi vào các bản của người Pa Kô, Vân Kiều, và tận dụng cả mối quan hệ ở Lào, vào tận các bản của người Lào Thơm hỏi mua thứ cây này. Nhiều chuyến đi sang Lào tìm thứ cây này dối vợ là đi công tác.
Cõng cả con heo nhà 45 kg vào bản đổi lấy chỉ được 1 cây. Gian nan vất vả cả năm trời mới đưa về được bốn cây như vậy để nhân giống. Bốn cây mà ông có được thuộc 3 loài với 3 công hiệu khác nhau. Loài thứ nhất: Có công dụng vĩnh viễn không sinh đẻ (đình sản). Loài thứ hai: Làm cho sảy thai. Loài thứ ba: Tránh thai.
Cách thức chế biến và sử dụng cực kỳ đơn giản, chỉ cần đeo vào người khi quan hệ là cho kết quả như mong đợi. Ông Tám cho hay, cây “kế hoạch hóa” này người Pa Kô, Vân Kiều gọi là cây A năng. Họ coi như là một báu vật truyền đời.
Phải là người tâm giao và đủ độ tin cậy như người trong dòng họ thì họ mới bày cách nhận dạng và cách sử dụng bí truyền cho. Khi được họ bán cho cây A năng này, theo kinh nghiệm của người làm Đông y (ông Tám làm Chủ tịch Hội Đông y Hướng Hoá từ năm 1977), ông Tám biết nó nằm trong họ lan. Trong ba loài A năng thì loài ông cho là quý nhất rất gần với loài Hoàng cung trinh nữ bạch tuyết lan...
Câu chuyện về thứ cây lá này ông Tám kể say sưa và ông luôn khẳng định rằng, mình là người đầu tiên có ý tưởng và sưu tầm thành công cây lá dân gian bí truyền của người dân tộc trên dãy Trường Sơn, để từ đó manh nha một đề tài nghiên cứu khoa học do ông Dương Quát, Chủ nhiệm UBDS/KHHGĐ tỉnh làm chủ đề tài về thuốc y học cổ truyền dân tộc dùng trong KHH GĐ...
Nghe ông Tám nói, nghe ông Tám kể và nghe ông Tám mô tả chung chung, chúng tôi như ở trong “mê hồn trận”, lại bán tín, bán nghi. Chúng tôi bày tỏ ý định muốn xem bốn cái cây mà ông Tám mua được để chụp ảnh minh họa cho bài viết.
Ông Tám từ chối: “Ồ, không được đâu. Bí mật. Nếu không, mất trộm ngay. Có cây, tôi mua đến 1,5 triệu đồng. Vì thế, tôi đã bí mật trồng nó bên rẫy. Với lại, mùa này là mùa A năng “ngủ”. Nó ẩn mình sâu dưới đất. Các anh có muốn chụp ảnh cũng không thể”.
Chúng tôi lại hỏi, bản thân ông đã bao giờ áp dụng thứ lá “diệu kỳ” đó chưa? Ông Tám: “Chưa”. “Vì sao?”. “Tôi có cách riêng của mình”. Lại hỏi: “Ông sưu tầm và nghiên cứu loại cây lá này và khẳng định tính ưu việt của nó, thế ba đứa con của ông đã ai dùng thứ lá này để KHH GĐ chưa?” Ông Tám: “Chúng nó không dùng”. “Sao vậy?”. “Vì nó không thích...”.
Cây chẳng thấy đâu. Hỏi ông tư liệu, đề tài mà ông nghiên cứu, ông bảo ai đó mượn rồi không trả lại. Ông và gia đình ông chưa ai dùng thứ lá cây huyền diệu này (nếu có). Vậy, có hay không thứ cây “kế hoạch hóa” thần kỳ và đề tài nghiên cứu khoa học về cây này như ông Tám nói? Nếu có, thì tại sao, sau ngần ấy năm, kết quả của nó vẫn chưa được công bố?
* Còn nữa
(Theo Tiền Phong)