Mai Liên
Chuyến tàu đi dọc đất nước Thụy Điển kéo dài 19 tiếng đồng hồ, phải dừng lại xử lý 45 phút vì đâm phải một con hươu giữa đường. Cả đoàn đặt chân đến Ice Hotel vào giữa trưa, tận mắt ngắm nhìn khách sạn làm toàn bằng băng và tuyết lớn nhất thế giới.
Mỗi người được phát cho một bộ đồ đi tuyết rộng thùng thình. |
Khách sạn này mỗi năm được xây dựng một lần vào tháng 11, 12, đến tháng 4 là tan hết. Những khối băng trong suốt được khai thác từ dòng sông Torne, nơi được giới thiệu là dòng nước tinh khiết nhất thế giới, có dòng chảy liên tục nhưng không xiết quá, tạo điều kiện sản xuất những khối băng chất lượng cao xuất khẩu đi khắp thế giới.
Chiếc giường băng phủ da tuần lộc. Đi ngủ phải chui vào cái túi ngủ màu xanh này, trùm kín mít chỉ để hở mắt để thở. Bí quyết là càng mặc ít lớp càng ấm. Mình bị phát thiếu một cái khăn trải giường làm bằng chất liệu tổng hợp tương tự lông ngỗng - vật chính có tác dụng giữ ấm nên thấy rét run. |
Mọi vật dụng trong khách sạn đều làm bằng băng, từ giường ghế, phòng ốc, đèn chùm, lò sưởi hoa văn trang trí, tượng trưng bày, đến quầy bar, cốc uống nước... Khách du lịch đến đây được trang bị quần áo, giày đi tuyết, đêm được phát túi ngủ để ngủ trên giường băng.
Ga trải giường là những tấm da tuần lộc, có mùi... hôi đặc trưng. Trong chương trình giới thiệu Ice Hotel có một phần quan trọng là hướng dẫn cách ngủ trong khách sạn. Các hướng dẫn viên cam đoan rằng nếu sắp xếp giường ngủ đúng kỹ thuật thì khách sẽ cảm thấy ấm áp, an toàn. Nhiệt độ quá thấp trong phòng khiến hầu hết bút bi viết không ra mực.
Nếu mà nằm ngủ kiểu phi phương pháp thế này thì chắc chắn là tiêu. |
Nhưng khi vào tham quan, thưởng thức hơi lạnh -5 độ C trong khách sạn, nhiều vị khách người Việt đã chùn bước, lo ngại, cộng thêm gần một ngày chòng chành trên tàu khiến họ mệt mỏi, không còn muốn thử thách sức chịu đựng của mình nữa. Hai thành viên nữ của báo VnExpress đang ốm rút lui đầu tiên, xin thuê phòng ấm bên ngoài.
Hai đồng chí nam là Quảng Hà, Việt Anh kiên cường ngủ cả đêm trong "nhà đá", kết quả một người đau bụng, người kia đau đầu. Cuối cùng chỉ có Mai Liên vững vàng nhất, bảo toàn được sức khỏe (trộm vía), dù 2h đêm rét quá không chịu nổi (do bố trí túi ngủ không đúng kỹ thuật) đã chạy ra ngoài, từ nhà đá chui vào ngủ trong... nhà tắm. Nhiều thành viên đoàn Việt Nam cũng đã tháo chạy từ trước, nằm la liệt ngoài phòng thay đồ, cả nam lẫn nữ.
Trong Icebar làm toàn bằng băng. Có 5 cái bar kiểu này trên thế giới, ở Tokyo, London, Copenhagen, Istambul và cái này. |
Còn hai điều mình chưa làm được và cảm thấy tiếc là chưa nhìn thấy cực quang đúng nghĩa, và cũng bỏ qua cơ hội uống nước bằng ly đá. Bù lại, trên đường đi về gặp một trận mưa tuyết lớn gần như bão ở Kiruna, thành phố 18.000 dân sắp bị phá bỏ để phục vụ khai thác mỏ; xuống độ sâu 540m thăm khu mỏ sắt lớn nhất thế giới.
Trước khi xuống hầm trời chưa hề mưa. Hơn một tiếng sau lên mặt đất đã thấy trời trắng xóa, tuyết bay mù mịt. Chuyến tàu về một lần nữa gặp trục trặc. Tàu bị gãy một bộ phận, thợ không sửa được. Sau hai tiếng, toàn bộ 200 hành khách được chở bằng xe bus sang một ga khác bắt tàu đi tiếp về Stockholm.
Mỗi bước đi là một trải nghiệm.
Mỗi chuyến đi là một cơ hội.
Vài nét về blogger:
Em bé nhỏ - Mai Liên.
Blogger Mai Liên đang công tác tại báo điện tử VnExpress.